Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Khám phá ‘suối đá đĩa trên cạn’ mới phát hiện ở Phú Yên

(SGTT) - Tác giả cùng đoàn văn nghệ sĩ của Hội Văn học tỉnh Phú Yên vừa có chuyến đi thực tế sáng tác về miền di sản. Đoàn đến 'suối đá đĩa trên cạn' xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên khám phá một tuyệt tác kỳ vĩ vừa mới phát hiện mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho tặng cho nơi đây.

Vùng này còn hoang sơ, do là đường đất với nhiều ổ gà, ổ voi trên mặt đường nên vào được chỗ đá đĩa trên cạn rất khó khăn. Thế nhưng khi đến nơi, cảnh vật đã mê hoặc người tham quan. Đá đĩa trên cạn ở đây như "chảy" theo dòng suối bởi hàng ngàn phiến đá như những chiếc đĩa đá xếp chồng lên nhau giống như Gành Đá Đĩa nổi tiếng ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.

Chống gậy vào đá dĩa trên cạn

Chống gậy đi theo suối đá đĩa trên cạn. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Từ TP Tuy Hòa đi 50km đến địa đạo Gò Thì Thùng, xã An Xuân, huyện Tuy An rồi theo tuyến ĐT 643 hơn 3km nữa, đến địa phận thôn Xuân Trung, xã An Xuân, rẽ trái xuống nhiều con dốc đứng, xuôi xuống rẫy mía, tiếp tục xuống dốc đi đến suối đá đĩa trên cạn.

Điểm đến đầu tiên là Lỗ Tròn, lộ ra những cột đá hình trụ cao to nứt ra giống cái đĩa. Tiếp tục đi xuống thì đá đĩa ở đây "chảy" theo dòng suối với những khối đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc nghiêng, có chỗ lại xếp trải dài.

Suối đá hiểm trở, có chỗ 'đá đĩa' tạo thành vòm ấn tượng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Đá chủ yếu có tiết diện hình lục giác, hình vuông, lớp nọ xếp nối lên lớp kia giống như gành Đá Đĩa ven biển xã An Ninh Đông, huyện Tuy An – một danh thắng quốc gia được Bộ VHTT-DL công nhận là di tích danh thắng quốc gia từ năm 1998.

Chị Lê Pha Lê, hội viên Chi hội Văn học, tay chống gậy trợ gúp đôi chân để lọt được xuống Lỗ Tròn, tâm sự "Đá đĩa ở đây giống như "anh em" gành Đá Đĩa nổi tiếng ở xã An Ninh Đông. Có điều Đá Đĩa ở An Ninh Đông ngoài biển, còn đây đá dĩa ở đây chảy theo suối, phơi dĩa trên cạn, đen bóng".

Đá đĩa ở đây giống gành Đá Đĩa ven biển xã An Ninh Đông, huyện Tuy An – một danh thắng quốc gia được Bộ VHTT-DL công nhận là di tích danh thắng quốc gia. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Đoàn tiếp tục xuống dốc, nhiều người tay chống gậy đi qua khối đá hình trụ, trầm trồ bởi hình thù kỳ lạ tạo hóa của đá giống cái đĩa chồng lên nhau. Có nơi là bãi đá nhấp nhô với những chiếc đĩa hình lục giác óng ả màu đen huyền bí.

Họa sĩ Trần Thu Hà, Hội viên Chi hội Mỹ thuật, chống gậy bước qua đá trơn, len lỏi qua bụi mò o, một loại cây giống như cây lồ ô nhưng nhỏ hơn. “Hồi nhỏ nghe ba tôi kể, đi chặt mò o về đan ky giỏ, rổ rá, giờ trong chuyến đi khám phá đá dĩa trên cạn, tôi mới biết mặt cây mò o”, chị Hà nói.

Đá dĩa ở đây chảy theo suối, phơi dĩa trên cạn, đen bóng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Qua rừng mò o, đoàn tiếp tục đi trên suối đá đĩa. Những tảng đá đĩa trên cạn cứ thế "chảy" từ Lỗ Tròn đến Thác Đứng, dài cả cây số.

Vượt dốc Thác Đứng

Thác Đứng với vách đá dựng thẳng đứng hùng vĩ bao quanh cùng với các tán cây rừng. Khung cảnh có lẽ khó có nơi nào cuốn hút hơn. Đến đây nhiều người thỏa thích chụp hình khung cảnh thiên nhiên xanh mát.

