Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Khi phim Việt đưa chuyện đời lên màn ảnh

(SGTT) - Còn ba tháng cuối để phim Việt thể hiện sức bật qua một mùa hè im ắng trên rạp, nhiều đề tài mới như dòng phim cổ trang, tâm lý giật gân, khai thác câu chuyện lịch sử dân tộc… được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn cho dư địa vẫn còn thiếu nhà làm phim, nhà đầu tư. Trong đó, chất lượng các phim cũng được giới chuyên môn đánh giá cao về kịch bản khi yếu tố thị trường và tính nghệ thuật ngày càng được cân bằng.

Những đề tài từ đời thực bước vào phim ảnh

Không chỉ phim ảnh, những loại hình nghệ thuật khác luôn xuất phát từ hơi thở thời đại để quay lại phục vụ công chúng. Tuy vậy, qua nhiều giai đoạn, điện ảnh Việt từng phát hành nhiều sản phẩm kém chất lượng, nội dung hời hợt, dễ đoán không bắt đúng gu thị hiếu khán giả.

Năm nay, ngoài những giải thưởng dành cho phim ảnh trong nước, Việt Nam còn có nhiều phim “mạnh dạn” tham gia liên hoan phim quốc tế với mong muốn được xuất khẩu văn hóa ngày càng mạnh mẽ hơn, đưa thương hiệu Việt Nam ngày càng gần với nền công nghiệp điện ảnh.

Bên cạnh đó, dòng phim thị trường hay dòng phim nghệ thuật cũng gặt hái về doanh thu lẫn giải thưởng trong và ngoài nước đa dạng hơn, có thể kể đến như Nhà Bà Nữ của đạo diễn Trấn Thành, Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Bên Trong Vỏ Kén Vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân, phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm…

Biên kịch phim điện ảnh, chị Nhung Khin, cũng tham gia vào đường đua điện ảnh năm nay với tác phẩm gần nhất là Con Nhót Mót ChồngChị Chị Em Em 2, cho biết nhìn chung trên thị trường có hai dòng phim. Dựa vào mục tiêu phát hành và con đường đến với công chúng, ta có thể tạm gọi là dòng phim tác giả và dòng phim hướng tới đại chúng.

Nhiều năm qua, trước khi bắt đầu dự án nào, người làm phim thường xác định chọn một trong hai làm mục tiêu chính. Chẳng hạn, với phim nặng tính nghệ thuật, tác giả thường bày tỏ quan điểm của mình lên trước cộng với tư duy nghệ thuật riêng muốn thể hiện rồi mới cân nhắc tiếp yếu tố doanh thu, phòng vé.

Phim điện ảnh Nhà Bà Nữ ra mắt vào đầu năm 2023 có doanh thu gần 500 tỉ đồng. Ảnh: ĐPCC

Dòng phim tác giả trước hết đạo diễn muốn bày tỏ quan điểm nghệ thuật của mình. Sau đó, nếu họ tìm được sự đồng cảm của khán giả đại chúng thì sức cộng hưởng của phim tăng lên. Nếu chưa, dòng phim tác giả vẫn có nhóm khán giả riêng, có cảm nhận nghệ thuật khác số đông, thông thường thể loại này khá kén khách.

Nhà biên kịch khác, anh Phạm Tân cũng nhìn nhận chất lượng đầu vào kịch bản ngày càng có tính chọn lọc, gắt gao hơn xưa vì tài trợ phim không còn “rộng rãi” như trước. Những dự án được phân tán vào nhiều nền tảng khác nhau không chỉ riêng truyền hình, rạp phim nên kịch bản cần cạnh tranh nhau để “thai nghén” thành tác phẩm có giá trị, có khả năng hoàn vốn và sinh lời cao.

Qua nhiều lần nhận đặt hàng kịch bản phim, biên kịch Phạm Tân nhìn nhận đề cương phim về gia đình được chuộng nhiều, dù khai thác liên tục ở các nền tảng và xuất hiện giờ vàng sóng truyền hình. Tuy vậy, màu sắc phim đã có sự chuyển biến và thay đổi. Nhà làm phim yêu cầu câu chuyện cụ thể, cách kể mới, tình tiết kể làm sao cho số đông đều xem được, hiểu được khi có xen lẫn yếu tố nghệ thuật, thường xuyên lồng ghép với hình ảnh du lịch, văn hóa, làng nghề.

Phòng vé hứa hẹn nhộn nhịp phim Việt vào dịp cuối năm. Ảnh: Hoàng An

“Có vẻ như họ không cần câu chuyện quá khủng từ chủ đề tù tội tình tiền mà chỉ cần cầm trên tay nội dung kịch bản khai thác chuyện nhỏ, như sóng lăn tăn trên mặt hồ nhưng đủ bật ra vấn đề đang diễn ra ngoài xã hội. Tôi cũng ý thức được việc mình phải cập nhật thời đại liên tục, lắng nghe khán giả trẻ, xã hội hiện đại mới để khi xem phim, họ đồng cảm được một cách gần gũi”, anh nhấn mạnh.

