ĐẶNG TRUNG CÔNG -
Bên cạnh góc học tập của con gái tôi luôn có một cái kệ đựng sách hẳn hoi. Thế nhưng trong đống sách để ngổn ngang ấy khó kiếm ra một cuốn sách có nội dung nhân văn, hay những câu chuyện lịch sử, cho dù tôi đã làm mọi cách để con chịu đọc những cuốn sách đó.
Trên kệ không có những quyển mang giá trị nhân văn như Quà tặng cuộc sống, Cửa sổ tâm hồn hay truyện tranh lịch sử Thần đồng Đất Việt… mà chỉ thấy toàn truyện tranh mang hơi hướng bạo lực như Rồng thiêng, Pokemon, Thám tử lừng danh Conan, Nữ hoàng Ai Cập…
Trong khi đó, ngay từ lúc nhỏ, tôi và vợ đã tập cho con yêu sách như mình. Lâu lâu, vợ chồng lại chở con đi nhà sách, hội chợ sách để mua vài quyển hay về đọc. Vậy mà con bé không “di truyền” sở thích ấy của ba mẹ. Vào hiệu sách, trong khi tôi cố tình hướng con vào với những gian hàng sách nhân văn thì con bé lại chạy đến quầy truyện tranh, loại truyện nước ngoài vừa xa lạ, vừa hoang tưởng, một cách hứng thú.
Kế hoạch thất bại, tôi chủ động mua về một lô sách Địa danh Việt Nam, Truyện cổ tích Việt Nam, Truyện cổ Grimm, Truyện cổ Andersen, sách dạy làm người… bắt cháu đọc. Cháu miễn cưỡng đọc lướt qua, rồi cho rằng không có gì hay, lại tiếp tục lôi ra những cuốn Shin, cậu bé bút chì, Sát thủ đầu mưng mủ, Thủy thủ mặt trăng… đọc đi đọc lại đến thuộc cả những tình tiết trong ấy. Cả những cuốn truyện tranh cũ xì, rách cả bìa, cũng được cháu và lũ bạn chuyền tay nhau đọc hoài không biết chán. Nhiều đứa bé ngay khi được ba mẹ chở đến trường vẫn cứ khư khư trong tay cuốn truyện, ráng tranh thủ đọc thêm vài trang cho… đỡ ghiền!
Trẻ nhỏ ngày nay có quá nhiều thú vui: chơi game, xem phim hoạt hình, xem trò chơi tương tác trên truyền hình… nên quên mất thú vui đọc sách kiểu cũ.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng nên tập cho trẻ thói quen đọc sách truyền thống ngay từ khi còn nhỏ. Những quyển sách mang giá trị nhân văn sẽ giúp trẻ lớn lên trong sự chín chắn, biết suy nghĩ, đối mặt trước những biến cố của cuộc sống.