Theo Cục Lâm nghiệp, tính đến thời điểm này, tổng số lượng khách du lịch đến các khu rừng đặc dụng là 2,4 triệu lượt khách, tăng 124% so với năm 2019 - thời kỳ trước đại dịch Covid-19, tổng doanh thu tăng 175% so với năm 2019, báo Điện tử Chính phủ đưa tin.
- Biến lễ hội trở thành sản phẩm đặc trưng thu hút khách du lịch
- Đừng nghĩ du lịch xanh là chỉ đưa khách vào rừng
Dẫn tin từ Cục Lâm nghiệp, báo Điện tử Chính phủ cho biết cả nước có gần 2,4 triệu hec-ta rừng đặc dụng; 5,5 triệu hec-ta rừng phòng hộ. Trong đó có 67 ban quản lý khu rừng đặc dụng, phòng hộ có tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, chủ yếu là ở các khu rừng đặc dụng.
Cả nước đã thiết lập được hệ thống rừng đặc dụng với 167 khu và có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích rừng đặc dụng. Một số tỉnh có diện tích rừng đặc dụng lớn nhất là Đắk Lắk có trên 229.000 hec-ta, Nghệ An có gần 174.000 hec-ta, Quảng Bình có khoảng 146.000 hec-ta, Quảng Nam có trên 130.286 hec-ta, Đồng Nai có 102.828 hec-ta.
Năm 2023, các chủ rừng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học thường xuyên, liên tục nhằm đề xuất các giải pháp phát triển sinh vật bảo tồn đa dạng di truyền, đa dạng loài và hệ sinh thái.
Theo Cục Lâm nghiệp thống kê, năm 2023, tổng số lượng khách du lịch tại các khu rừng đặc dụng là 2,4 triệu lượt khách, tăng 124% so với năm 2019 - thời kỳ trước đại dịch; tổng doanh thu đạt trên 323 tỉ đồng, tăng 175% so với năm 2019.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ hiện vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Cụ thể, việc lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra ở một số khu rừng đặc dụng, phòng hộ mà chưa có các giải pháp hữu hiệu, chính sách đầu tư bảo vệ rừng đối với hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ còn một số bất cập, việc khai thác, phát huy các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái rừng còn nhiều hạn chế… Một trong những nhiệm vụ ngành lâm nghiệp đặt ra thời gian tới là tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Dẫn tin từ ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), báo Điện tử Chính phủ cho biết năm 2024 Cục Lâm nghiệp sẽ khôi phục 15% diện tích hệ sinh thái bị suy thoái; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở cơ sở; tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ triển khai…
Đặc biệt, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái trong môi trường rừng như dịch vụ môi trường rừng từ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; mở rộng các loại dịch vụ môi trường rừng từ hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nuôi trồng thủy sản... Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp sẽ tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Đồng thời, Cục Lâm nghiệp sẽ hoàn thiện các quy định của pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thực hiện hình thức hợp tác, liên kết, cho thuê môi trường rừng để tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…
Đăng Huy tổng hợp
Theo Báo Điện tử Chính phủ