LINH NGUYỄN -
Mặc dù phải cạnh tranh với nhiều phim dài nhiều tập của nước ngoài như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc... nhưng những phim truyền hình thể loại hình sự của Việt Nam với kịch bản xem được, tình tiết gần với đời thực vài năm gần đây vẫn tự tin lên sóng và đứng được trên khung “giờ vàng” của các đài truyền hình.
Từ loạt phim Cảnh sát hình sự
Thực ra phim về đề tài cảnh sát, hình sự không mới với khán giả Việt Nam, điển hình là loạt phim Cảnh sát hình sự ra mắt lần đầu tiên gần 20 năm trước, đã gây tiếng vang với khán giả xem truyền hình cả nước. Vào năm 1997, rất nhiều khán giả say sưa ngồi trước màn ảnh nhỏ và hồi hộp theo dõi từng tình tiết trong từng vụ án trên phim Cảnh sát hình sự, háo hức chờ diễn biến trong các tập tiếp theo. Qua hàng trăm tập phim lôi cuốn khán giả với việc truyền tải những hoạt động nghiệp vụ của ngành công an và khía cạnh khốc liệt của thế giới tội phạm, Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) ít nhiều tạo được thương hiệu riêng của mình với dòng phim hình sự.
Sau này, các nhà làm phim trong nước đua nhau làm phim truyền hình các thể loại tình cảm, tâm lý, những xung đột trong gia đình với số lượng khá nhiều nhưng các nhà phê bình điện ảnh đánh giá kịch bản chỉ xoay quanh chuyện yêu đương nam nữ và diễn xuất khô cứng của các diễn viên, phim nào cũng ít nhiều có “hạt sạn” nên phim để lại ấn tượng trong lòng khán giả đếm trên đầu ngón tay.
Hơn năm năm trở lại đây, các nhà sản xuất và đạo diễn phim đã quay trở lại dòng phim hình sự. Liên tiếp những bộ phim hình sự gây được tiếng vang đối với khán giả yêu phim Việt như Khi đàn chim trở về gồm ba phần nói về cuộc chiến không khoan nhượng giữa các cán bộ kiểm lâm cương trực với tội phạm buôn lậu gỗ và những kiểm lâm biến chất.
Năm 2011, Đài Truyền hình Việt Nam phát 39 tập phim Những đứa con biệt động Sài Gòn, là phần sau của bộ phim dài tập nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam – Biệt động Sài Gòn. Kịch bản phim được xây dựng dựa trên vụ án liên quan đến băng nhóm của Năm Cam, gây chấn động dư luận vì những vụ thanh trừng đẫm máu trong thế giới ngầm và những vụ hối lộ quan chức. Cũng thuộc thể loại phim hình sự nhưng việc xây dựng hình tượng các nhân vật chính trong phim là con của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn mưu trí, táo bạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm xưa, hiện đang hoạt động trong lực lượng công an để bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân cũng là một điều khiến Những đứa con biệt động Sài Gòn khác biệt và hấp dẫn.
Ngoài ra còn một số bộ phim hình sự có sức hút khác phải kể đến như Mạch ngầm vùng biên ải, Ma rừng, Cung đường trắng, Con gái ông trùm, Giọt nước rơi, Đầm lầy bạc...
Hai phong cách làm phim
Dàn diễn viên trong phim Thề không gục ngã.
Không thể phủ nhận dòng phim hình sự với những vụ án ly kỳ, những tình tiết giật gân, những pha hành động rượt đuổi nguy hiểm luôn hấp dẫn vì đã đánh trúng tâm lý tò mò, thích phiêu lưu mạo hiểm của người xem. Song song đó, những bộ phim này cũng giúp khán giả hiểu được phần nào về công việc khó khăn gian khổ của lực lượng cảnh sát, kiểm lâm, bộ đội biên phòng. Nếu như ở phía Bắc có VFC là đơn vị tiên phong, đã xây dựng được thương hiệu phim cảnh sát hình sự từ nhiều năm trước, thì nay, với sự ra đời của nhiều hãng phim tư nhân thì đề tài này càng được phát triển.
