CHÍNH PHONG -
Ngày càng có nhiều hộ gia đình tìm đến tranh tường như một giải pháp mới làm tươi mát căn nhà của mình...
Từ quán vào nhà
Một bức tranh tường phong cảnh ở phòng khách, những khóm hoa vẽ trên tường ở vách ngăn giữa các không gian chức năng sẽ khiến ngôi nhà bớt đi vẻ đơn điệu. Tranh tường phóng khoáng, không nặng nề và “đóng khung” như tranh treo, cũng không hời hợt giả tạo như giấy dán tường.
Điều kiện không khí nóng ẩm của nước ta không phù hợp với giấy dán tường trong khi tranh vẽ tường có thể “trụ” đến hàng chục năm, khi bụi bẩn có thể dùng khăn ướt lau là nước tranh sáng bóng trở lại.
Một vài dự án chung cư như dự án ở Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TPHCM) cũng đã đưa tranh tường vào các căn hộ mẫu. Các đôi vợ chồng trẻ làm công việc có tính sáng tạo như anh Huy Tiến và chị Mai Hương lại càng ưa thể loại này. Dọn vào một căn hộ chung cư cũ ở quận 10, họ nhanh chóng cải tạo nội thất với các mảng tranh tường.
Đa dạng thủ pháp
Chủ nhà bàn giao mảng tường phẳng có bả bột ma-tít mài nhẵn cho thợ vẽ. Với một số chủ nhà kỹ tính, thợ có thể tư vấn dùng thêm một nước keo sữa (Polyvinyl Acetate) để quét lên tường trước khi vẽ. Lớp keo sữa này đảm bảo cho màu không bị thấm vào tường và bức tranh sẽ bền hơn. Chất liệu vẽ tường có nhiều loại như sơn công nghiệp, sơn dầu, sơn nước, sơn acrylic… tùy theo phong cách của tranh.
Nếu tranh ở trong nhà và theo phong cách nhẹ nhàng thì dùng sơn nước. Tranh ngoài trời thì dùng sơn dầu mới có thể bền màu với mưa nắng. Sơn dầu là chất liệu có từ ngàn xưa nhưng bây giờ nó đang chịu sự cạnh tranh từ sơn acrylic mới chỉ được khai sinh khoảng nửa thế kỷ nay. Sơn dầu có độ bền cao hơn nhưng thời gian vẽ lâu hơn vì vừa vẽ vừa đợi màu khô. Sơn acrylic khô rất nhanh nên công việc của thợ không bị gián đoạn. Do vậy, dù đắt hơn một chút nhưng nhiều người vẫn dùng sơn acrylic để rút ngắn thời gian.
Sơn acrylic chỉ cần nước lạnh để pha màu và rửa cọ, thân thiện với môi trường. Sơn dầu cần dùng dầu hôi làm điều đó, mùi khó chịu với nhiều người. Sơn dầu cho các bức vẽ nhuyễn, sắc và đẹp hơn nhưng dùng trong các không gian nhỏ như phòng khách thì không tiện vì bay mùi. Ở một không gian rộng, có những mùi khác lấn át thì có thể dùng sơn dầu.
Đang thành “mốt” nên ở Hà Nội và TPHCM có rất nhiều họa sĩ, xưởng chép tranh nhận vẽ tranh tường vì việc này không khác biệt nhiều so với vẽ trên toan. Trên con đường Trần Phú (quận 5, TPHCM), hầu như xưởng tranh nào cũng nhận vẽ tranh tường, giá từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào độ khó và diện tích vẽ.
Họa sĩ Ngô Lực, từng tốt nghiệp cả ngành mỹ thuật và kiến trúc, làm việc nhiều năm trong lĩnh vực mỹ thuật công nghiệp, cho biết trong tay anh có hơn 40 thợ cộng tác để có thể thi công một lúc nhiều công trình. Thợ được chia ra thành nhiều nhóm khác nhau. Vẽ phong cảnh hoa lá thì chỉ cần thợ chép tranh là được. Vẽ theo các trường phái mới như ấn tượng, trừu tượng, pop-art, art deco, art nouveau… thì cần các họa sĩ và sinh viên mỹ thuật có học hành bài bản vì họ có thể vừa vẽ vừa tư duy được.
Tranh 3D bắt đầu lên ngôi
Sau một lần tham quan Bảo tàng tranh 3D Artinus (khu đô thị Him Lam, quận 7, TPHCM), cô con gái 7 tuổi của anh Tân Lam ở quận 11 nằng nặc đòi có một bức tranh tường 3D trong phòng ngủ. “Từ khi làm xong bức tranh, cuối tuần các bạn cháu đến chơi đông, giờ cháu đòi thêm bức nữa, tôi không biết tính sao đây”, anh Lam cho biết.
Tranh 3D đang là thứ hấp dẫn giới trẻ, nhất là trong thời buổi smartphone, Facebook hiện nay, nhu cầu “khoe” rất lớn. Vé vào Bảo tàng tranh 3D không “mềm” 150.000 đồng/người nhưng vẫn liên tục có khách. Sức tưởng tượng của các nghệ sĩ trên thế giới hiện nay quả thật phong phú. Ông tổ của dòng tranh 3D, họa sĩ Ý Michelangelo có sống lại cũng phải ngạc nhiên.
Nhưng việc này không khó với các họa sĩ như Ngô Lực, từng là một người nổi danh trong làng body painting (vẽ trên cơ thể người) với nhiều cuộc triển lãm sắp đặt đình đám. Anh cho biết, cách đây vài năm anh đã nhận đơn hàng vẽ 200 tấm 3D khổ lớn cho một đối tác Hàn Quốc để họ làm triển lãm bán vé ở Hàn Quốc và một số nước. Hiện tại, anh vẫn nhận vẽ tranh tường 3D với giá 900.000 đồng mỗi mét vuông.
“Nhu cầu tranh tường 3D ở một số điểm vui chơi hiện khá lớn vì đây là điểm tạo sự khác biệt và thu hút khách”, họa sĩ Lực nói, “Nhiều nơi đặt vẽ trên tấm tường – nền di động để có thể dễ dàng luân chuyển trưng bày”. Nhưng hỏi anh có ý định kinh doanh bảo tàng theo hướng này thì anh nói chưa, vì đó là một dự án lớn cần có sự kết hợp các nhà tổ chức sự kiện có vốn và địa điểm lớn.