(SGTT) - Xế trưa hôm qua trời đổ xuống một cơn mưa. Mưa mau tạnh nhưng khá lớn. Có lẽ là mưa cuối mùa rồi vì mấy hôm nay cơn gió bấc đã tràn về khiến trời se se lạnh khi tôi ngồi quán cà phê buổi sáng.
Sau cơn mưa nắng lại ửng hồng một góc trời, một cầu vồng hiện lên, rực rỡ sắc màu. À, mưa nắng đây mà! Nhìn chiếc cầu lung linh, không vắt ngang trời mà thẳng đứng, vút lên cao chợt nhớ một truyền thuyết đọc được đâu đó: Ai thấy được “cầu vồng dốc đứng” trong đời, kẻ đó sẽ có được hạnh phúc. Truyền thuyết là vậy liệu có đúng không? Hạnh phúc cũng lung linh, mờ ảo như bảy sắc cầu vồng kia làm sao biết được phải không?
Những ngày cận tết, ban công nhà tôi hôm nào chim sẻ cũng bay về từng đàn, từng đàn. Sáng sáng, chiều chiều ríu ra ríu rít nhộn nhạo cả một góc nhà. Nằm trên võng nghe tiếng chim rót đầy tai và gió xuân vuốt ve mặt mũi cứ mường tượng như tết đã đến rồi. Mà cũng thiệt lạ, mấy tháng trước bầy sẻ đi đâu mất giờ mới trở về bay liệng, líu lo khiến cảnh đẹp, lòng vui là vậy. Tự nghĩ hay là trong năm chúng “bôn tẩu giang hồ” đâu đó giờ theo gió đông lại trở về thành phố đón hoa nở xuân về? Ý nghĩ khiến hồn nhẹ tênh, miệng cứ tủm tỉm cười hoài. Bầy sẻ cứ ríu rít, cần mẫn mổ từng hạt gạo tôi rải trên ban công nhà, có phải chúng đang vui sướng thỏa thuê đó không? Hạnh phúc của chúng áng chừng nằm trong từng hạt gạo trắng ngần kia?
Núp sau ban công nhìn mấy chú chim sẻ mổ mổ từng hạt gạo đã nghe tiếng kêu dưới đường. Dừa ghé lại nghe! Vác xuống hai quày đi. Mà sao chưa tết đã lên giá dữ vậy? Gần tết rồi chị Tư ơi, nhà vườn lên giá, bọn tui phải chịu thôi, lấy công làm lời mà. Xe bán dừa vừa đẩy đi lại tới tiếng rao vang: Chổi đây! Chổi lông gà quét bồ hóng, chổi cỏ quét nhà, chổi ráng quét sân đây!
Không tiếp tục đứng nhìn, tôi bước vào nhà nhưng vẫn biết xế trưa một chút sẽ có anh mài dao mài kéo đi qua, rồi ít hôm nữa một cậu thanh niên với chiếc loa sẽ vang tiếng gọi chùi lư, chùi chân đèn… Năm nào cũng vậy, tôi vẫn quen gọi đó là “âm hưởng mùa xuân”, những âm hưởng cứ trở đi trở về theo từng vòng quay của đất trời. Đôi khi thả hồn vào suy tưởng, tôi cảm nhận được dường như sự nhanh, chậm của vòng quay, sự xôn xao nhiều ít của những tiếng rao hàng, tiếng hỏi han trả giá ồn ào kia cũng chính là niềm vui, nỗi buồn, niềm hy vọng của nhân gian về cái tết sắp tới.
Giống như mỗi sáng ngồi trầm ở quán cà phê gần nhà, nhìn xe cộ chạy như mắc cửi trên đường hay tán chuyện với mấy bạn cà phê quen thuộc nghe mọi người bàn tán về cái tết sắp đến với bao lo toan bận rộn mà thấy lòng mình cũng nhiều suy nghĩ đa đoan. Giống như đứa bé ngày nào rạo rực, bồi hồi mong đợi xuân về, tôi nhìn lên từng mặt người, lắng nghe từng câu nói, tiếng cười tìm một tín hiệu báo tin xuân, tìm hoài, tìm hoài sao không thấy. Trong câu chuyện của những người lao động “tay làm hàm nhai” ngồi bên tôi mỗi buổi sáng này chỉ thấy tràn ngập nỗi lo lắng, muộn phiền. Lật bật mà tới tết, năm nay tết sớm quá! Làm ăn ngày càng khó khăn, làm sao lo tết đây? Lại một tiếng than dài: Người lớn sao cũng được, chỉ tội nghiệp bọn nhỏ! Ừ, bọn nhỏ! Đứa trẻ trong tôi lại bồi hồi nhớ ngày xưa. Trẻ con chẳng hề quan tâm đến ăn uống, cúng quải gì đó, chỉ một bộ quần áo mới, sòng sành bao lì xì trong túi, tung tăng chạy nhảy đã là tết, đã là hạnh phúc ngập tràn.
Mà hạnh phúc của người lớn, của các bậc cha mẹ cũng chính là ở ánh mắt sáng ngời, ở niềm vui con trẻ chớ đâu! Bởi vậy mà một chị bán bánh đúc, bánh lọt ngồi bên tôi chốc chốc lại thở dài. Buôn bán ế ẩm, không biết có mua nổi bộ đồ mới cho hai đứa nhỏ không? Bà thím cạnh đó cả năm tăng hưu vườn mai cả ngàn gốc lại phấn khởi. Năm nay mưa thuận gió hòa, hy vọng bày được mâm cơm tết rôm rả cúng ông bà. Trong mắt người phụ nữ trung niên này, muôn ngàn cánh mai vàng rực bung nở trong gió xuân về chính là ước mơ, hạnh phúc chứ đâu!
Nghĩ vậy, trong tôi lại hình dung ra hình ảnh chiếc bàn thờ, khói hương nghi ngút, trên đó mâm cơm ngày tết được dọn lên, đầy ắp món ngon thịt mỡ, dưa hành, tôm khô củ kiệu, bánh tét, bánh chưng… Người phụ nữ đứng vái sì sụp, mừng đón ông bà về ăn tết với cháu con, hạnh phúc đọng đầy trong mắt vì thỏa nguyện.
Cuối cùng thì hạnh phúc có màu gì? Hay chỉ như bảy sắc cầu vồng cứ mãi lung linh? Ngày xưa đi học, một ông thầy dạy vẽ đã từng nói. Trên bảng màu trước mắt các em, màu trắng tuy có đó nhưng không phải là một màu, bởi khi ta quay vòng bảng màu, tất cả sắc màu trên đó sẽ biến thành màu trắng. Hồi ức khiến tôi suy nghĩ miên man. Ừ, tuy không phải là một màu chính danh nhưng cái sắc trắng kia đã điểm xuyết, đã làm thay đổi biết bao nhiêu màu gốc phải không? Đỏ thành hồng, xanh dương thành xanh trời, đen thành xám... và còn bao nhiêu sắc màu khác biến đổi cùng cái màu trung tính này. Từng chút, từng chút, như sắc trắng trên bảng màu, hạnh phúc tìm đến, nở hoa trong lòng người đều có màu sắc riêng, đặc điểm riêng.
Và tôi, đứng ở những ngày giáp tết, giữa lòng nhân gian, tôi muốn gọi tất cả những điều mình cảm nhận được là “sắc màu hạnh phúc”!
Nguyễn Ngọc Tuyết