Đoàn nghỉ ngơi dưới táng cây, bên dưới là những tảng đá đĩa lớn. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Trong hành trình chuyến đi, từ dưới chân Thác Đứng phải vượt lên đỉnh dốc mới ra ngoài khu vực đá đĩa trên cạn. Dốc này cao dựng đứng, có người nói, đây là dốc Lưng Cọp, vì hiểm trở cheo leo, buộc phải trèo lên đỉnh dốc mới ra ngoài, không còn đường nào khác. Để lên đỉnh dốc phải vượt qua…đá súng, khối đá hình thù giống như khẩu súng thần công. Nhiều người đu dây rừng trườn lên, cuối cùng leo lên dốc Lưng Cọp.

Khối đá hình thù giống như nòng súng thần công. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Trên đỉnh Thác Đứng rừng cây săn trắng 100 năm tuổi với nhiều loại rừng lan đu bám. Tổng kết hành trình đi, suối đá đĩa trên cạn trèo đèo lội suối, vừa đi vừa nghỉ mất ba tiếng hồ. Ra đến nơi, tuy đi mệt nhưng nhiều người tâm đắc vì đường đi khó khăn nhưng đã chinh phục đá đĩa trên cạn.

Ngồi nghỉ mệt, ông Hoàng Chương, thành viên trong đoàn, nói với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ cùng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, thời gian đến, đá đĩa trên cạn có nhiều người trẻ săn tìm. Tuy nhiên đến đá đĩa trên cạn cần mang theo nhiều nước uống, đi dép rọ và các vật dụng cần thiết khác vì đây là địa điểm hoang sơ không sóng điện thoại. Phải nói gành đá đĩa trên cạn An Xuân, một tuyệt tác kỳ vĩ mà thiên nhiên ưu ái dành cho tặng cho nơi đây.

Thác Đứng với hàng ngàn phiến đá như những chiếc dĩa đá xếp chồng lên nhau. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Ông Bùi Văn Thành, Chi Hội trưởng Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học Phú Yên, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết đã dẫn bốn đoàn công tác, trong đó có đoàn của cơ quan ban ngành của tỉnh về khảo sát, đánh giá toàn diện vỉa đá phát hiện ở xã An Xuân.

Trong chuyến đi khảo sát đó, các nhà khoa học nghiên cứu và lý giải, quần thể đá ở gành Đá Đĩa ở xã An Ninh Đông được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa. Ước tính núi lửa này hoạt động cách đây gần 200 triệu năm, nham thạch phun từ miệng núi lửa ra phía mép biển, bất ngờ bị đông cứng khi tương tác với nước lạnh kết hợp với hiện tượng ứng lưu khiến cho toàn bộ khối nham thạch khổng lồ rạn nứt đa chiều, kiến tạo nên kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, được coi là danh thắng độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Còn đá dĩa trên cạn An Xuân hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa, nham thạch phun từ miệng núi lửa ra phía biển, ông Thanh lý giải.

Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên cũng tổ chức khảo sát gành đá dĩa vừa mới phát hiện ở thôn Xuân Dục, xã An Phú, TP Tuy Hòa để định hướng bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, thác Vực Hòm thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, huyện Tuy An, là một thác nước hoang sơ tuyệt đẹp, hình dáng như chiếc đá dĩa úp ngược xuống dưới, được nhiều người ví là đá dĩa trên cạn. Tuy nhiên, so với hai nơi kia thì đá dĩa trên cạn An Xuân địa hình hiểm trở, khó đi hơn vì nằm sâu trong núi hơn.

Mạnh Hoài Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch Phú Yên kỳ vọng tiếp tục lập ‘cú hích’...

0
(SGTT) - Tháng 11-2023, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã phối hợp với tỉnh Phú Yên công bố...

Ký sự sông Ba (kỳ cuối): Di sản dòng sông và...

0
(SGTT) - Ví dòng sông như một thiếu nữ là cách mà tác giả dành để kết bài viết này. Nếu như Ayun Pa...

Gợi ý 6 dòng thác nên ghé thăm khi đến Phú...

1
(SGTT) – Thác J’rai Tang, Vực Phun, thác Cây Đu hay thác H’ly là những dòng thác đẹp, còn khá hoang sơ mà du...

Cắm trại, ngắm hoàng hôn trên cù lao Mái Nhà

0
(SGTT) - Cù lao Mái Nhà thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách làng chài Phước Đồng khoảng 4km. Trên...

Mùa thu hoạch cói tại làng nghề dệt chiếu hơn 100...

0
(SGTT) - Cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km, làng nghề dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An,...

Ngôi nhà lưu dấu ấn dòng gốm cổ hơn 300 năm...

0
(SGTT) - Nhà Quảng Đức Xưa nằm cạnh quốc lộ 1, thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, đầu đường qua cầu Lò...

Kết nối