(SGTTO) - Những ý kiến phản hồi của khách du lịch về dịch vụ từ vận chuyển, lưu trú, ẩm thực đến mua sắm hàng hóa… sẽ được Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý Thị trường phối hợp xử lý nhanh nhất, thông qua ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”.
- TPHCM: hàng trăm doanh nghiệp đăng ký thực thi các tiêu chí an toàn cho du khách
- Thị trường chờ đợi bộ quy tắc về du lịch an toàn
Sáng nay (30-10), Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý Thị trường đã ký kết văn bản hợp tác trong công tác đảm bảo quyền lợi của khách du lịch. Sự kiện được phát trực tuyến trên trang web của Tổng cục Du lịch.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, các ý kiến phản hồi của khách du lịch về các vấn đề liên quan đến dịch vụ, thương mại… trong suốt tour/tuyến cũng như tại các địa điểm du lịch sẽ được hai bên phối hợp xử lý trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường - cho biết, với hoạt động du lịch, khi thương mại điện tử phát triển, khách mua tour, tuyến thông qua các trang bán hàng trực tuyến (online) ngày càng tăng.
Cùng với đó, tình trạng khách mua tour trên internet nhưng không được nhận lại sản phẩm, dịch vụ không như mong muốn cũng ngày càng tăng. Nhiều khách du lịch nhận về dịch vụ kém chất lượng, không đúng như quảng cáo… nhưng không biết phản ánh đến đâu, hoặc phản ánh nhưng không đúng “kênh” nên không nhận được phản hồi hoặc phản hồi chậm.
Trong khi đó, đặc thù của ngành quản lý thị trường là khi có phản ánh về tiêu cực trong thương mại, cán bộ quản lý thị trường phải có mặt xử lý ngay lập tức. Nếu không vụ việc sẽ trôi qua và rất khó xử lý.
Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” thực hiện kết nối giữa ba đối tượng, gồm người đi du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường thông tin, phản hồi giữa các bên trong hoạt động liên quan đến ngành du lịch.
Đặc biệt, ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” được Tổng cục Du lịch chính thức ra mắt vào ngày 10-10-2020 vừa qua có điểm ưu việt nổi bật là khách du lịch và đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch có thể trực tiếp tương tác với nhau trên hệ thống để kiểm tra thông tin, mức độ an toàn theo các tiêu chí đã đăng ký và khách gửi đánh giá, nhận xét về dịch vụ.
Các ý kiến phản hồi của khách du lịch sẽ được Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Du lịch kiểm tra và xử lý theo quy trình, đảm bảo quyền lợi của khách.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng thông tin, từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, ngành du lịch rơi vào thế khó khan chồng chất. Hoạt động du lịch gần như tê liệt từ tháng 2-2020 đến nay.
Tuy vậy, trong thời gian phải “nghỉ dịch”, các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đã cho ra đời nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ số để tìm hướng phát triển cho ngành du lịch sau dịch bệnh. Ứng dụng công nghệ số là yếu tố sống còn của ngành du lịch hiện nay, khi mà phải vừa đối phó với dịch bệnh Covid-19 vừa phải tìm cách để tái khởi động hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, ngành du lịch cũng có liên quan mật thiết với các hoạt động thương mại, là phạm vi quản lý của cơ quan Quản lý Thị trường. Do đó, sự hợp tác giữa hai bên sẽ giúp đảm bảo được quyền lợi của khách du lịch, tạo cơ sở phát triển niềm tin của du khách khi đến với Việt Nam. Đây cũng là những nỗ lực để ngành du lịch tái khởi động sau khi dịch Covid-19 tạm thời được khống chế ở Việt Nam.
Việt Nam hiện là quốc gia được đánh giá là top 10 quốc gia có lượng khách quốc tế đến. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Ông Khánh cũng cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đón xấp xỉ 3,7 triệu khách du lịch quốc tế. Lượng khách nội địa cũng chỉ đón được 43,5 triệu lượt khách, giảm 74% so với cùng kỳ 2019. Tổng doanh thu toàn ngành giảm 48% so với cùng kỳ.
Hàng triệu lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc tạm thời hoặc buộc phải thôi việc. Việc phát triển các ứng dụng trên nền tảng số được kỳ vọng giúp ngành du lịch sớm phục hồi sau dịch Covid-19.
Nam Bình