Thứ tư, Tháng tư 23, 2025

Khám phá đường hầm cách mạng dưới ngôi đình cổ trăm năm tuổi

(SGTT) - Đình Phong Phú không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là một "chứng nhân" lịch sử giữa lòng thành phố Thủ Đức. Ngôi đình có một đường hầm bí mật dài gần 100 mét nằm ngay dưới chánh điện. Đường hầm này được đào từ năm 1959, đóng vai trò là nơi ẩn náu, cất giấu vũ khí, lương thực và là địa điểm hội họp bí mật của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Đình Phong Phú được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Thời chiến tranh, Ngụy triều từng cho cảnh sát đến lục soát, bắt giam cả Ban quý tế của ngôi đình để tra khảo nhưng các cụ nhất quyết không khai. Trong số nghĩa quân Ban quý tế cưu mang khi ấy, sau có người làm đến chức Thái Sư bản triều.

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) đình Phong Phú là nơi tập trung quân, nơi dừng chân của cán bộ cách mạng vùng Thủ Đức. Đình còn là nơi cung cấp tiền bạc, lương thực, thuốc men, dầu hôi… thường xuyên cho cán bộ cách mạng. Ảnh: Thái Bảo
Năm 1993, đình Phong Phú được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa – cách mạng và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đình được xếp hạng là di tích lịch sử – cách mạng vì ở góc vườn, có một cái hầm bí mật để giấu cán bộ cách mạng. Ảnh: Thái Bảo

Hầm bí mật khu Di tích lịch sử Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B được xây dựng vào cuối năm 1959, do Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bá thực hiện. Đây là cơ sở để các cán bộ bám trụ hoạt động như đồng chí: Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Đạt, Ngô Tùng Lộ, Nguyễn Văn Tăng, là nơi chứa lương thực, thực phẩm, tiền bạc cho lực lượng vũ trang và huyện Thủ Đức đến ngày 30-4-1975. Nơi đây cũng là nơi chứa chất nổ lớn và là nơi xuất phát các trận đánh lớn.

Đường hầm này được đào từ năm 1959, đóng vai trò là nơi ẩn náu, cất giấu vũ khí, lương thực và là địa điểm hội họp bí mật của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Thái Bảo
Cửa xuống hầm được ngụy trang kín đáo, trước đây là một miệng cống nhà tắm hình tròn, chỉ đủ một người lớn chui lọt. Ảnh: Thái Bảo
Hầm có bậc thang đi xuống, sâu khoảng 2 mét. Chiều dài hầm gần 100 mét, rộng khoảng 50cm và cao từ 1,5 đến 1,7 mét. Ảnh: Thái Bảo
Bên trong hầm được chia thành nhiều khu vực để trữ lương thực, vũ khí. Giữa hầm có một khoảng rộng hơn, được xây bậc để bộ đội có thể ngồi nghỉ ngơi hoặc hội họp bí mật. Ảnh: Thái Bảo
Trong suốt hai cuộc kháng chiến, Đình Phong Phú không chỉ là nơi hoạt động bí mật mà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng cho người dân địa phương. Ảnh Thái Bảo
Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc, nhiều lần bị tổn thương vì bom đạn, đình Phong Phú vẫn "an nhiên" cùng thời gian. Ảnh: Thái Bảo
Trên nóc mặt tiền của ngôi đình có trang trí lưỡng long tranh châu cẩn mảnh sành nhiều màu. Các họa tiết trang trí vẫn là những đề tài quen thuộc ở các đình miền Nam như: long, lân, quy, phụng, bát tiên, cá hóa long. Ảnh: Thái Bảo
Ngôi đình là một biểu tượng của sự giao thoa giữa tín ngưỡng truyền thống và tinh thần cách mạng, một minh chứng cho lòng yêu nước và ý chí của dân tộc. Ảnh: Thái Bảo

Thời kháng chiến, nơi đây dùng cách thắp nhang làm ám hiệu khi có quân địch xuất hiện. Vào ngày mùng Một, Rằm và lễ Kỳ Yên thường có nhiều người đến viếng đình, tìm hiểu giá trị lịch sử và kiến trúc của đình.

Lễ Kỳ Yên, còn là lễ cầu an, tế Thành Hoàng lớn nhất trong năm của những ngôi đình thần ở Nam bộ. Đây cũng là lễ chính của đình Phong Phú, diễn ra vào ngày 14 đến 16-11 Âm lịch thường niên.

Theo thông tin từ Trung tâm văn hoá Thành phố Thủ Đức

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu đến bạn đọc chuỗi bài viết Nghe Sài Gòn kể chuyện tháng Tư, nhằm giới thiệu những điểm đến văn hóa, lịch sử tại TPHCM gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Trúc Nhã - Thái Bảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề