(SGTT) - Trong lúc nghỉ dịch ở nhà, nhiều giáo viên đã tìm đến những nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập, vượt qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, nguồn thu nhập từ nghề phụ còn cao hơn so với nghề chính, giúp họ thu về cả triệu đồng tiền lãi mỗi ngày.
- Độc đáo nghề “lưới giật lùi” của ngư dân Đà Nẵng
- Một công ty du lịch mở “siêu thị 0 đồng” cho người khó khăn
"Những lúc cao điểm mùa dịch thu về cả triệu đồng tiền lãi"
Tốt nghiệp khoa giáo dục mầm non, trường Đại học Đồng Nai, chị Nguyễn Ngọc Vân Anh đứng lớp đã được 4 năm tại các trường công lập và tư thục. Hiện nay, chị Vân Anh đang dạy hợp đồng cho một trường mầm non tư thục với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị qua điện thoại, chị Vân Anh cho biết từ ngày có dịch Covid-19, chị bắt đầu bán đồ ăn online. Vì là giáo viên hợp đồng của trường mầm non nên khi nghỉ dịch chị không hề có chế độ. Để kiếm thêm chi phí sinh hoạt, chị đã nảy ra ý tưởng nấu và bán các loại sữa chua, bánh flan, rau câu và rao bán trên mạng xã hội facebook.
Mỗi ngày, chị Vân Anh mất khoảng 3-4 tiếng để thực hiện các công đoạn làm đồ. Thực đơn các món luôn được đổi mới mỗi ngày, khi thì vị cam, dâu, chanh dây... và chị luôn đặt chất lượng lên hàng đầu đối với công việc buôn bán của mình. Ngoài ra, chị cũng tự đi giao cho khách thay vì phải thuê người giao để lấy công làm lời.

“Có thể là do mình có cái duyên buôn bán và cũng có thể là có khiếu nấu nướng nên đồ ăn được nhiều bạn bè người thân ủng hộ, hàng ra tới đâu là khách đặt mua đến đấy. Có ngày cuối tuần, lượng khách đông, chồng mình cùng phụ với mình, những lúc cao điểm mùa dịch thu về cả triệu đồng tiền lãi”, chị Vân Anh nói.
Tuy vậy, việc bán đồ ăn với chị Vân Anh chỉ là giải pháp tạm thời. Đến khi hết dịch, chị sẽ quay trở lại công việc nuôi dạy trẻ đã gắn bó bấy lâu nay.
Tiếp tục kinh doanh, dự định không dạy trở lại
Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Kiều Giang, giáo viên mầm non ở một trường trên địa bàn thành phố Thủ Đức nhận việc bán hàng theo giờ tại một cửa hàng gần nhà để cải thiện thu nhập.
Mỗi sáng khoảng 5:00, chị phải có mặt ở cửa hàng để dọn và bày biện các mặt hàng ra sạp. Đồng thời, chị Giang cũng trở thành một người giao hàng đến tận nhà cho khách theo thỏa thuận của người thuê. Mỗi ngày, tiền công chị nhận được là 20.000 đồng/giờ và chủ sẽ trả khi hết buổi.

“Những ngày đầu do đã quen với môi trường giáo dục nên mình bị bỡ ngỡ trước sự phức tạp của môi trường buôn bán. Mình phải mất 2-3 ngày mới dần quen được. Tuy nhiên, thay vì chèo kéo khách như cách những người khác thường làm, mình lựa chọn phương thức tư vấn tận tình, niềm nở, vì thế mà bán được”, chị Giang kể.
Chia sẻ thêm về dự định sắp tới, chị Giang cho biết sẽ tiếp tục tích góp tiền để tự mình mở một sạp riêng, bán các mặt hàng tiêu dùng gia đình và sẽ không đi dạy học trở lại. Trong thời gian làm việc, chị đã được chủ cửa hàng hướng dẫn, chỉ dạy về cách nhập hàng, bán hàng... Công việc này đã giúp chị Giang tự chủ về tài chính trong mùa dịch.
Nghề mới thêm trải nghiệm mới
Được sự giới thiệu của một người bạn, chị Trần Trúc Lan ở quận 10, TPHCM chọn công việc tư vấn viên cho một hãng bảo hiểm trong thời gian nghỉ dạy vì dịch.
“Ngày xưa mới ra trường, mình yêu nghề lắm. Bây giờ, cuộc sống khó khăn nên dù vẫn yêu nghề nhưng vẫn phải dành thời gian làm những công việc khác để sống. Với mức thu nhập hiện tại, mình chỉ có thể chi tiêu một cách tiết kiệm nhất”, chị Lan chia sẻ.

Chị Lan cho biết từ khi có công việc làm thêm, tuy vất vả một chút nhưng có thêm thu nhập. Trong thời gian làm việc bán bảo hiểm, chị Lan kiêm luôn cả việc đi thu phí khách hàng nên có lương cứng 5 triệu/tháng. Ngoài ra, thu nhập sẽ được cộng dồn theo doanh số bán hàng của chị.
Công việc tay trái này đã giúp chị Lan vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh ở TPHCM trở nên phức tạp. Không chỉ vậy, việc đi làm ở một môi trường mới cũng giúp chị có thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc sống.
Minh Hoàng