(SGTTO) - Nếu các tỉnh phía Bắc thu hút du khách bởi các hang động trong núi đá vôi thì khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Công viên địa chất Đắk Nông (tỉnh Đắk Nông) mang đến những ấn tượng về sự kỳ vĩ của hệ thống hang động núi lửa rộng lớn tại khu vực này.
- Công viên địa chất Đắk Nông: điểm đến mới năm 2020
- Khám phá Công viên địa chất Đắk Nông dễ dàng hơn với ứng dụng izi.TRAVEL
Quần thể hang động núi lửa này có khoảng 50 hang, tổng chiều dài hơn 10km, đã được khảo sát và đo vẽ, là di sản địa chất mang tầm quốc tế của Công viên địa chất Đắk Nông, là kết quả của quá trình phun trào núi lửa xảy ra cách đây hàng triệu năm.
Như những mạch máu của cánh đồng dung nham
Năm 2014, sau hơn 7 năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản đã khám phá ra quần thể hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Đắk Nông. Quần thể này nay nằm trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông do tỉnh xây dựng vào cuối năm 2015.
Khác với nguồn gốc thứ sinh của các hang động đá vôi, các hang động núi lửa có nguồn gốc đồng sinh vì chúng được hình thành ngay trong quá trình phun trào và đông cứng của dung nham bazan. Đây là một trong những điều lý thú về mặt khoa học, thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu cũng như du khách thập phương.
Tuy trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông có 5 miệng núi lửa đã được phát hiện là: núi lửa âm Nâm Dơng, núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar (huyện Krông Nô) và núi lửa Nâm Gle (huyện Đắk Mil) nhưng cho đến nay, các nhà khoa học nhận định rằng các hang dung nham được tìm thấy trong khu vực chỉ liên quan đến hoạt động phun trào của núi lửa Nâm Blang.
Nếu ví núi lửa Nâm Blang là trái tim của cánh đồng dung nham rộng lớn thì hệ thống các hang động được xem như các mạch máu của nó. Trong đó, đáng chú ý là hang C7, dạng ống, dài 1.066,5m là hang động dung nham được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục đứng đầu Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Hang C3 dài 594,4m xếp thứ nhì Đông Nam Á. Hang A1 dài 456,7m xếp thứ năm Đông Nam Á... Trong hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng cho quá trình phun trào của núi lửa như các ngấn dung nham, hốc sụt.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu tích cư trú của người tiền sử như dụng cụ lao động bằng đá, đồ gốm, mảnh xương động vật, vỏ các loài nhuyễn thể, mộ táng cổ… trong một số hang, tiêu biểu là hang C6, C6-1.
Phát hiện này mở ra một bước ngoặc mới trong ngành cổ nhân học Việt Nam vì được biết, trên thế giới chưa nơi nào phát hiện được di cốt người cổ trong các hang động núi lửa.
Những hang nào an toàn cho việc khám phá?
Đến nay, ngoài hang C3, C4 đã được tỉnh Đắk Nông quy hoạch thành điểm đến trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông, thì các hang động dung nham khác vẫn chưa chính thức được đưa vào khai thác du lịch do chưa có nghiên cứu đánh giá về độ an toàn của trần hang.
Khác với cấu trúc hang động núi đá vôi, hang động núi lửa trong đá bazan có cấu trúc thành yếu và không bền vững, dễ sụt lún. Do đó, đối với các hang động núi lửa chưa được khai thác du lịch, du khách không nên tự ý khám phá khi không mang các dụng cụ bảo hộ an toàn.
Hang C3, C4 nằm trong khu vực cụm thác Dray Sap – Gia Long, được thông với nhau với tổng chiều dài khoảng 968m. Dù không thuộc sự quản lý của Khu du lịch Dray Sap, nhưng để đến được hang động này, du khách phải mua vé vào cổng của khu du lịch này. Bên trong khu du lịch có lắp đặt hệ thống các bảng, biển chỉ đường, biển báo để hướng dẫn du khách lối vào hang.
Việc xuống hang không khó, nhưng du khách cần thận trọng khi đi trên những tảng đá bom núi lửa to và ngổn ngang ở miệng hang. Bên trong lòng hang là hàng loạt thạch nhũ, các khe nứt, các nếp uốn... dễ dàng quan sát được. Đứng trong lòng hang rộng lớn, du khách có thể cảm nhận rõ nét sự vận động mạnh mẽ của dòng dung nham núi lửa tuôn trào và sự kỳ vĩ mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này.
Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Công viên nằm trên cao nguyên M’Nông nên thơ, hùng vĩ, có ranh giới trải dài trên năm huyện và một thị xã, gồm huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa.Đây là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực, đáp ứng các tiêu chí công viên địa chất toàn cầu. Vì vậy, Công viên địa chất Đắk Nông thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm, tìm hiểu không chỉ vì khung cảnh độc đáo mà còn vì các giá trị văn hóa lâu đời của các dân tộc. UBND tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, dự kiến Công viên địa chất Đắk Nông được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 4-2020 tới.
Bạch Vân