(SGTTO) – Ngắm tượng bí đỏ khổng lồ, thăm bảo tháp, xem sách viết tay trên lá cọ, ăn tối trên bờ sông… là những trải nghiệm đáng nhớ khi đoàn chúng tôi khảo sát tour mới, xuất phát từ Việt Nam đi Lào và ngắm Thái Lan từ bên này sông.
Vượt qua quãng đường đi về hơn 1.800km bằng ô tô, các thành viên trong đoàn du lịch tìm về sự yên bình, cân bằng tại đất nước Lào láng giềng – quốc gia được biết đến với tên xứ sở Triệu Voi hay xứ sở Vạn Tượng. Sau chuyến đi 5 ngày 4 đêm cùng Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương nhằm khảo sát tour mới chuẩn bị cho “hậu Covid-19”, tôi nhận thấy tour này khi hình thành sẽ rất phù hợp những người thích sự yên bình và những hoạt động văn hóa như vãn cảnh chùa, tìm hiểu lịch sử kiến trúc...
Lào: xứ triệu voi với triệu tượng Phật
Trên xe, tôi chú ý lời thuyết minh của anh chàng hướng dẫn viên người Lào gốc Việt. Người Lào xem cuộc sống hiện tại là tạm bợ. Cuộc sống thực sự của họ chỉ bắt đầu khi về bên kia thế giới, về với đức Phật. Vì vậy, thay vì xây nhà to cửa rộng, người Lào để dành hầu hết của cải làm ra để xây chùa, cúng Phật. Đó là lý do vì sao tại Lào, có nhiều ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau. Trong những ngôi chùa là hàng trăm tượng Phật.
Ấn tượng nhất với tôi có lẽ là khu vườn tượng Phật Xieng kuane, nằm cách trung tâm thủ đô Viêng Chăn 25km.
Theo lời anh hướng dẫn, khu vườn được xây dựng vào năm 1958 bởi pháp sư Luang Pu Bunleua Sulilat, người chịu ảnh hưởng đạo Rishi Hindu trong thời gian sống ở Việt Nam. Xieng kuane lưu giữ hơn 200 tác phẩm điêu khắc được làm từ bê tông với nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau của Phật, thần, quỷ và các sinh vật thần thoại như con voi ba đầu, rắn…
Một trong những tác phẩm điêu khắc ấn tượng là quả bí ngô ba tầng khổng lồ. Ở phía trước quả bí ngô, chúng tôi thấy một sinh vật thần thoại lớn với cái miệng mở, là lối vào của tòa tháp. Ba tầng ngụ ý cho địa ngục, trái đất và thiên đường. Có một cầu thang bên trong quả bí ngô dẫn đến “cổng trời”, nơi có thể chứng kiến cảnh quan đẹp của vườn tượng.
Pha That Luang (Đại bảo tháp) là di tích tôn giáo quan trọng nhất của Lào. Truyền thuyết kể từ khi thành lập từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, các nhà truyền giáo Asokan đã dựng lên một ngôi đền ở đây để đặt xương ức của Đức Phật. Vào giữa thế kỷ 16, vua Setthathirat đã dời thủ đô của mình từ Luang Prabang đến Viêng Chăn và ra lệnh xây dựng lại bảo tháp vào năm 1566. Bảo tháp ngày nay có ba tầng, mỗi tầng phản ánh một phần của giáo lý đạo Phật. Đỉnh cao của tháp được phủ vàng thật, phần còn lại được sơn nhũ vàng.
Hai ngôi chùa nằm đối diện nhau cạnh phủ Chủ tịch ở thủ đô Viêng Chăn cũng mang lại nhiều điều thú vị.
Đầu tiên là chùa Wat Sisaket. Wat Sisaket được xây dựng vào thế kỷ 17, là nơi lưu trữ hầu hết các tượng Phật ở Lào với 6.840 bức và cũng là một thư viện chứa nhiều sách viết tay cổ trên lá cọ. Trong khi đó, ngôi chùa đối diện với tên gọi Wat Haw Phra Kaew (chùa Phật Ngọc) được xây dựng năm 1565 và là nơi hoàng gia Lào thường đến cúng lễ.
Ngoài ra, chúng tôi còn ghé thăm những ngôi chùa khác như Wat Si Muang (chùa Mẹ) ở thủ đô Viêng Chăn hay That Ing Hang Stupa ở tỉnh Savannakhet. Các thành viên trong đoàn khấn nguyện và được nhà sư ban phước lành, cầu chúc sứ khỏe, may mắn và vượt qua khó khăn.
Trong 2 ngày ở thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi cũng không quên thăm Khải Hoàn Môn hay còn gọi là Tượng đài chiến thắng – được xem là nơi phải tới khi đến Viêng Chăn. Leo 190 bậc thang để xem toàn cảnh thủ đô là một thử thách nho nhỏ.
Ăn ở Lào, ngắm Thái Lan
Bên cạnh vãn cảnh chùa, điều thú vị khác mà tôi có được trong suốt hành trình là đi dọc dòng sông Mekong yên bình với bờ bên kia là đất nước chùa tháp Thái Lan.
Vừa qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), trước mắt tôi là thị trấn Dansavanh yên bình của nước Lào, thật sự làm tôi thư thái phần nào sau bao ngày nặng đầu bởi thông tin lây lan của dịch bệnh Covid-19. Trên quãng đường 340km để đến Thakhek, thủ phủ của tỉnh Khammouane, chỉ có những ngôi nhà gian làm bằng gỗ ven đường của người dân Lào, vài trạm xăng do công ty của Việt Nam và Thái Lan đầu tư, còn lại là những cánh đồng nắng cháy mùa khô.
Đến Thakhek, chúng tôi ăn ở một nhà ven sông. Bên kia sông là Nakhon Phanom, một tỉnh thuộc Đông Bắc Thái Lan – một trong những địa phương nổi tiếng trong tuyến caravan Đông Dương (Campuchia, Thái Lan, Lào, Việt Nam). Cho dù thời gian rất ngắn, nhưng tôi cũng kịp nhận ra rằng đi dọc bờ sông vào buổi chiều thật tuyệt: ngắm nhìn những ngôi nhà kiến trúc Pháp thời xưa và ngắm hoàng hôn trên sông Mekong.
Ngày hôm sau, trên đoạn đường Bắc tiến dài 340km từ Thakhek đến thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi tiếp tục đi dọc con sông Mekong, ngang qua 3 cây cầu hữu nghị Lào - Thái Lan, nhưng cảnh quan hai bên đường đã trù phú hơn.
Đêm ở Viêng Chăn, chúng tôi tiếp tục ăn ở một nhà hàng cạnh bờ sông. Thời gian này là mùa khô, nước cạn, cồn cát nổi lên giữa sông, tạo cảm giác băng qua bên kia bờ sông để đến tỉnh Udon Thani của Thái Lan rất gần. Chúng tôi nói vui rằng: “Đi từ Việt Nam, ăn ở Lào và ngắm cảnh Thái Lan. Không gì tuyệt vời bằng!”.
Quỳnh Như