Các phim hình sự phía Bắc thường tập trung vào các điểm nóng ở vùng cao và phơi bày nạn buôn lậu gỗ, buôn bán ma túy, gieo rắc cái chết trắng hay những cảnh sát vì tham danh lợi mà biến chất, tiếp tay kẻ xấu làm chuyện phi pháp... Trong khi đó, các phim hình sự do các hãng phim phía Nam sản xuất chủ yếu mô tả những lát cắt khác nhau của các tập đoàn tội phạm trong thế giới ngầm, những xung đột trong tâm lý của những tên trùm trong các tổ chức xã hội đen. Chính điều này dẫn đến sự khác biệt trong cách làm phim. Điển hình như phim miền Bắc là những cuộc đấu trí giữa các trinh sát điều tra và tội phạm với những bộ phim như Đồng tiền quỷ ám, thể hiện thực tế khắc nghiệt ở một vùng giáp ranh biên giới, những tay anh chị xã hội đen vì đồng tiền có thể bất chấp tất cả, không từ mọi thủ đoạn và đan xen là câu chuyện về một gia đình có truyền thống làm cảnh sát với người vợ là một nữ cảnh sát thanh liêm, chính trực phải đối đầu với chồng là một trưởng phòng cảnh sát tỉnh biến chất, đã lợi dụng chức vụ để làm ăn với xã hội đen. Hay như phim Câu hỏi số 5 nói về cuộc đối đầu giữa các chiến sĩ cảnh sát với kẻ giết người hàng loạt gây ra liên tiếp nhiều vụ án mạng và hành trình triệt phá một băng nhóm tội phạm nguy hiểm.
Trong khi đó các bộ phim hình sự được sản xuất ở phía Nam thường hướng đến những pha hành động nghẹt thở như phim Thề không gục ngã nói về sinh hoạt của cộng đồng người Hoa sinh sống tại TPHCM với đầy ắp những pha hành động rượt đuổi gay cấn và những pha đấu võ kịch tính giữa hai phe thiện và ác, sự trừng phạt thích đáng của luật pháp đối với những ai vi phạm luật pháp. Bên cạnh đó, nhiều phim hình sự khác cũng đã đang được phát sóng như Kẻ bán linh hồn, Nữ sát thủ, Nghiệt oan, Bão hay như phim mới nhất có tên Nguyệt thực chiếu trên VTV3 vào khung giờ vàng xoay quanh công việc của các nhà báo phóng sự điều tra...
Tư nhân làm phim... hình sự
Phim hình sự trước đây luôn bị các nhà chuyên môn đánh giá yếu ở khâu kịch bản nhưng gần đây, kịch bản phim hình sự đã phần nào thay đổi, gắn với đời sống xã hội, người xem cảm nhận gần gũi, đời thường và do đó, ít nhiều thu hút khán giả.
Liên tiếp những phim hình sự Việt Nam phủ sóng các kênh truyền hình vài năm trở lại đây đã được các nhà đài chọn phát sóng trong khung “giờ vàng” vì cho rằng thỏa mãn được thị hiếu của khán giả, biết tuyển chọn những diễn viên có kinh nghiệm trong diễn xuất.
Trước đây, giới làm phim quan niệm phim truyền hình nói chung và thể loại phim hình sự nói riêng thường dành cho các hãng phim nhà nước, phim phục vụ mục đích tuyên truyền cho ngành công an hay phục vụ cộng đồng, nên khó có cái gọi là có lãi. Nay quan niệm này đã thay đổi khi các phim hình sự do các hãng phim tư nhân bỏ tiền đầu tư, bán phim cho nhà đài phát sóng, thu hút được quảng cáo, nhà tài trợ và đặc biệt là chiếu trong khung “giờ vàng”, lôi cuốn không ít khán giả xem đài.