Thực tế, nhiều phim truyền hình gần đây trở lại trên khung giờ vàng và nhận được sự quan tâm từ khán giả. Người sản xuất vẫn nhìn thấy khán giả hứng thú, trông chờ vào giờ vàng phim Việt. Tuy không có tiêu chí nào cụ thể đánh giá yếu tố nghệ thuật và thị trường trong phim vì đây là hành trình còn nhiều thách thức, nhưng tổng thể các kịch bản vẫn chạm được đến đa tầng công chúng từ những người bình dân nhất. Đó cũng là cách để giữ họ không quay lưng với kênh truyền thống bằng những sản phẩm có đầu tư, không phát sóng kiểu “vô thưởng vô phạt”.

Yêu cầu mới không ngừng thay đổi từ khán giả

Khán giả Lê Trúc, thường xuyên tham gia bình luận phim trên các diễn đàn, mạng xã hội cá nhân chia sẻ mình là người thích xem phim rạp. Cô ủng hộ các dự án nước nhà và tâm sự nhìn chung những người trong độ tuổi chi tiền cho rạp phim, đã qua giai đoạn ra rạp chỉ để cười giải trí với những sản phẩm “mì ăn liền”. Họ tìm kiếm bản thân nhiều hơn trong câu chuyện của tác giả cũng như những bài học có tính chiêm nghiệm.

“Với truyền thông, các kênh review phim tràn ngập trên mạng hiện nay không khó để xem đánh giá khen chê của người đi trước, nếu phim không hay sẽ nhận diện được ngay. Tuy vậy, chỉ cần lời nhận xét ưu ái, phim cũng dễ đến gần hơn với công chúng”, cô nhấn mạnh.

Theo nữ biên kịch Nhung Khin, số lượng phim Việt ra phòng vé vẫn còn ít với khoảng 30-45 phim/năm. Những nhà làm phim mong chờ thị trường sôi động hơn để tạo đất diễn cho diễn viên cũng như thu hút các nhà đầu tư cho lĩnh vực điện ảnh. Có thể nói, chính khán giả là người đưa ra động lực cho nhà sản xuất nâng tầm chất lượng phim, giúp cân bằng hai yếu tố thị trường hay nghệ thuật ngày càng rõ nét hơn.

Phim Đất Rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dự kiến ra rạp vào tháng 10 năm nay. Ảnh: ĐPCC

“Họ ngày càng thông thái chọn lựa hình thức giải trí phù hợp. Chúng tôi nhìn thấy điều đó vì vậy đội ngũ buộc mình phải làm nghề tinh tế để không bị đào thải hay gây thất vọng cho công chúng. Diễn viên cũng ý thức khắt khe hơn để chọn dự án phù hợp tham gia”, nữ biên kịch nói.

Cụ thể, kịch bản trình duyệt đòi hỏi người làm phải kể câu chuyện thuyết phục khán giả, chịu nghe xã hội đang quan tâm chuyện gì, cân nhắc người xem sẽ có phản ứng như thế nào với các tình tiết để cân đối nội dung, không đơn thuần thiên về giải trí. Song song, nhà sản xuất phải biết quan sát thị trường, so chất liệu mình đang có với thế giới để cải thiện cách làm phim.

Một số đề tài vẫn còn mới mẻ để chấp bút như câu chuyện lịch sử dân tộc, tái hiện các giai thoại, giả sử Việt Nam… Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong khâu hiện trường, bối cảnh, phục trang, nhưng sự “mở bát” trở lại của phim rạp Đất Rừng Phương Nam vào tháng 10 năm nay là một phép thử, để nhà làm phim mạnh dạn lấn sân vào những chủ đề mới luôn có sự quan tâm, tò mò từ phía công chúng.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ra rạp dịp lễ “giờ vàng” tha hồ chọn phim nội...

0
(SGTT) – Năm nay, phòng vé chứng kiến sự xuất hiện nhiều tựa phim nội và phim ngoại với các chủ đề “ăn khách”...

Kỹ xảo điện ảnh với phim trong nước bị ‘chê’, vì...

0
(SGTT) - Kỹ xảo điện ảnh có mặt ở Việt Nam từ khoảng hai thập niên qua, nhưng chỉ được biết đến là làm...

Phim Việt nỗ lực ‘dò tìm’ thị trường quốc tế phù...

0
(SGTT) - Năm 2023, phim Việt đã xuất hiện ở các phòng vé nhiều quốc gia, đây không chỉ là dư địa kế tiếp...

Nhà làm phim ‘chạy nước rút’, phim kinh dị tạo cú...

0
(SGTT) - Tổng doanh thu của ngành công nghiệp phim ảnh Việt Nam đã vượt qua con số 1.100 tỉ, phòng vé năm nay...

Phòng vé năm 2023 ‘lập đỉnh’ doanh thu, nhưng vẫn còn...

0
(SGTT) - Trong năm 2023, phòng vé liên tiếp xuất hiện các dự án đạt trăm tỉ, tuy số lượng phim Việt ra rạp...

Đất rừng phương Nam và hoàn cảnh lịch sử của tác...

1
(SGTT) - Cái nghề tư vấn kinh doanh cộng với nghiệp nhà giáo bất đắc dĩ đã hình thành cho tôi thói quen tìm...

Kết nối