(SGTT) - Mỗi năm cứ gần đến ngày 20-11 là bao phụ huynh, học sinh lại suy nghĩ xem nên chuẩn bị món quà gì cho thật ý nghĩa để gởi đến tri ân những người thầy cô kính yêu.
Và với tôi ngày 20-11 cũng gợi lại bao nhiêu kí ức đẹp thời cắp sách đến trường. Nhớ khi ấy cả lớp cùng nhau đạp xe đến nhà để chúc mừng từng thầy cô bằng những món quà nhỏ mà đầy ý nghĩa. Chúng tôi kính tặng cô xấp vải may áo dài hay chiếc túi xách mang đi dạy, tặng thầy chiếc áo sơ mi mới thay cho chiếc áo thầy đang mặc đã sờn vai… Rồi thầy trò cùng nhau ăn bánh, uống nước, trò chuyện có khi cả nhóm lại kéo nhau ra vườn nhà thầy cô hái mận, hái ổi vào cùng ăn và vui đùa.
Sau này khi tôi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm TPHCM, trở thành cô giáo thì ngày 20-11 với càng thêm có ý nghĩa. Mỗi năm mỗi lứa học trò đi qua đều để lại trong tôi nhiều cảm xúc thật đặc biệt.
Tôi yêu những tấm thiệp làm bằng tay do học trò tự làm, yêu những bó hoa nhỏ xinh, hay có khi là một chiếc kẹp tóc, một cuốn sổ, một cây bút có khắc tên thầy cô.
Tôi nhớ mãi ngày 20-11 đầu tiên khi tôi đứng trên bục giảng. Năm ấy nhà trường tổ chức lễ 20-11 dưới sân trường, vậy là suốt buổi sáng hôm ấy tôi liên tục nhận được từ học trò của mình nào là hoa và quà. Tôi còn nhớ tôi trở về phòng trọ với một xe đầy hoa quà. Về phòng trọ tôi háo hức mở quà của các con nào là dầu gội, đôi giày, túi xách, bình nước, kẹp tóc, hộp bành… mà ngập tràn niềm vui vì sự dễ thương này.
Có năm cậu bé học trò cầm một chiếc phong bì và gửi cho tôi thì tôi không nhận mà ân cần nói với con. “Cô cảm ơn gia đình đã gởi cho cô, cô nhận tấm lòng nhưng cô xin phép không nhận phong bì con nhé, con học tốt là món quà lớn nhất với cô”. Và mãi về sau này thỉnh thoảng học sinh hay phụ huynh gửi tôi phong bì trong bất kì dịp lễ nào tôi cũng đều cảm ơn và từ chối.
Ngày 20-11 năm nay thật đặc biệt, có thể gọi là “20-11 Covid” khi mà thầy trò chỉ gặp nhau qua màn hình máy tính. Bản thân tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 10 càng nhận thấy những khó khăn khi học trò của mình mới bước vào ngưỡng cửa cấp 3 ở một ngôi trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới với nhiều bỡ ngỡ và thiệt thòi khi phải học trực tuyến.
Không còn sự lựa chọn khác, trong tình hình dịch bệnh thì cả thầy và trò cùng cố gắng để việc học đạt kết quả tốt nhất. Thầy cô luôn là người động viên, khích lệ tinh thần học sinh cùng nỗ lực mỗi ngày và hẹn ngày gặp nhau ở trường khi các con được tiêm đủ vắc-xin và tình hình dịch bệnh được kiểm soát an toàn.
Cách đây vài ngày tôi cũng như một số đồng nghiệp nhận được tin nhắn của hội phụ huynh học sinh xin số tài khoản ngân hàng để chuyển khoản chúc mừng ngày 20-11. Quả thật khi nhận được tin nhắn, tôi và đồng nghiệp khá bất ngờ vì ý tưởng này.
Có lẽ đây cũng là một giải pháp tình huống khó xử mà lần đầu tiên phụ huynh đề ra vì không thể gặp được thầy cô trong tình hình hiện nay. Dĩ nhiên chúng tôi ghi nhận tấm lòng của phụ huynh và gửi lời cảm ơn nhưng xin phép từ chối món quà này. Với tôi dù học sinh có tặng quà hay không tôi đều không ghi nhớ và luôn công bằng mới mọi học sinh của mình. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tôi lại càng quan tâm đặc biệt để giúp các con xin học bổng, dạy học miễn phí cho các con.
Theo quan điểm của tôi khi quý phụ huynh và học sinh có tấm lòng tri ân thầy cô bằng một món quà nhỏ nào đó như hoa, trái cây, bút… thì nhận quà là thể hiện sự tôn trọng với tấm lòng mà phụ huynh, học sinh đã dành tâm huyết để chuẩn bị.
Và tôi cũng vậy, mỗi năm vào ngày 20-11 tôi và con đều trịnh trọng chọn những món quà thật tinh tế để gởi đến tri ân những thầy cô dạy con.
Nghề giáo chúng tôi giàu lắm, giàu học trò, giàu tình yêu quý của học trò và phụ huynh dành cho mình qua những năm tháng đứng trên bục giảng nên thật sự chúng tôi không thể tiếp nhận món quà qua tài khoản. Xin nhắn gởi đến quý phụ huynh lời cảm ơn sâu sắc vì luôn dành tình cảm cho thầy cô nhân ngày 20-11.
Qua bài viết này tôi xin gởi lời chúc sức khỏe của mình tới tất cả quý thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục. Kính gởi lời tri ân của mình tới tất cả các quý thầy cô đã dạy cho tôi những bài học từ khi tôi cắp sách đến trường cho tới ngày hôm nay.
Hằng Lê