Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Khi bị phong tỏa, chúng ta có thể giải tỏa căng thẳng như thế nào?

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho mọi thứ xung quanh chúng ta bị đảo lộn hoàn toàn. Người dân TPHCM ngày càng ý thức rõ điều này, bởi các ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh từng ngày trong khi tin tức xấu đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước gần chúng ta như Thái Lan, Indonesia, với cảnh báo đối mặt “thảm họa”.
Ảnh minh họa: Freepik

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là “thảm họa” sẽ đến một cách tất nhiên với chúng ta, những người đang hiện diện ở thành phố này.

Chắc chắn chúng ta sẽ tránh được “thảm họa” nếu tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5K tuy không có gì phức tạp nhưng hiệu quả đã được chứng minh. Phong tỏa là điều chẳng ai muốn, nhưng nếu lâm vào tình cảnh này, chúng ta vẫn có cách để giải tỏa căng thẳng để giữ vững tinh thần vượt qua đại dịch.

Bài viết dưới đây dựa trên một số kinh nghiệm từ một số quốc gia có thể mang đến vài gợi ý cho chúng ta trong vấn đề này.

Tháng trước, báo chí đưa tin Công an phường Tân Định, quận 1, đã giải quyết một sư việc hơi “bất thường” trong phường. Một người dân đến trình báo rằng kính ở các cửa sổ trên lầu nhà mình bỗng nhiên bị vỡ không rõ nguyên nhân. Công an vào cuộc đã tìm ra “thủ phạm”. Đó là một người cư ngụ cách nhà “nạn nhân” không xa.

Tại trụ sở công an phường, ông này cho biết do phải ở nhà trong thời gian cách ly xã hội vì Covid-19, ông cảm thấy bức bối. Ông lên mạng mua bốn cái ná thun và một hộp bi sắt có đường kính 0,5cm. Treo quả chanh ngoài ban công làm mục tiêu, ông ngồi trong nhà bắn ra nhằm giúp đầu óc khuây khỏa. Ông nói mình không hay biết đã làm vỡ kính nhà người khác và không hề có thù oán gì với người này.

Không biết lời trần tình của vị này có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng thật sự là nhiều người bị phong tỏa lâu ngày, phải khu trú trong bốn bức tường, đã chịu áp lực về tâm lý. Đây là hiện tượng đã được ghi nhận trên toàn thế giới trong suốt mùa Covid-19 hoành hành.

Theo Đại học Melbourne, Úc, khi đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng xấu lên các cộng đồng trên toàn cầu, nằm trong số các diễn biến tâm lý thường thấy nhất là căng thẳng, lo sợ, suy nghĩ hoang tưởng, buồn bã, mất thú vui hoạt động, tim đập nhanh hơn, trào ngược dạ dày, mệt mỏi, cáu gắt, bứt rứt không yên, tuyệt vọng, khó tập trung, khó ngủ, cảm thấy bị xa lánh, sợ phải tiếp xúc với đám đông.

Chúng ta có thể thấu hiểu các cảm xúc này trong mùa bị phong tỏa vì dịch bệnh. Nhiều người đã thiệt mạng, thay đổi về lối sống và biện pháp giãn cách xã hội đã khiến bao nhiêu kế hoạch phải bị hủy nhằm giảm bớt nguy cơ lây lan của virus SARS-CoV-2.

Mọi người đều lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của bản thân lẫn gia đình. Thêm vào đó, điều quan trọng không kém là sự bất định, sự không chắc chắn về tương lai, nỗi niềm khắc khoải không biết đến bao giờ mới thoát được đại dịch và cũng là đại nạn này.

Sau đây là 7 biện pháp giúp giảm căng thẳng và lo ngại khi bị phong tỏa của Heather Buckeridge, một nhà tư vấn về sức khỏe tại Anh và Mỹ.

1. Hít thở sâu

Nhà tư vấn sức khỏe này khuyên mọi người hít vào bằng mũi sao cho bụng phình to hơn. Sau đó, nín thở từ ba đến bốn giây, rồi thở ra bằng miệng cho đến giây thứ sáu hay thứ bảy, cuối cùng tạo nên một luồng hơi nhẹ. Điểm cốt lõi chính là chú trọng đến nhịp thở ra vì động tác này tác động lên cơ thể giúp có được sự bình tĩnh.

Truy cập các trang web uy tín để biết thêm một số bí kíp sống khỏe và hữu ích với bản thân vì đang có thời gian để tập luyện các phương pháp hữu ích đó.

2. Giữ liên lạc với người thân

Nhà tư vấn này cũng khuyên chúng ta nên gọi điện thoại cho bạn bè hay thành viên trong gia đình. Thỉnh thoảng chủ động liên hệ với người thân có thể là một cách làm tình trạng hiện tại trở nên tốt đẹp hơn.

Giải tỏa cảm xúc là một điều nên làm dù là chúng ta cần dựa vào vai của ai đó để khóc ngon lành hay tìm một người để giãi bày tâm sự về các phiền não của mình.

3. Dành thêm thời gian cho bản thân

Hãy can đảm “dứt tình” trong một thời gian với các mạng xã hội. Chỉ cho phép bản thân xem tin tức trong một thời gian thật ngắn hay chỉ đọc tin trên một mạng xã hội duy nhất để tránh thêm căng thẳng và lo âu.

Thay vì mất thời gian lướt web, hãy cho phép mình thưởng thức các bản nhạc hay bài hát ưa thích, hoặc đọc một cuốn sách hay để tìm được cảm giác thoải mái. Tắm trong bồn nước ấm có thể được xem là một cách giải tỏa căng thẳng trong mùa dịch.

