Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Khi các thương hiệu cùng đưa nhau lên ‘sàn’ livestream

Bán hàng đa kênh trở nên phổ biến khi mua sắm trực tuyến dần quen thuộc với nhiều người. Khi hoạt động mua bán, chốt đơn hàng qua mạng càng gia tăng thì các sàn thương mại điện tử cũng tăng cường thêm tính năng hỗ trợ người bán, bắt kịp xu hướng mua hàng kết hợp giải trí qua các cuộc phát sóng trực tiếp (livestream) của nhãn hàng, thương hiệu. Nhiều đơn vị kinh doanh cũng đầu tư thêm kênh phát trực tiếp (livestream) bên cạnh các hình thức truyền thống lâu nay.

Nhộn nhịp mua bán qua phát sóng trực tiếp

Livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đã xuất hiện từ năm 2018. Tuy vậy, mãi đến năm 2022, khi video ngắn bắt đầu được ưa chuộng, nhiều bên tập trung phát triển thêm tính năng livestream giúp nhà bán hàng tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng ở mọi nơi.

Khảo sát 1000 nhà bán hàng đa kênh trên trên nền tảng quản lý kinh doanh của Haravan trong tháng 4 đến tháng 6 năm nay cho thấy xu hướng mua hàng qua các sàn thương mại điện tử đang ngày càng tăng trưởng, chiếm hơn 50% tổng lượng đơn hàng của các doanh nghiệp. Đặc biệt sự thúc đẩy của sàn mới TikTok Shop chiếm khoảng 18% tỉ lệ ra đơn trên tổng các kênh online, các sàn thương mại điện tử khác khoảng 37%.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của Haravan, cho biết một thống kê nội bộ khác chỉ ra khi các nhà bán hàng tham gia đầu tư livestream, mở nhiều phiên live bán hàng trên Tiktok Shop thì doanh thu trong quí 2 năm 2023 tăng 50% so với quí 2 năm 2022. “Đối với các sàn thương mại điện tử khác, tôi nghĩ cũng sẽ có những con số tăng trưởng ấn tượng gần tương tự, nhà bán hàng có thể tham gia phiên livestream trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các chương trình hoạt động của sàn”, ông nói thêm.

Đại diện từ một nhãn hiệu thời trang Việt, chị Ngọc Đào cho biết cửa hàng đã livestream trên các sàn thương mại điện tử được khoảng một năm nay. Chị có tổng cộng ba cửa hàng ở TPHCM và Hà Nội, ngoài nguồn lực bán trực tiếp, chị cũng đầu tư chuyển hướng livestream và nhận thấy doanh thu tăng trưởng rõ rệt, nhất là với ngành hàng quần áo cần theo xu hướng và bắt kịp thời điểm. Chị kể việc bán hàng qua website, mạng xã hội cho doanh thu chiếm khoảng 10% tổng thu, riêng kênh livestream vào những ngày cao điểm giữa tháng, cuối tháng, lễ Tết có khi chiếm khoảng 40-50% tổng lượng bán ra, số còn lại là từ cửa hàng.

“Nhà bán không thể đứng ngoài cuộc chơi và khách hàng ở đâu thì mình sẽ ở đó. Bây giờ họ thích mua hàng có tương tác trực tiếp với người bán, tư vấn mẫu mã kiểu loại, giao hàng tận nhà tiện lợi và đặc biệt vừa giải trí vừa mua sắm như một xu hướng đang lên”, chị Ngọc Đào nói thêm. Để đầu tư cho các cuộc bán hàng qua hình thức livestream đạt yêu cầu về chất lượng hình ảnh cùng âm thanh, cửa hàng đã tuyển thêm nhân sự có kinh nghiệm đứng trước ống kính giao tiếp với khách, thiết kế lại không gian sẵn có, trang bị thêm một vài thiết bị đơn giản để ghi hình.

Các thương hiệu tiếp cận nền tảng livestream bên cạnh nhiều hình thức bán lẻ khác. Ảnh: Chụp màn hình

Được biết, livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hiện nay bất kì nhà kinh doanh nào cũng có thể bắt đầu. Tuy nhiên, theo ông Mạnh Tấn, để thực hiện những phiên livestream cho doanh số cũng như lượng người xem trực tiếp tốt thì cần rất nhiều yếu tố kết hợp như tạo ra quy trình đóng gói, giao nhận có quy chuẩn, đưa ra nhiều chương trình về giá thu hút người xem, có đạo cụ để tạo ra những hình ảnh, âm thanh tốt trong phiên bán hàng, kịch bản dẫn dắt thú vị như lên sóng ngay giữa vườn bán trái cây…

Đặc biệt là đội ngũ hỗ trợ được nhiều người biết đến trên mạng xã hội như KOL, KOC. Thông thường, các nhãn hàng thường chọn kết hợp với những tài khoản có tầm ảnh hưởng tăng lượt chuyển đổi từ giải trí thành mua sắm là vì vậy.

