(SGTTO) - Từ xưa đến nay, cây ba kích được sử dụng nhiều trong các bài thuốc. Ngoài tác dụng chữa bệnh, ba kích còn được dùng để chế biến những món ăn ngon, bổ dưỡng.
Ba kích có hai loại
Cây ba kích là loại dược liệu mọc hoang ở vùng ven rừng, các bãi hoang vùng trung du miền núi ở phía Bắc, thường dùng để ngâm rượu chữa bệnh. Ngoài tên ba kích, loại dược liệu này còn được gọi là cây ruột gà, ba kích thiên, chẩu phóng xì, thao tầy cáy, liên châu ba kích, ba kích nhục, diệp liễu thảo, đan điền âm vũ…
Theo đông y, ba kích có vị cay, ngọt, tính ấm. Tác dụng của cây ba kích giúp bổ thận, tráng dương, trị yếu sinh lý cho nam giới, cường gân cốt, khử phong thấp, tăng cường sức đề kháng, sức lực cho bệnh nhân lớn tuổi, suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém. Ngoài ra, ba kích còn được dùng trong ẩm thực để tạo nên những món ngon vừa dễ ăn lại có tác dụng chữa bệnh hiệu quả.
Đầu bếp Nguyễn Văn Thông (bếp trưởng bếp Sài Thành), người chuyên về ẩm thực miền Bắc cho biết: "Ba kích nổi tiếng nhất vẫn là ở Quảng Ninh. Ở miền Bắc, rượu ba kích rất được ưa chuộng vì hiệu quả nhanh. Ba kích có hai loại là tím và ba kích trắng. Trong đó, ba kích tím quý hơn nên giá thành cũng cao hơn.
Với ba kích trắng, khi ngâm rượu sẽ cho ra màu tím nhạt. Nhưng với ba kích tím, khi ngâm rượu sẽ có màu tím đậm như mực tím. Tốt nhất khi nấu nên dùng ba kích khô đã được sơ chế sẵn. Nếu mua ba kích tươi, chú ý cần phải bỏ phần lõi của ba kích (dù nấu ăn hay ngâm rượu) vì gây nguy hiểm cho sức khỏe".
Cũng theo ông Thông, ba kích có thể được dùng để chế biến món ăn ngon như ba kích nấu với lòng heo hay thịt heo hay hầm với bầu nậm, nấu canh thịt trai với ba kích. Nhưng phổ biến nhất vẫn là dùng ba kích kết hợp với các vị thuốc để hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, người dùng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng, không nên dùng nhiều quá hay kết hợp với các thảo dược khác mà chưa được chỉ dẫn.
Công thức nấu món ngon, trị bệnh từ ba kích
Thịt nạc hầm ba kích
Nguyên liệu bao gồm: Ba kích 8g, thiên đông 5g, sơn tra 8g, thịt lợn nạc 50g, gừng 3g, hành 10g, muối hạt.
Cách nấu: Rửa sạch thịt lợn, ba kích, thiên đông, gừng, hành và thái miếng; rửa sạch sơn tra và bỏ hột. Tất cả cho vào nồi, đổ vào khoảng 1 lít nước. Khi nấu cho lửa to, khi sôi để nhỏ lửa khoảng 1 tiếng là được. Sử dụng 1 lần/ ngày.
Tác dụng: bổ thận dương, tốt cho những người huyết áp cao.
Canh ba kích hầm lòng gà
Nguyên liệu bao gồm: Lòng gà 200g, nhục thung dung 30g, ba kích 25g, gừng tươi 10g.
Cách nấu: Lòng gà làm sạch bằng chanh và muối rồi thái nhỏ. Ba kích, nhục thung dung chia ra rửa sạch, cho vào túi, buộc kín. Lòng gà và túi thuốc được bỏ vào nồi đất, lượng nước được điều chỉnh cho phù hợp, cho thêm muối hạt và gừng, đun trên lửa lớn đến khi sôi thì để nhỏ lửa khoảng 1 giờ nữa, sau đó vớt túi thuốc ra, nêm gia vị vừa dùng.
Tác dụng: ấm thận, tốt cho những người bị bệnh thận hay đi tiểu nhiều lần.
Quỳnh Châu