Y Nguyên -
Xong mùa gặt tháng 3, mẹ bảo: con Ba, con Tư chuẩn bị liềm cùng tao đi dọn rạ cho kịp đốt đồng không mưa tới. Dọn rạ, ấy chắc chắn là cái lệnh “thiên hạ đệ nhất… ám ảnh” của mẹ dành cho chị em tôi. Còn phải hỏi, đồng tháng 3 nắng hầm hập, khô rốc khô rang; nắng táp vào mặt, vào lưng như muốn lột từng mảng da trần áo quần không che tới. Nước uống ừng ực, mồ hôi tuôn như tắm, ngùn ngụt bốc hơi vẫn không xua được cái nóng. Soàn soạt cả buổi, ngước mắt trông lên, luống rạ vẫn còn dài dặc, lê thê đến… phát khóc. Mẹ nạt: lo cắt lẹ đi; dòm, dòm cái gì.
Vậy nhưng, tới lúc đốt đồng thì xem như “thoát nợ”. Trưa, chỉ từ vài đốm lửa mồi leo lét cuối gió nhả vài ba sợi khói mong manh – quay lại quay đi chưa đầy mười lăm phút sau – đồng bỗng hóa thành biển lửa. Nắng to làm rạ mới cắt khô cong, cháy rần rật như bão. Rạ khô cháy, tiện đà thiêu luôn rạ tươi chưa cắt. Khói đen cuồn cuộn lên trời, dạt trôi theo gió, dần loãng ra thành một màn mây xám đục là là trôi ngang mặt ruộng. Cảnh đốt đồng diễn ra hoành tráng như nghi lễ tẩy trần cho đồng ruộng trước khi vào vụ mới. Mà đúng là tẩy trần, lửa đốt đồng không chỉ thiêu chân rạ cho dễ cày bừa; nó còn giúp thiêu luôn các mầm mống sâu/bệnh còn lưu trong đất từ vụ trước.
Làm gì làm, hễ lửa đốt đồng phát cháy là coi như kết thúc cái cực hình dọn rạ, chị em tôi được quyền chơi nhông mà không sợ mẹ la. Vậy nên thấy khói đốt đồng là mừng muốn… vấp té luôn. Nhiều khi rạ chưa kịp dọn hết nhưng trời chuyển mưa phải lật đật đốt. Có khi là lửa ruộng khác cháy leo qua ruộng nhà. Kiểu nào thì cũng phải nghỉ tay. Bác Hai dọn ruộng gần bên sẽ đứng ưỡn người, thùm thụp đấm lưng, kêu: về thôi bây ơi, nóng thí mồ… Dễ về không? Mặc cho mẹ làu bàu nhìn khoảnh ruộng chưa kịp dọn lửa cháy táp lam nham, chị em tôi tung tăng lội tro, tìm những bông lúa sót bị lửa thiêu, gạo nổ bung to như cốm. Lột trấu, cho vào miệng nhai rau ráu. Hạt cốm thơm thơm, giòn tan, ăn hạt rồi muốn tìm thêm hạt nữa (con nít quê xưa ăn cái gì chẳng ngon, khổ mà!). Cặm cụi lội đồng cả buổi săn “cốm”, chiều về mặt mũi chân tay đứa nào cũng đen thủi đen thui như dã nhân đi lạc, mẹ thấy hết hồn…
Lần đó, mê săn “cốm”, tôi tách riêng chị Ba, một mình âm mưu “ăn lẻ” để khỏi bị tranh. Khói mịt mù, tôi chân thấp chân cao, lớ ngớ bước nhầm vô đám tro còn nóng. Nghe tiếng tôi kêu thét, chị Ba hết hồn hai tay xua khói, quờ quạng chạy băng ào ngang khoảnh ruộng còn nghi ngút cháy, lôi ngược tôi ra. Thoát được, định thần nhìn lại tôi chỉ bị bỏng sơ; còn chị Ba, ôi thôi, hai bàn chân sưng phồng, bóc da từng mảng! Bữa ấy hai chị em tối mịt mới dám tập tễnh dìu về, nơm nớp sợ mẹ đánh. Nhưng không! Mẹ hỏi đầu đuôi, nhìn hai bàn chân rách nát của chị Ba, lắc đầu, ứa nước mắt. Rồi mẹ lui cui đốt đèn, ra vườn soi tìm lá sống đời đem vô giã, đắp…
Giờ thì khói đốt đồng đã bay xa, rất xa. Rơm rạ một thời vạ vật giờ được tận thu sản xuất nấm rơm, không ai còn mang đốt. Mẹ ra người thiên cổ. Chị lấy chồng, bỏ quê xa xứ. Ký ức đốt đồng, lang thang lội tro tìm cốm nổ đã dần lùi sâu, sâu hút vào những giấc mơ. Sao tháng 3 về, ngang qua đồng cũ vẫn nghe mắt cay cay.
Phải chăng do… khói đốt đồng?