Thách thức không chỉ đến từ chi phí

Một thống kê khác từ sàn thương mại điện tử chỉ ra nếu cửa hàng duy trì tần suất livestream từ 3-4 ngày trong tuần thì lượng đơn hàng sẽ tăng lên khoảng 17% từ livestream. Đặc biệt, nếu có kế hoạch và thực hiện lên sóng trực tiếp ít nhất từ 2-6 tháng trên sàn sẽ cho 71% người bán kết quả tốt từ hình thức này. Gần đây nhất là phiên livestream giữa một KOL trên sàn Shopee vào 8-8 đã có gần 35 ngàn người xem cùng lúc, giảm giá 30% tất cả sản phẩm và có phiếu giảm lên đến 100.000 đồng cho đơn từ 100.000 đồng.

Tuy vậy, từ phía doanh nghiệp, việc livestream vẫn còn điểm hạn chế khi tổ chức tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, chi phí đầu tư cao cho một phiên lên sóng trực tiếp. Chẳng hạn nhãn hàng muốn đạt doanh số lớn, lượng người xem cao, họ cần thuê đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp, chi phí thuê người nổi tiếng để cộng hưởng thương hiệu. Song người chủ doanh nghiệp, chủ kinh doanh nhỏ phần lớn là muốn tiết kiệm chi phí nên trực tiếp livestream hoặc cho nhân sự tại công ty thực hiện. Điều này sẽ không có sự lan truyền mạnh mẽ bằng nhưng đổi lại là sự đều đặn, với chi phí vận hành hợp lý cho các phiên live ngày thường, đại diện Haravan chỉ ra.

Chia sẻ với KTSG Online, chị Hoàng Nhi, đại diện nhà phân phối thương hiệu làm đẹp, mĩ phẩm khác nêu ra giá bán sản phẩm giảm nhiều và khuyến mãi lớn có thể dẫn đến tình trạng lượng doanh thu cao, số lượng đơn hàng cao, thương hiệu tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng mới, nhưng vẫn không có lợi nhuận, thậm chí lỗ trên phiên livestream sau khi trừ tất cả các chi phí. Đặc biệt khi các nhà bán hàng quốc tế, gần nhất là thị trường Trung Quốc cũng bán hàng thẳng đến Việt nam qua hình thức này với nhiều ưu thế hơn như giá cước vận chuyển, công nghệ hỗ trợ đã tăng tính cạnh tranh với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực trong nước.

Livestream trực tiếp tại cửa hàng bán hải sản, đồ tươi sống. Ảnh: DNCC

“Để tránh hiện tượng xung đột giữa kênh online và các nhà phân phối, đại lý bán lẻ, chúng tôi cũng tạo ra chương trình khuyến mãi với độ chênh lệch giá không quá 10% khi lên sàn livestream, tạo luôn mã hàng, combo kết hợp khác nhau chỉ có trên sóng. Việc xuất hiện tương tác thường xuyên trên sóng cũng giúp tăng nhận diện thương hiệu và kích cầu mua sắm ở các kênh bán lẻ khác”, chị Hoàng Nhi nhận định.

Nhìn chung, các sàn thương mại điện tử đang có những bước tiến đầu tư vào tính năng ở nền tảng video ngắn. Điều này giúp các nhà bán hàng giới thiệu sản phẩm hấp dẫn hơn đến với người tiêu dùng trên sàn, tăng tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng và hiệu suất quảng cáo, giới thiệu trước cho các phiên livestream diễn ra có hiệu ứng tốt hơn.

Theo ông Mạnh Tấn bước đi này sẽ giúp cho các nhà bán gắn bó với sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng cũng dành nhiều thời gian hơn trên sàn, thay vì chỉ mua sắm so với trước đây. Và dần dần, sàn thương mại điện tử cũng đang tiến đến xu hướng “shoppertainment – mua sắm kết hợp với giải trí”.

Hoàng An

Theo Kinh Tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Một nhà bán hàng B2B Việt được Alibaba.com tôn vinh

0
(SGTT) - Bà Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline được Alibaba.com vinh danh là nhà...

Bộ Công Thương yêu cầu Temu, Shein phải hoàn thành thủ...

0
(SGTT) - Bộ Công Thương yêu cầu Temu và Shein hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh trong tháng 11 và phải thông...

Đề xuất bỏ quy định miễn thuế hàng nhập khẩu có...

0
(SGTT) - Chiều 8-11, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định quản lý hải quan đối với...

Cảnh báo việc mạo danh sàn thương mại điện tử Amazon...

0
(SGTT) - Đại diện sàn thương mại điện tử Amazon cho biết, đơn vị này đã nhận được một số báo cáo về tình...

Người bán hàng trên sàn thương mại điện tử nộp gần...

0
(SGTT) - Theo Tổng cục thuế, đến hết tháng 10, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử...

ShopeePay bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử...

0
(SGTT) - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ShopeePay do không...

Kết nối