Nghề pha chế cà phê (barista) ngày càng được các bạn trẻ yêu thích khi mà làn sóng các loại cà phê theo phong cách nước ngoài đã, đang và sẽ thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.
Đều đặn từ hơn hai năm nay, những buổi gặp gỡ offline của Hội Barista Sài Gòn luôn được duy trì đều đặn mỗi tháng một lần như là sân chơi dành cho những người yêu thích cà phê nói chung và những người làm công việc pha chế cà phê nói riêng. Những sự kiện như thế này được tổ chức tại một quán cà phê nào đó ở TPHCM để các barista của các quán cà phê cùng những học viên theo học nghệ thuật pha chế cà phê thi thố tài năng, giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với nhau.
Cơ hội cho các bạn barista trẻ tuổi
Barista, bắt nguồn từ tiếng Ý dành để chỉ những nhân viên pha chế các loại thức uống từ espresso. Barista đã du nhập vào Việt Nam được hơn một thập niên. Lúc đầu nó chỉ là một môn học tại các trường đào tạo chuyên ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng. Sau, barista đã trở thành một môn chơi thu hút các bạn trẻ có sở thích về cà phê, đặc biệt là các loại cà phê Ý.
Đồng Quốc Tường, học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 và chuẩn bị theo học ngành nhà hàng khách sạn tại Thụy Sỹ cho biết, trước đây Tường đã từng theo học một khóa về cà phê. “Em rất thích học về cà phê vì nền văn hóa Việt Nam cũng gắn liền với cà phê. Ngoài ra, sau này chuyên ngành học của em cũng đòi hỏi một số kiến thức về pha chế một số loại thức uống và tốt hơn mình nên đi học một khóa” – Tường nói – “Em muốn làm một người quản lý giỏi thì phải biết nguồn gốc của mọi thứ và tìm hiểu về cà phê cũng là phần nào tìm hiểu về nét đẹp văn hóa của người Việt. Em cũng tìm hiểu sự khác nhau giữa cà phê Ý và Việt Nam”.
Còn với Đặng Huy Tân, sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành về tài chính tại Singapore, trở về nước đã tìm học thêm một khóa căn bản về cà phê được một tháng để thỏa mãn sở thích của mình. Tân nói, quyết định của Tân bắt đầu nhen nhóm trong một lần em tình cờ đi uống cà phê vào một buổi sáng mùng Một Tết Nguyên đán. “Khi đó quán cà phê rất vắng khách, chị chủ quán ngồi nói chuyện với em và em bày tỏ với chị về sở thích của mình. Chị ấy nói, sẽ giới thiệu thầy dạy cho em. Tuy ba mẹ không muốn em bỏ chuyên ngành tài chính nhưng em vẫn mơ ước một ngày nào đó em sẽ có một quán cà phê của riêng mình và sẽ tự pha chế thức uống, thiết kế quán”.
Hiện nay, các quán cà phê mở ra nhiều, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm cho các barista được mở rộng. Theo anh Võ Pháp, thầy dạy về pha chế cà phê đã có hơn tám năm gắn bó với nghề cho biết, các khóa học về pha chế cà phê ngày càng thu hút các bạn trẻ. “Học viên của tôi đa phần dưới 30 tuổi. Hiện nay, nhiều barista chưa đáp ứng yêu cầu của công việc nên một số quán cà phê chỉ trả lương theo giờ, dạng việc làm bán thời gian. Trong khi đó nếu những bạn tay nghề cao thì các quán cà phê không ngần ngại trả mức lương tháng trung bình 3,5-7 triệu đồng”, anh Pháp nói.
Phạm Minh Luân, một trong những người pha chế cà phê trẻ chuyên nghiệp tại TPHCM và cũng là một người giảng dạy về barista chia sẻ: “Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ theo đuổi nghề này nhưng khi bắt đầu pha cà phê bằng máy thì tự nhiên mình lại yêu thích. Ai chưa học, tưởng pha chế cà phê dễ nhưng khi học rồi mới thấy khó. Học để biết kỹ thuật căn bản đánh sữa, kỹ thuật đổ thì chỉ cần mất khoảng hai tháng; nhưng phải mất hơn một năm luyện tập thường xuyên mới nâng cao tay nghề được”.
Nghệ thuật trang trí cà phê
Theo những người trong nghề thì Latte Art (tạm dịch: nghệ thuật trang trí cà phê) đòi hỏi sự khéo léo của một barista. Latte Art là một loại hình nghệ thuật được cho là bắt nguồn từ Ý, dùng sữa tươi nóng rót vào tách cà phê nguyên chất đậm đặc nhằm tạo ra những hình vẽ trên mặt tách cà phê. Minh Luân cho biết: “Đặc thù Latte Art rất khó, ví dụ như vẽ bằng cây thì dễ, nhưng sau khi đánh sữa xong rồi cầm ca đổ trực tiếp lên bề mặt của tách cà phê đòi hỏi sự khéo léo của một barista. Và, các quán cà phê rất cần những người chuyên nghiệp về Latte Art, các barista có thế mạnh về Latte Art dễ xin việc làm hơn”.
Cà phê latte có thành phần chính là espresso, sữa và bột sữa. Một ly cà phê latte nóng được trang trí bằng những hình thù đẹp mắt sẽ chứng tỏ “đẳng cấp” của một barista.
Thói quen uống cà phê của người Việt có từ thời Pháp thuộc và nay, khi các loại cà phê Ý xuất hiện đã làm phong phú thêm phong cách uống cà phê của người Việt Nam.
Tường Vi