(SGTT) - Hưởng ứng đề án trồng 1 tỉ cây xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã tổ chức chương trình "Việt Nam xanh hơn" nhằm kết nối nguồn lực để trồng rừng tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn ở Việt Nam.
- Sôi động hoạt động trồng rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên
- Du lịch giữa mùa dịch: Cắm trại bên bờ hồ Bà Hào trong rừng Mã Đà, Đồng Nai
Trong 10 tháng đầu năm 2023, với sự góp sức của 35 doanh nghiệp, tổ chức và 1.268 cá nhân, Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trồng được 64.370 cây, phủ xanh 76,41ha trên 5 khu rừng. Ngoài ra, các đơn vị và tình nguyện viên còn trồng 70ha rừng Cà Mau với ước tính tái sinh được 350.000 cây mắm trắng.
Mới đây, chương trình "Việt Nam xanh hơn" đã được tổ chức tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai với sự tham gia của hơn 100 đại diện đến từ 33 doanh nghiệp quan tâm đến phát triển bền vững, Cục Lâm nghiệp, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các cơ quan thông tấn báo chí.
“Đồng hành cùng chương trình, đại diện các doanh nghiệp được trực tiếp đến thăm các khu rừng đã được triển khai trồng mới và tham gia tọa đàm giữa rừng xanh. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp có thêm những thông tin thực tế về các chương trình trồng rừng, cập nhật về đề án 1 tỉ cây xanh của Chính phủ, thị trường carbon tại Việt Nam”, ông Nguyễn Nam Sơn, đại diện Cục Lâm nghiệp, chia sẻ.
Ngoài ra chương trình còn tổ chức tọa đàm “Kiến tạo doanh nghiệp bền vững, hạnh phúc” với sự tham dự của đại diện Công ty Saitex và Onsemi - hai tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực may mặc và công nghệ lấy bền vững là cốt lõi. Tại chương trình người tham dự cũng tìm hiểu thêm về hoạt động kết nối nhân viên và trải nghiệm tắm rừng, kết nối với rừng.
Cùng với các hoạt động trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên, Gaia còn triển khai các hợp phần về sống xanh và giảm thiểu rác thải nhựa, các chương trình kết nối cộng đồng và những tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ vườn quốc gia và khu bảo tồn, cũng như tham gia các chương trình tọa đàm, chia sẻ, triển lãm. Những chương trình này đã giúp người tham gia nâng cao hiểu biết và củng cố tình yêu với thiên nhiên, hành động vì môi trường.
Bà Huyền Đỗ, Nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia, cho biết: “Trong mùa mưa năm nay, hàng loạt vụ sạt lở, ngập lụt nghiêm trọng đã và đang diễn ra ở khu vực miền Trung và miền Bắc. Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm hơn mọi năm, cụ thể là vào tháng 12 năm nay do ảnh hưởng của hiệu ứng El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu.
Tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, việc trồng phục hồi rừng tự nhiên mang tính khẩn cấp và sống còn. Các khu rừng có tác dụng như lá chắn gió, bão, điều tiết nước, giữ đất… giúp hạn chế thiệt hại do thiên tai cũng như hấp thụ khí thải nhà kính ứng phó biến đổi khí hậu."
Xã hội hóa trồng rừng là giải pháp chiến lược để đẩy nhanh tốc độ trồng rừng cũng như tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên. Đó cũng chính là lý do, Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức các chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống, phục hồi rừng nghèo kiệt, trải nghiệm thiên nhiên, các chương trình truyền thông lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tầm quan trọng, ý nghĩa của hoạt động trồng rừng.
Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa chương trình “Trồng và giám sát rừng” tại các khu rừng đặc dụng đầu nguồn ở Việt Nam, đặc biệt là tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Bến En, Mũi Cà Mau, Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu, Phong Điền, Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.
Cùng với đó, đơn vị sẽ tiếp tục phát triển thêm các chương trình dọn rác bờ biển, truyền thông nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng, góp phần kiến tạo một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn.
Đinh Nam