Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Khan hàng hay chiêu tiếp thị?

Chánh Tài-

Lâu nay, mỗi khi giới thiệu dòng iPhone mới, người ta thường thấy tình trạng khan hàng diễn ra, khiến nhiều người phải chờ đợi. Cũng có thể đó là ý đồ kích thích nhu cầu, là cách quản lý rủi ro hay do quy trình sản xuất phức tạp. Lần này, iPhone X, dòng điện thoại mới nhất của Apple, cũng đang khiến nhiều người chờ đợi.

Muốn mua phải chờ

Với những người yêu thích chiếc điện thoại mang logo trái táo cắn dở, việc bắt họ phải đợi hơn bảy tuần, từ 12-9 đến 27-10, mới có thể đặt mua chiếc iPhone X là quá lâu. Theo kế hoạch, chiếc iPhone X đầu tiên sẽ được giao bắt đầu từ ngày 3-11.

Nhà phân tích Ming-Chi Kuo ở Công ty chứng khoán KGI Securities cho rằng, Apple chỉ có thể cung cấp cho khách hàng khoảng 40 triệu iPhone X trong những tháng còn lại của năm 2017. Khoảng 80-90 triệu chiếc iPhone X khác sẽ được giao cho khách hàng vào năm 2018.

Các đại lý ở Hồng Kông dự kiến sẽ bán iPhone X ở mức giá cao hơn 300-400 đô la Mỹ so với mức giá mà Apple thông báo trong những tuần tiên iPhone X được tung ra thị trường.

Tình trạng khan hàng của các thiết bị công nghệ mới ra mắt thường được xem như là điều hiển nhiên. Chỉ trong một năm qua, điện thoại Pixel của Google, máy chơi game Switch của Công ty game Nintendo và thậm chí dòng điện thoại iPhone 7 Plus đều không có sẵn hàng để cung cấp với số lượng lớn khi chúng mới ra mắt.

Song liệu có phải sự khan hàng này là một chiêu tiếp thị? Hay là một quản lý rủi ro có tính toán? Hay do việc sản xuất hàng triệu thiết bị điện tử phức tạp và việc phân phối chúng toàn cầu thực sự khó khăn? Câu trả lời có thể chứa đựng tất cả các yếu tố nói trên.

 iPhoneApple trưng bày iPhone X tại sự kiện ra mắt sản phẩm ở thành phố Cupertino, California, Mỹ hôm 12-9. Ảnh: Bloomberg

Trì hoãn để đánh giá nhu cầu

Các công ty công nghệ thường cố tình buộc những người muốn sở hữu sớm các sản phẩm mới ra mắt của họ phải chờ đợi. Đó là do việc đặt hàng trước ngày càng trở nên quan trọng, theo Asokan Ashok, cựu giám đốc chiến lược công nghệ và nền tảng ở Công ty viễn thông Samsung tại Mỹ.

Ông cho biết, cơ chế đặt hàng trước cho phép các hãng công nghệ nắm bắt mức độ quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm trước khi nó bắt đầu được giao cho khách hàng. Dựa vào dữ liệu đặt hàng trước, các hãng công nghệ có thể dự báo nhu cầu đối với sản phẩm mới ra mắt cũng như các phiên bản khác nhau của nó.

Ashok, người giờ đây là giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp phần mềm di động UnfoldLabs, cho biết việc tính toán nhu cầu sẽ khó khăn hơn khi sản phẩm được chào bán với mức giá cao mới và các hãng công nghệ chưa có tiền lệ nào để “đong đếm” nhu cầu.

Điều này đúng với trường hợp của iPhone X vì mức giá khởi điểm của nó là 999 đô la Mỹ. Apple chưa bao giờ bán sản phẩm lên đến mức giá đó. Dù Apple đã nắm dữ liệu quá khứ về nhu cầu các dòng iPhone mới trước đây, vẫn rất khó để dự báo tỷ lệ đặt hàng cho iPhone X so với những người “anh em” của nó là iPhone 8 và iPhone 8 Plus.

Ngoài ra, nhiều nhà phân tích dự báo đây có thể là năm của siêu chu kỳ nâng cấp đời iPhone khi nhiều tín đồ iPhone đã chờ đợi trong nhiều năm để thay thế một phiên bản hoàn toàn lột xác về mặt thiết kế như iPhone X. Điều này có thể dẫn đến doanh số bán iPhone X tăng vọt giống như đã từng xảy ra với đợt phát hành iPhone 6 vào năm 2014.

Một lý do khiến việc dự báo nhu cầu của khách hàng trở nên quan trọng là xu hướng áp dụng chiến lược sản xuất tức thời (just-in-time manufacturing), tức chỉ sản xuất đúng thời điểm, theo đúng nhu cầu để tiết kiệm chi phí. Sản xuất hàng triệu chiếc điện thoại đòi hỏi phải có sự điều phối đồng bộ giữa các nhà sản xuất linh kiện. Họ không thể mạo hiểm để linh kiện tồn kho “ăn” vào các mức biên lợi nhuận vốn đã mỏng.

