(SGTT) - Thói quen mua hàng qua thiết bị di động, đặt hàng từ nước ngoài... của người tiêu dùng hiện đại khiến các doanh nghiệp tìm cách thay đổi chiến lược tiếp thị và bán hàng. Có thể nói, thời nay ai “lướt” mạng nhanh, cập nhật xu hướng kịp thời cộng với tiềm lực vốn mạnh mẽ sẽ có khả năng giành phần thắng cả khi bán sỉ cả ngàn chiếc áo hay bán lẻ vài ký... sầu riêng.
Đang ăn trưa, Khánh Nhi (28 tuổi, nhân viên một phòng nha tại quận 1, TPHCM) lướt điện thoại thấy hiện lên mẩu quảng cáo “tặng quà 0 đồng” cho người đăng ký tài khoản lần đầu tại Shopee. Nhấn vào, cô nàng mê mẩn với hàng chục món đồ nên đã không ngại ngần cung cấp số điện thoại, địa chỉ... để tạo tài khoản trong vài phút.
Thay đổi thói quen mua sắm
Chọn quà tặng là một chiếc mền đơn dành cho nhân viên văn phòng, Nhi tiếp tục nhấn vào hình ảnh chai nước tẩy trang được giảm giá 40%. “Rẻ hơn so với đi mua trực tiếp, lại còn được tặng cái mền xinh xắn, được giao hàng miễn phí trong 1-2 ngày nên dù nước tẩy trang ở nhà còn, tôi vẫn mua”, Nhi nói.
Không hiếm trường hợp như Nhi, những người thường lướt Facebook khi rảnh rỗi và thường nhấn vào các mẩu tin giới thiệu sản phẩm có hình thức bắt mắt, nội dung gần gũi. Anh Minh Tuấn (31 tuổi, trưởng nhóm marketing Công ty K., quận 3) kể: “Tôi có sở thích nấu ăn và mua giày nên thường không bỏ qua những hình ảnh tiếp thị của chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh về các sản phẩm nhà bếp, mẹo vặt; xem trang của hãng giày Biti’s vì những clip cảnh quay đẹp; rồi những ảnh vui nhộn của các nhãn hàng khác”. Từ chỗ chỉ xem quảng cáo, anh Tuấn xem luôn những sản phẩm mới khác. “Hình như quảng cáo sản phẩm cứ hiện đi hiện lại thì tới một lúc nào đó mình sẽ chọn mua một vài cái”, anh Tuấn nói.
Trên thực tế, việc xem và mua hàng qua thiết bị di động đã làm thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người. Ngồi một chỗ nhưng các thượng đế có thể tham khảo hàng hóa của nhiều nhãn hiệu, “zoom” món hàng (mở tấm ảnh với cỡ lớn) để nhìn tường tận, xem cả phần đánh giá của những người đã từng mua, nếu có 1.001 thắc mắc thì hỏi (chat) quản trị viên của trang bán hàng. “Việc này dễ chịu hơn so với việc ra cửa hàng nào đó và bị (hoặc là được) nhân viên cửa hàng kè kè bên cạnh để thuyết minh về món hàng, và cả cảm giác tội lỗi nếu không mua món đồ nào”, chị Vũ Cúc, một người “lướt” mạng thường xuyên, cho biết.
Cẩn thận hơn, không ít người còn ngắm nghía món hàng kỹ càng trên mạng, liên lạc với nhân viên bán hàng để hỏi rõ thông tin, rồi quyết định chạy ra cửa hàng mua về. Nhiều người lại thích đặt mua hàng chính hãng từ các trang bán hàng nước ngoài như amazon.com, tiện thể “săn” khuyến mãi để mua được hàng hiệu giá hời. Chị Vũ Cúc chia sẻ: “Mua như vậy có khi kích cỡ hoặc màu sắc của món đồ có sai lệch một chút nhưng không sao. Bây giờ hầu như tôi chẳng còn trực tiếp đi mua nhiều mặt hàng nữa, ngoại trừ mua quần áo là còn tới cửa hàng thời trang”.