4. Chọn một thú vui hay tham gia một hoạt động cải thiện thể chất

Trong mùa dịch, ta cần học cách thưởng thức những thú vui đơn giản như tận hưởng ánh mặt trời và để gió lùa qua mặt của mình, đây là những điều mình chưa bao giờ làm trước đây.

Dạo bước hay đạp xe một lần trong ngày cũng là một hình thức thư giãn. Nếu bạn là người đam mê thiên nhiên, nên làm vườn hay ngắm chim bay, côn trùng hay các loài hoa, động vật... nếu có điều kiện.

Thay đổi các mối quan tâm thường ngày trước đây bằng cách tạo ra thú tiêu khiển mới như làm vườn, nấu nướng, vẽ tranh, thêu dệt, viết thư. Đây là các hoạt động giúp bạn thoải mái và vui vẻ hơn.

5. Hãy đối xử tốt với chính bản thân mình

Đối xử tốt với bản thân là bước đầu tiên để thấu hiểu và cảm thông cho người khác. Đây là một nguyên tắc cơ bản rất thường bị bỏ qua bởi bao thứ bận rộn thường ngày. Nhưng chúng ta lại có thể được tìm lại trong thời gian phải ở nhà vì lệnh phong tỏa.

Khiêu vũ, hát hò, cười vui, chỉ đơn giản là ở một mình không làm gì cả cũng là điều nên làm. Hạn chế uống rượu bia, chẳng lợi lộc gì cho sức khỏe. Đừng đặt ra mục tiêu không thiết thực khi bạn đang bị căng thẳng hay lo âu bởi vì nó chỉ càng tạo thêm áp lực.

6. Tiếng cười là liều thuốc bổ cho tinh thần và tâm hồn chúng ta

Tiếng cười là liều thuốc bổ cho cuộc đời vì nó tiết ra chất endorphins, hóa chất này giúp mọi người cải thiện tâm trạng. Tiếng cười sẽ giúp các mối quan hệ trở nên bền bỉ hơn. Nó có thể giảm bớt nỗi đau, tạo ra năng lượng và giúp con người cảm thấy thoải mái hơn.

Hãy vui cười với người sống gần ta, gọi điện thoại và kể chuyện hài hước với các thành viên gia đình ở xa, tái hiện các kỷ niệm hạnh phúc trước đây, tỏ ra buồn cười, xem video gây cười nhằm tận hưởng các thời gian được ở cùng bên nhau, hoặc làm bất cứ chuyện gì để giúp chúng ta thoải mái và vui vẻ.

7. Luôn luôn nghĩ rằng mọi thứ sẽ trở về bình thường

Tất cả chúng ta nên dành thời gian để học cách ngủ tốt hơn vì ngủ đủ giấc là một cách tăng cường sức đề kháng.

Tập thể dục thường xuyên hơn nhằm tái kích hoạt năng lượng cho cuộc sống bình thường. Học cách đối xử tốt với bản thân và thông cảm cho mọi người xung quanh. Chủ động tìm sự giúp đỡ khi cảm thấy cần thiết.

Trang web Fenews (Anh Quốc), cho biết căng thẳng là nguyên nhân gây mất ngủ. Khi bị áp lực nặng, dĩ nhiên ta sẽ dễ mất ngủ. Mất ngủ là điều đáng quan tâm khi mối liên hệ giữa việc làm và ở nhà đang chưa bao giờ bị nhạt phai như thế. Cân bằng công việc và cuộc sống vẫn được xem là yếu tố quan trọng và từ giã các thói quen cũ cũng giúp giảm đi căng thẳng. Vì vậy, chúng ta nên dành thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là những ngày cuối tuần, để lấy lại năng lượng cho một tuần làm việc mới.

Andy Huỳnh Vũ

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

Nguồn tham khảo:

  • https://reba.global/content/seven-ways-to-manage-stress-and-anxiety-in-lockdown
  • https://services.unimelb.edu.au/counsel/resources/wellbeing/coronavirus-covid-19-managing-stress-and-anxiety
  • https://www.fenews.co.uk/press-releases/57826-expert-insight-how-to-manage-employee-stress-during-lockdown

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhóm sinh viên làm phim online với những thước phim sống...

0
(SGTT) - Nhằm giúp mọi người ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội vẫn có cơ hội giải trí, nhóm làm phim...

Ở nhà mùa dịch: chiêu đãi gia đình món sữa gạo...

0
(SGTT) - Mùa giãn cách ở nhà, hết trà sữa rồi đến trân châu tự làm, tự hỏi có thức uống gì tốt cho...

Bổ sung dinh dưỡng từ bò qua công thức hướng dẫn...

0
(SGTT) - Trong khuôn khổ chương trình Mỹ vị cùng Chef chuyên đề về bò, anh Diệp Huy Cường, Bếp trưởng Lãnh sự quán...

Lớp võ online miễn phí: sân chơi của bạn trẻ trong...

0
(SGTT) - Tại TPHCM, trong những ngày diễn ra giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều người đã tự tạo cho mình...

Bài tập tại nhà cho người đau cổ vai gáy

0
(SGTT) – Trong giai đoạn giãn cách không thể ra ngoài vận động, chủ yếu ngồi làm việc tại nhà khiến nhiều người gặp...

Tăng cường hệ miễn dịch bằng hai món ăn từ nhân...

0
(SGTT) - Trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều người thường tìm mua các loại thực phẩm bổ dưỡng để tăng cường sức...

Kết nối