(SGTT) - Mấy ngày trước, nhiều tờ báo, trang tin đồng loạt đưa tin việc “bom hàng” cả mấy trăm đơn ở Sài Gòn. Những người già, ít đọc báo điện tử và mạng xã hội, cứ tưởng đùa bom hàng là “hàng có bom”.
- Shipper mùa dịch mạo muội đề xuất vài ý kiến về chuyện lương thực, hàng thiết yếu
- Giữa mùa dịch Covid-19, shipper trở thành “thợ đụng”
- Ghi chép của shipper mùa giãn cách: Dọc đường, thấy và nghe
Thật ra, bom hàng là từ mới và nó xuất hiện khi mà có tình trạng các shipper giao nhận thực phẩm, thức ăn bị người đặt hàng không nhận bởi họ tắt điện thoại, không thanh toán tiền… Khi đó, shipper thường lãnh đủ bởi không trả được hàng, quy trình giải quyết từ ứng dụng rất phức tạp nên có khi mất luôn công cốc mấy ngày lương.
Đời shipper, hầu như ai cũng bị, dù rất ít. Năm ngoái tôi bị bom 5kg gạo ST25, giao ở cuối đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh. Tới nơi, cửa khóa ngoài, điện thoại mấy lần, chuông reo mà không bắt máy. Tôi tính gửi hàng xóm mà không ai biết (có khi là tên giả), rồi khi về nhà, gọi tiếp thì bị ngắt máy. Thế là biết ngay mình bị bom hàng.
Khi báo đăng người Sài Gòn bom mấy trăm đơn hàng, dân Sài Gòn ai cũng nghi ngờ. Dịch bệnh, giãn cách, phong tỏa, khó khăn tứ bề, giúp nhau không hết, ai lại nỡ làm như vậy. Thế nhưng, vẫn có người tin rồi lại lên án, lên mạng xã hội “ném đá” khắp nơi.
Báo L. viết “Đi chợ hộ: Một phường ở TPHCM bị bom 100 đơn, nơi phải chờ vì quá tải”. Rồi báo dẫn lời ông Chủ tịch UBND phường An Phú, TP Thủ Đức: “Trong 5 ngày triển khai việc đi chợ giúp người dân, ngày 27-8, phường đã có tới 100 đơn hàng bị "bom" trong ngày. Tình trạng chung của các đơn hàng đó là gọi không nghe máy. Số ít lại nói "đặt thử xem có được không chứ không mua”, hoặc thẳng thừng trả lời “không mua nữa”. Do không có sự ràng buộc bởi người mua đăng ký qua phiếu và ship COD (giao hàng - thu tiền hộ) nên họ thản nhiên hủy đơn”.
Trang tin điện tử Đ. Lại có bài: Xin đừng đùa với sự tận tụy của cán bộ cơ sở trong việc "đi chợ giúp dân”!. Theo trang tin này, hai ngày gần đây, báo chí và mạng xã hội thông tin nhiều về việc một số phường ở quận Tân Phú xảy ra hiện tượng lực lượng cơ sở bị "bom hàng" khi nhận đi chợ giúp dân. Đây là việc rất đáng tiếc và cũng rất đáng trách trong bối cảnh TPHCM đang triệt để thực hiện giãn cách xã hội và chính quyền các địa phương triển khai rất tích cực mô hình đi chợ giúp dân để đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của người dân.
Pháp Luật Online thì phản ánh ngược lại, theo đó thông tin rằng, "Một số lãnh đạo xã, phường tại TPHCM cho biết sau một tuần thực hiện siết giãn cách, người dân rất cần được đi chợ hộ nên khó có chuyện bom hàng. Nếu nơi nào có tình trạng này thì có thể do từ sự nhầm lẫn nào đó". Số đông là kết tội người dân, dù chưa rõ nguyên do, đến nỗi Thủ tướng phải chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc.
Thật sự, tôi đọc những thông tin bom hàng mà tức anh ách. Tại sao cả trăm ngàn shipper hoạt động bao năm nay chưa xảy ra chuyện như vậy. Có người bức xúc đòi trả hết tiền các đơn hàng để dân Sài Gòn khỏi mang tiếng. Chuyện bom hàng ở phường, công an địa phương có thể vào cuộc, xác minh, tìm ra thủ phạm. Tại sao chuyện gì cũng phải đẩy lên Bộ, lên Thủ tướng?
Và rồi, Công an TPHCM đã khẩn trương vào cuộc, làm việc với 200 trường hợp đặt mua mà không nhận hàng (bom hàng). Thì ra nguyên nhân được xác định là do người dân không rành công nghệ, khi thao tác thì trùng đơn, không biết hủy và dữ liệu không chính xác hay tìm không ra địa chỉ. Ngoài ra, có trường hợp để đơn hàng quá lâu, người dân từ chối. Hay có trường hợp liên quan đến việc cung cấp không đủ hàng nên người dân từ chối. Ví dụ như đặt mua nguyên con gà thì giao cánh hoặc đùi nên người đặt không nhận. Có trường hợp giao hai lần nên người dân từ chối.
Vậy là người Sài Gòn được minh oan. Tôi nhận được vài lời xin lỗi vì đã nghĩ sai về người Sài Gòn của mấy người quen. Còn số đông từng lên án, đòi trừng phạt, quăng cục lơ tổ chảng, coi như minh vô can, kiên quyết giữ thái độ “Im lặng là vàng”.
Qua chuyện này, tôi chỉ xin phép nói nhỏ với các nhà báo, cả chuyên lẫn nghiệp dư: “Xin chỉ viết những điều mình biết chắc”. Việc lên án, kết tội ai đó cần phải hết sức cẩn trọng; với tập thể hay địa phương nào đó lại càng phải cẩn trọng. Dân xứ Nghệ có câu “Lời nói, đọi máu”. Lời nói gió bay còn vậy, huống hồ chữ viết rành rành, lan nhanh hơn mấy lần tốc độ âm thanh.
Shipper Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)