Người bán đổi mới chiến lược tiếp thị
Thói quen mua hàng trực tuyến của người dùng khiến nhiều doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh, tiếp thị. Họ tạo ứng dụng di động (app), tạo fanpage để được tương tác thường xuyên với khách hàng, đăng những video ngắn nhưng có độ lan truyền cao, chèn những câu có từ khóa “hot” như thanh xuân, ký ức... Bên cạnh đó, những ý kiến thắc mắc, lời bình luận của khách hàng nhanh chóng được nhân viên nhãn hàng giải đáp bằng cung cách ngọt hơn mía lùi.
Theo nhận định của anh Nguyễn Thịnh, Giám đốc chi nhánh một tập đoàn viễn thông, tiếp thị di động giúp người mua và người bán hiểu nhau hơn thông qua việc tương tác trên không gian mạng và đây cũng là mảnh đất cho doanh nghiệp sáng tạo nội dung quảng cáo. “Doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng đo đếm được mức độ thành công của việc quảng bá thông qua số lượt tương tác trên trang Facebook của doanh nghiệp, lẫn việc có được cơ sở dữ liệu khách hàng phong phú”, anh Thịnh nói.
Ví dụ, vừa qua, Bitis’s tung ra clip dài hơn bốn phút với tựa đề “Hành trình đặc biệt của tết”, kể chuyện người con háo hức về quê và trên đường đi đã thu âm những âm thanh rộn ràng của tết để về cho người mẹ nghe vì bà bệnh không đi lại được. Clip đã có hơn 10 triệu lượt xem trên YouTube và nhận được nhiều lời bình luận khen ngợi. Cách làm này tương tự các nhãn hàng lớn của nước ngoài, vào mỗi mùa lễ lớn họ lại tung ra một clip truyền thông điệp, chẳng hạn clip Giáng sinh của chuỗi bách hóa John Lewis có mặt ở nhiều nước đang được cư dân mạng Việt Nam chia sẻ khá nhiều.
Hoặc những ai cho rằng thông tin của mấy hãng xe khách “nhạt nhẽo” thì thử truy cập fanpage Nhà xe Thành Bưởi với số lượt theo dõi hiện lên đến hơn 100.000 – ngang ngửa số lượt ở trang của một hot girl bậc trung. Các nội dung thông báo, hình ảnh chuyến xe, thông tin chăm sóc khách hàng được thể hiện bằng những dòng trạng thái trẻ trung, vui nhộn. Mới đây, dòng trạng thái về việc tung ra 10 chiếc xe màu xanh hình chú mèo Doraemon của hãng nhận gần 4.000 lượt thích và có hơn 2.400 ý luận bình luận.
Tương tự, hình ảnh và clip quảng cáo của các nhãn hàng khác, từ đồ trang trí, quần áo, hàng điện tử, quà tặng, kể cả chiến dịch truyền thông, khuyến mãi của các cơ sở đào tạo, giải trí... cũng được người dùng nhiệt tình hưởng ứng. Theo anh Thịnh, người dùng còn chú ý tới sản phẩm là do có phần đánh giá của những người có sức ảnh hưởng cộng đồng – dĩ nhiên là những nhân vật này đã “ăn bánh trả tiền” với doanh nghiệp nhưng dù sao cũng tạo độ tin cậy hơn những mẩu quảng cáo kiểu truyền thống.
Criteo, nền tảng tiếp thị trực tuyến mở, sau khi khảo sát 2.500 người tiêu dùng Việt Nam vào ba tháng cuối năm ngoái 2018 đã cho ra kết quả: hơn 90% số người dùng mua sắm ít nhất một lần một tháng bằng cách sử dụng một ứng dụng di động, 60% làm điều này ba lần hoặc nhiều hơn mỗi tháng. Dự đoán đến năm 2022, 89% tổng ngân sách tiếp thị của các công ty sẽ được đầu tư vào mảng trực tuyến, bao gồm cả tiếp thị trên nền tảng di động.
Ngọc Khánh