 

Thay đổi vào phút chót

Ashok cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà sản xuất hàng đầu phải đối mặt trong việc giao sản phẩm đúng hạn là các tiêu chuẩn khắt khe mà họ đặt ra cho sản phẩm.

Apple thường thay đổi các chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng trong các thiết kế phần cứng vào những giây phút cuối. Tính cầu toàn như vậy không phải là không có lý do xác đáng vì phần cứng không thể sửa đổi một khi sản phẩm đã trao cho khách hàng và chi phí thu hồi sẽ rất lớn. Chẳng hạn như sự cố pin cháy nổ của dòng điện thoại Galaxy Note 7 đã khiến Samsung thiệt hại nhiều tỉ đô la do phải tiến hành một đợt thu hồi trên toàn cầu.

Việc thay đổi vị trí một con ốc vít trong sản phẩm cũng có thể tác động đến đến kích thước, vị trí và hiệu năng của hàng chục linh kiện khác, theo Chetan Sharma, một nhà tư vấn ngành di động. Những chi tiết nhỏ như thế này có thể được giải quyết từ trước nếu có đủ thời gian. Nhưng trong ngành di động cạnh tranh khốc liệt, thời gian là thứ thậm chí quá xa xỉ đối với Apple.

Khi một công ty giới thiệu một công nghệ mới, chẳng hạn như màn hình OLED của iPhone X, khó khăn có thể tăng lên gấp bội. Wayne Lam, nhà phân tích lĩnh vực smartphone ở Công ty dịch vụ tài chính IHS Markit, cho biết tỷ lệ linh kiện công nghệ xuất hiện lần đầu đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất thường không đạt mức tối đa.

Đôi khi, một linh kiện cần thiết cho một sản phẩm công nghệ trở nên khan hàng. Hầu hết mọi thiết bị công nghệ thông minh đều được trang bị chip nhớ NAND để lưu trữ dữ liệu khi nguồn điện bị ngắt. Gần đây, nguồn cung chip nhớ NAND trên toàn cầu bị thiếu hụt trầm trọng.

Trong trường hợp này, Apple phải ký các hợp đồng mua số lượng lớn với các nhà cung cấp chip nhớ NAND. Công ty game Nintendo có lần than vãn rằng nhu cầu smartphone bùng nổ dẫn đến tình trạng thiếu hút các linh kiện cần thiết để sản xuất máy chơi game Switch.

Apple cũng có thể đối mặt với nguy cơ bí bách nguồn cung màn hình OLED cho dòng điện thoại iPhone X. Một lý do quan trọng khiến Apple thông báo chỉ giao hàng iPhone X bắt đầu từ ngày 3-11, tức hơn bảy tuần sau ngày ra mắt, là bởi các nhà sản xuất không thể cung ứng các màn hình OLED nhanh chóng.

Sản xuất smartphone là một quy trình phức tạp. Các công ty phải kiểm soát bất cứ những gì họ có thể bằng cách ra mắt sản phẩm, nhận đơn đặt hàng trước và khiến khách hàng phải chờ đợi. Họ thậm chí phải tính toán xem khan hàng ở mức độ nào thì sẽ giúp tăng nhu cầu, để khi sản phẩm được giao khách hàng thấy rằng nó đáng để chờ đợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người lái ô tô điện sẽ được cấp giấy phép lái...

0
(SGTT) - Từ ngày 1-1-2025, người lái ô tô điện sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng B giống như người lái xe...

10 điểm đến khách Việt tìm kiếm nhiều cho kỳ nghỉ...

0
Ứng dụng đặt phòng trực tuyến Booking.com vừa công bố 10 điểm đến trong và ngoài nước được khách Việt yêu thích dịp Tết...

Metro Bến Thành – Suối Tiên vận hành thử đợt cuối...

0
(SGTT) - Từ ngày 13 đến ngày 21-12, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) sẽ thực hiện đợt chạy thử...

Sẽ có hòa nhạc giao hưởng ở phố đi bộ Nguyễn...

0
(SGTT) - Sau hơn một thập kỷ gây tiếng vang tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chương trình hòa nhạc và biểu diễn nghệ...

Vùng ven biển Đông Nam bộ sắp có đợt triều cường

0
(SGTT) - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 13 đến 17-12, có khả năng có triều cường...

Giá xăng RON 95-III lên gần 20.600 đồng/lít

0
(SGTT) - Từ 15:00 giờ hôm nay (12-12), Liên bộ Công Thương - Tài chính đã giảm giá bán lẻ với đa số mặt...

Kết nối