Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đang tính kế sinh nhai để có thể tiếp tục sống với nghề khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Bên cạnh đó, họ vẫn đang mong chờ sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ.
Bán rau sạch, cà phê… để giữ khách sạn
Bà Phạm Thị Hải Nguyên, tên thường gọi là Jenny Phạm, đang tìm các phương án kinh doanh khác trong cũng như sau mùa dịch trong bối cảnh resort của bà tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam phải tạm ngừng đón khách.
“Bây giờ khởi nghiệp cũng không đơn giản, thậm chí còn rủi ro hơn là nghỉ ngơi và đợi dịch qua để tiếp tục kinh doanh. Mảng kinh doanh khách sạn chỉ tạm thời khó khăn và vẫn còn tiềm năng lớn khi dịch qua”, bà Jenny nói khi hỏi về khả năng tạm ngừng kinh doanh khách sạn vì khó khăn. Bà chia sẻ thêm rằng đang bàn với một số doanh nhân tại Quảng Nam tìm hướng hợp tác bán nông sản sạch, thực phẩm hữu cơ online.
Một “siêu thị online” dưới hình thức trang thương mại điện tử, kết nối người trồng rau sạch, doanh nghiệp và người mua sẽ là một hướng đi dễ làm, an toàn và có thể làm song song khi khách sạn mở cửa hoạt động trở lại, bà chủ Sea’ Lavie Resort đưa ví dụ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Indochina Unique Tourist – đơn vị kinh doanh hệ thống lữ hành và lưu trú – chia sẻ chắc chắn chỉ khi nào du lịch quốc tế phục hồi thì công ty ông mới bắt đầu kích hoạt lại các hoạt động và đàm phán với ngân hàng để vay các gói ngắn hạn làm vốn lưu động.
“Tuy nhiên với diễn biến khó lường của dịch có thể phát sinh nhiều đợt dịch mới trong tương lai. Cho dù có vaccine cũng chưa chắc an toàn ổn định như trước đây. Vì vậy, chúng tôi sẽ cẩn thận hơn trong các hoạt động triển khai du lịch trong tương lai”, ông Thủy nói.
Ông chia sẻ thêm để tạo động lực cho chính mình và tạo cơ hội việc làm cho nhân viên, ông đang tính một số phương án kinh doanh. Một trong số đó là tạm chuyển hướng đầu tư hệ thống cửa hàng cà phê để phục vụ khách nội địa khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát.
“Rất may mắn, hệ thống khách sạn chúng tôi ít vay vốn lớn ngân hàng trong dịp này. Vì vậy, chúng tôi đang cầm cự được trong thời gian này,” ông Thủy nói và chia sẻ thêm trong đợt này nhiều khách sạn sẽ bán tháo nếu dư nợ vay ngân hàng còn lớn.
Có quan điểm giống với bà Jenny và ông Thủy, ông Lê Quốc Việt, chủ khách sạn Santa Sea Hội An Villa, chia sẻ thêm mỗi khách sạn là một đứa con tinh thần với người làm nghề, yêu nghề. Ông sẽ chỉ bán hoặc ngừng kinh doanh khi không thể cầm cự được nữa.
Tuy nhiên, không phải khách sạn, doanh nghiệp nào cũng có may mắn như ông, nhất là với những khách sạn đầu tư từ nhà đi thuê hay phải vay vốn tín dụng đen với lãi suất cao. Rất nhiều khách sạn đã phải rao nhượng, bán, đóng cửa.
Cũng có những đơn vị muốn mua, đầu tư lúc này, nhưng họ chỉ chọn những khách sạn tiềm năng, đắc địa và bán với giá rất thấp so với thị trường nên thực sự cơ hội mua và bán thành công không nhiều.
Trông chờ gói hỗ trợ tài chính
“Vì vậy, hiện tôi cũng như một số đồng nghiệp duy trì được nhờ những mảng hoạt động khác để tránh bỏ trứng vào một giỏ”, ông Việt nói và chia sẻ thêm bên cạnh tự thân vận động, ông cần được hỗ trợ từ Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện nay cái mà nhiều doanh nghiệp và bản thân ông còn yếu và thiếu là không nắm rõ các quy định, trình tự, thủ tục để được nhận hỗ trợ từ các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Và ông sẵn sàng bỏ những chi phí cho những dịch vụ trung gian, chuẩn bị hồ sơ để có thể được hỗ trợ và cứu doanh nghiệp mình lúc này.
Bà Jenny Phạm cũng có suy nghĩ tương tự khi cho rằng sẵn sàng đóng phí nếu có một đơn vị đủ uy tín hỗ trợ. “Đến nay, bản thân tôi cũng như một số doanh nghiệp bạn bè tôi quen biết chưa ai tiếp cận được những gói hỗ trợ này.
Trong khi đó, theo ý kiến của ông Thủy, phương án tìm kiếm công ty tư vấn cũng không khả thi và hiệu quả. “Chúng tôi chưa biết hiệu quả như thế nào mà còn có thể phát sinh thêm một phần chi phí thuê tư vấn trong khi tình hình tài chính còn đang khó khăn, nên mọi thứ đều phải cân nhắc kỹ”, ông Thủy nói.
Vị doanh nhân này cũng nói thêm ông đã liên hệ các cơ quan về bảo hiểm xã hội, lao động cũng như ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách, nhưng thủ tục rất khó khăn và khó đáp ứng.
“Vì vậy chúng tôi phải gói ghém các hoạt động của mình lại là chính. Khi nào du lịch quốc tế phục hồi thì chúng tôi mới bắt đầu kích hoạt lại các hoạt động và đàm phán với ngân hàng để vay các gói ngắn hạn làm vốn lưu động”, ông Thủy chia sẻ.
Được biết Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA) vừa gửi một bản kiến nghị đến các cơ quan trung ương liên quan, xúc tiến các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp thực sự tiếp cận với dòng tiền.
Theo kiến nghị này, từ nguồn quỹ còn lại của gói 62.000 tỉ đồng, Chính phủ cần sử dụng làm nguồn vốn vay cho những doanh nghiệp còn gắng gượng vận hành được tiếp cận với lãi suất 0% trong thời hạn 1 năm kể từ 1-10-2020 đến 30-9-2021 để doanh nghiệp chi trả lương để tái sản xuất và tái thiết lại hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện nay, một số cơ sở lưu trú phải thông báo tạm ngừng kinh doanh để giảm đóng thuế. Một số đơn vị lữ hành cũng phải đăng ký ngưng hoạt động để tạm rút về tiền ký quỹ trang trải cho hoạt động bảo quản thiết bị, trả tiền thuê văn phòng, và hỗ trợ nhân sự đang nghỉ ở nhà.Thông tin này được ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, chia sẻ với TBKTSG Online sau chuyến khảo sát do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức.
Ông thông tin thêm các cơ sở lưu trú và các điểm du lịch hiện nay có lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay.Tuy nhiên cũng có một số cơ sở lưu trú ven biển hay đầm phá, núi, suối thác vẫn cầm cự nhờ lượng khách trong tỉnh như khu Alba Thanh Tân, Yes Hue Eco Thác Mơ, Vedana, Laguna, Làng hành hương, Silk Path Grand Huế, Lapochine…Vào dịp lễ Quốc khánh sắp đến, những doanh nghiệp này đang cố gắng đưa các gói dịch vụ mới có tính kích cầu du khách nội tỉnh.
Nhân Tâm
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online