(SGTT) - Núi Chư Đăng Ya (Gia Lai), núi Thới Lới (Quảng Ngãi) hay núi Chư Bluk (Đắk Nông)… là những ngọn núi lửa có lịch sử hình thành hàng triệu năm, đã ngưng hoạt động, thu hút du khách tìm đến khám phá trong thời gian gần đây.
- Khám phá núi lửa Chư Đang Ya qua tuần lễ hoa dã quỳ năm 2024
- Leo đỉnh Chư Nâm, ngắm núi lửa Chư Đăng Ya, núi Hàm Rồng
- Khám phá hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á
Theo TTXVN, hầu hết núi lửa ở Việt Nam đều có lịch sử hình thành từ hàng triệu năm về trước và đã ngưng hoạt động. Tuy nhiên, cảnh quan thiên nhiên còn sót lại của các miệng núi lửa thôi thúc nhiều du khách tìm đến khám phá.
Núi lửa Chư Đăng Ya
Núi lửa Chư Đăng Ya nằm trên địa bàn huyện Chư Păh, cách trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, khoảng 30km. Núi có độ cao 500m so với mực nước biển, trong quá khứ từng phun trào dữ dội, do đó, đến nay vẫn còn giữ được cấu trúc hình phễu đặc trưng.
Núi lửa Chư Đăng Ya có lịch sử hình thành từ hàng triệu năm về trước, được ghi nhận với nhiều đợt phun trào nham thạch lớn nhất khu vực. Sau khi núi ngừng hoạt động, lớp dung nham này đã tạo thành thảm đất đỏ bazan màu mỡ, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nông nghiệp của người dân địa phương.
Mỗi mùa trong năm, khi đến đây tham quan, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn Chư Đăng Ya khoác lên một cảnh sắc riêng biệt. Đẹp nhất là vào tháng 10, tháng 11, khi bức tranh thiên nhiên được tô điểm với "thảm" hoa dã quỳ rực rỡ.
Núi lửa Chư Bluk
Núi lửa Chư Bluk nằm ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, là cụm hang động núi lửa dài nhất Việt Nam. Hệ thống hơn 100 hang động lớn nhỏ được tạo thành nhờ dòng chảy nham thạch cách đây hàng triệu năm, ẩn mình trong lớp đá bazan.
Hang dài 25km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Đray Sáp. Trong lòng các hang C7, C3, A1 có nhiều kiến tạo địa chất nguyên sơ, thu hút du khách khám phá. Mùa Xuân, Hè là thời điểm núi lửa Chư Bluk đẹp nhất với thảm thực vật xanh tốt, ít mưa, nắng đẹp nên đường đi sẽ dễ dàng.
Núi lửa Thới Lới
Thới Lới là núi lửa lớn nhất trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, với độ cao 169m so với mực nước biển. Nơi đây được bao phủ hầu hết bởi đất đá, do đó tạo nên cảnh quan kỳ vỹ, hoang sơ.
Ngọn núi được hình thành từ quá trình phun trào nham thạch dữ dội tại vùng đảo này từ hàng triệu năm về trước. Đứng trên đỉnh núi này, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh đảo Lý Sơn được bao quanh giữa làn nước biển xanh trong.Núi Thới Lới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 2020.
Núi lửa Giếng Tiền
Cách Thới Lới không xa là núi lửa Giếng Tiền, với lịch sử hình thành từ hàng triệu năm về trước, đến nay Giếng Tiền đã ngưng hoạt động hoàn toàn.
Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi như một hố cây màu xanh nằm nổi bật giữa hòn đảo, bao quanh là nương rẫy, làng mạc, nhà cửa và xa hơn là biển cả mênh mông. Bởi vì ngọn núi chỉ cao khoảng 86m, nên rất dễ để du khách tham quan, khám phá.
Núi lửa Hàm Rồng
Cách trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai hơn 10km, núi lửa Hàm Rồng cao hơn 1.000 mét như một hình mặt trăng khuyết với rãnh sâu hướng về phía Nam. Núi Hàm Rồng còn mang đầy đủ những đặc tính tiêu biểu của một ngọn núi lửa nổi trên mặt đất, do đó thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, du khách tìm đến khám phá.
Đến núi lửa Hàm Rồng, du khách sẽ có dịp trekking trên những con đường uốn lượn quanh co dẫn lên đỉnh núi. Từ đỉnh núi, du khách có “bắt trọn” cảnh đẹp thành phố Pleiku với những đồi chè, cà phê, rừng cao su… trải dài tít tắp.
Theo Vietnamplus/TTXVN