(SGTT) - Có lẽ khái niệm đi du lịch là để cho biết đã dần trở nên lỗi thời. Với nhiều người Việt, đi du lịch đã trở thành nhu cầu không thể thiếu, giúp làm mới bản thân, thắt chặt các mối quan hệ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo sự nhìn nhận của các công ty du lịch, du khách trong nước nay không chỉ đi nhiều hơn, chi tiêu tốt hơn mà còn tiếp cận rất nhanh với các xu hướng du lịch mới trên thế giới, giúp đơn vị cung cấp dịch vụ thuận tiện hơn khi thực hiện các chương trình tiếp thị sản phẩm.
Những người mê... đi
Thời gian biểu của Nguyễn Thị Thu Hà – bà mẹ trẻ có hai con nhỏ và là nhân viên tiếp thị cho một văn phòng đại diện du lịch nước ngoài ở Hà Nội – ít khi có khoảng trống. Công việc văn phòng, gia đình thường chiếm hết quỹ thời gian của cô nhưng mỗi khi có chút thời gian rỗi, Hà lại cùng chồng con đi du lịch.
“Mỗi năm, chúng tôi thường nghĩ mình sẽ đi đâu nhưng không thể tính được là khi nào sẽ đi vì rất bận, cứ sắp xếp được thời gian là lên đường”, cô nói.
Với bà mẹ trẻ này, du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là nghỉ dưỡng ở biển là sự lựa chọn số một. Bởi vì, mỗi lần đi du lịch là cả nhà có quãng thời gian được sống trọn vẹn cùng nhau, cùng trải nghiệm những điều mới mẻ. Nhờ đó, sau mỗi chuyến đi, tình cảm gia đình lại được gắn kết hơn và tinh thần cũng trở nên thư thái, thoải mái hơn.
Với Nguyễn Nhất Hạnh, nữ kế toán làm việc ở TPHCM, du lịch là để tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, cuộc sống... ở những vùng đất lạ. Cô gái trẻ này mê du lịch khám phá, thích đến những nơi mới được khai thác du lịch còn ít du khách và còn đặc biệt thích loại hình du lịch mạo hiểm.
Hạnh còn thích những tour mạo hiểm “nặng đô” hơn là tour khám phá hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) nhưng do tour này có chi phí cao, khoảng 3.000 đô la Mỹ/người nên cần phải chuẩn bị kỹ về thể lực và chi phí. “Tôi sẽ đi theo từng cấp độ. Trước hết là Tú Làn, kế đến là khám phá Hang Én, cũng ở Quảng Bình rồi mới tính tiếp”, cô nói.
Thị trường khổng lồ
Nhiều doanh nghiệp cho biết thị trường trong nước, gồm khách đi du lịch nội địa và đi tour ra nước ngoài ngày càng tăng trưởng cao, chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược kinh doanh. Nhiều công ty ghi nhận mức tăng trưởng trên hai con số mỗi năm.
Du khách trong nước không chỉ đi nhiều hơn, chịu chi tiêu nhiều hơn mà còn tiếp cận rất nhanh với các xu hướng du lịch mới, giúp đơn vị cung cấp dịch vụ thuận tiện hơn khi thực hiện các chương trình tiếp thị sản phẩm.
Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, thị trường 100 triệu dân với thu nhập của người dân ngày càng tăng cao như Việt Nam hấp dẫn không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà còn với giới kinh doanh du lịch nước ngoài.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, vào năm ngoái, lượng khách nội địa đạt đến 85 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2018. Còn theo Công ty Tư vấn Outbox Consulting, vào năm 2018, người Việt đã thực hiện 8,6 triệu chuyến đi du lịch ra nước ngoài. Trong khi đó, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, vào năm 2018, có gần 10 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài. Thị trường tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân 20% mỗi năm trong suốt nhiều năm qua.
Những xu hướng mới
Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, với khách trong nước, tour du lịch trọn gói vẫn được bán khá tốt nhưng xu hướng du lịch tự túc được lựa chọn ngày càng nhiều, không chỉ từ khách hàng trẻ tuổi mà còn từ tầng lớp trung niên, những người cũng thích tự sắp xếp chuyến đi.
Trong các sản phẩm của ngành, du lịch biển vẫn là loại hình thu hút được nhiều du khách nhất. Các tour khám phá di sản, thắng cảnh kết hợp sự trải nghiệm văn hóa, ẩm thực địa phương cũng thu hút khách. Tour mạo hiểm, team-buiding cũng đang trên đà phát triển với một số doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm này... Tuy nhiên, thị trường cũng đang dần hình thành một số xu hướng và sản phẩm mới.
Theo bà Camellia Dinh, Giám đốc bán hàng TUI Blue Resort Nam Hội An – một resort sắp mở cửa ở bãi biển Tam Tiến, nam Hội An – xu hướng du lịch kết hợp chăm sóc, rèn luyện sức khỏe sẽ thu hút nhiều khách du lịch. Với xu hướng này, du khách ngoài việc đến các phòng tập thể hình, hồ bơi hay sân tennis của resort để tập luyện còn đòi hỏi được những huấn luyện viên chuyên nghiệp hướng dẫn cách tập luyện.
Một xu hướng khác cũng được nhiều người nhắc đến du lịch cá nhân hay còn được gọi là du lịch một mình (solo travel). Đây là kiểu du lịch giúp du khách có thể tự đưa ra quyết định về chuyến đi và chọn dùng các dịch vụ cũng như hoạt động tại điểm đến hướng tới các sự trải nghiệm cá nhân.A
Ông Đặng Mạnh Phương, CEO Công ty Tư vấn Outbox: Gia đình dành phần lớn chi tiêu cho du lịch"Nền kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao trong những thập kỷ gần đây đã thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc khách hàng trung lưu, là những khách hàng quan trọng của ngành du lịch. Đây là những người có thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, có thu nhập ổn định, điều kiện sống tốt và đặc biệt là có nhu cầu du lịch nghỉ ngơi để cân bằng cuộc sống trước áp lực công việc.Với mức thu nhập ổn định, chi phí cho du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài trở thành phần chi tiêu lớn của gia đình người Việt. Theo số liệu khảo sát của chúng tôi, mức chi tiêu bình quân của mỗi người Việt ra nước ngoài là 5-10 triệu đồng. Khách đi tour trọn gói chi từ 10-20 triệu đồng. Những người đi các tuyến du lịch gần chi trung bình dưới 10 triệu đồng nhưng đi xa hơn, đến Mỹ, châu Âu có thể chi từ 60-100 triệu đồng cho mỗi chuyến đi.Với mảng du lịch nội địa cũng vậy, lượng khách đang tăng trưởng rất nhanh, chi tiêu cũng cao hơn khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch quyết định đầu tư mạnh tay hơn để thu hút lượng khách hàng quan trọng này".
Minh Duy