(SGTT) - Ban Văn hóa Xã hội thuộc Hội đồng Nhân dân TPHCM đã phối hợp với Công đoàn Viên chức Thành phố và các sở ngành khảo sát thực tiễn về việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân đối với nhóm trẻ em, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Tại buổi giám sát mới đây, đoàn đã đến hai điểm là lớp học tình thương trên địa bàn phường Bình Trưng Đông và nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác, phường An Khánh, Thủ Đức.
Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội thuộc Hội đồng Nhân dân TPHCM, việc tăng cường rà soát, cấp giấy tờ tùy thân cho nhân khẩu đặc biệt được đánh giá là hoạt động thiết thực, cần nghiên cứu các thủ tục pháp lý liên quan để khẩn trương thực hiện, giúp trẻ có đầy đủ giấy tờ tùy thân để học tập và lao động sau này.
Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Thủ Đức cho biết trên địa bàn có 10 trung tâm bảo trợ và trung tâm tâm thần với 2.096 nhân khẩu. Từ kết quả rà soát, triển khai chương trình, đơn vị đã thu thập thông tin, cập nhật vào hệ thống cho 1.334 nhân khẩu. Hiện còn 43 trẻ (từ 7 tháng - 18 tuổi) chưa được đăng ký thường trú và làm căn cước công dân.
Bà Trần Thị Thanh Thủy, người phụ trách lớp học tình thương cho biết, lớp đã hoạt động được 8 năm nay, lúc đầu chỉ có 5 em, đa phần có hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường với nhiều lý do như không có giấy tờ, nhân thân không rõ ràng, cuộc sống không ổn định… Hiện lớp có 60 em đang theo học, trong đó có 32 em đã được đưa đến các trường công lập. Đại diện nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác cho biết quá trình hoàn thiện giấy tờ tùy thân, căn cước công dân cho các cháu vẫn còn gặp nhiều khó khăn về mục dân tộc, đăng ký người giám hộ cho trẻ. Đề nghị có thể điền mục dân tộc theo chính dân tộc của người đại diện hợp pháp của các bé.