Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Kênh bán hàng online giảm dần vị thế với tiểu thương chợ truyền thống

(SGTT) - Bán hàng trên mạng hay qua các sàn thương mại điện tử từng là xu hướng được ưa chuộng trong thời dịch Covid -19. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại các tiểu thương dường như không còn “mặn mà” nữa.

Tại TPHCM, từ sau Tết Nguyên Đán 2022, hoạt động giao thương mua bán trực tiếp tại các khu chợ truyền thống dần sôi động trở lại, bắt kịp nhu cầu tiêu dùng tăng cao khi kinh tế trở lại với nhịp hoạt động bình thương. Hình thức “chợ online” giờ đây dần nhường lại vị trí cho “chợ truyền thống” hồi sinh.

“Chợ online” dần vắng khách

Câu chuyện bán hàng online đã có từ lâu nhưng phải đến năm 2021 mới thực sự bùng nổ và tạo nên cơn sốt trên thị trường khi đại dịch bùng phát, mọi người phải ở nhà nhiều hơn khiến các kênh bán hàng online, các sàn thương mại điện tử ra sức đẩy mạnh chiến lược bán hàng qua ứng dụng (app). Theo kết quả khảo sát trong Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020.

Quang cảnh chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) trong những ngày cuối tháng 7-2022. Ảnh: Lê Hằng

Bước sang năm 2022, dịch bệnh cơ bản đã được đẩy lùi, đời sống sinh hoạt dần trở về bình thường kéo theo đó nhu cầu mua sắm trên các kênh online dần suy giảm, các chợ truyền thống nhanh chóng lấy lại vị thế trong việc cung ứng hàng hoá phục vụ người dân. Ghi nhận tại chợ Bến Thành, một trong những khu chợ sầm uất nhất thành phố, sau công văn TPHCM “mở cửa du lịch” từ ngày 15-3-2022, các tiểu thương nhanh chóng bám chợ trở lại.

Chị Đặng Thị Viễn (32 tuổi), tiểu thương chợ cho hay “Hồi trước trong dịch, mình có bán hàng trên các app như Shopee, Zalo, Facebook nhưng không khả quan. Mỗi ngày chỉ bán được 5-6 đơn hàng không đủ hồi vốn trong khi sạp tại chợ một tháng phải cọc duy trì 10 triệu. Bây giờ, mình ngừng bán hàng online hẳn chỉ tập trung bán tại chợ”.

Hỏi về nguyên nhân tại sao các tiểu thương lần lượt ngưng bán hàng online, chị Kim Hoa (47 tuổi), chủ sạp trái cây chợ Hoà Hưng (quận 10, TPHCM) tâm sự, không phải ai cũng rành công nghệ để có thể kinh doanh trên các app bán hàng, từ sau dịch giá thực phẩm gia tăng trong khi mỗi đơn hàng đều có phí chiết khấu từ 2-5% dẫn tới lợi nhuận thu về không cao. Ngoài ra, người mua hàng thường có tâm lý thích mua trực tiếp để lựa chọn hơn, nhất là đối với những mặt hàng tươi sống như trái cây, rau củ, thịt, hải sản, chị Hoa nói.

Phương thức bán hàng truyền thống tại chỗ hiện vẫn là sự lựa chọn tối ưu của tiểu thương. Ảnh: Lê Hằng

Trao đổi nhanh với Sài Gòn Tiếp Thị chiều 21-7, ông Nguyễn Vĩnh Hà, Đội trưởng Đội nghiệp vụ chợ Bến Thành, đánh giá, hiện nay thương nhân ngoài việc kinh doanh trực tiếp tại chợ thì tham gia các kênh mua sắm cá nhân như zalo, facebook hoặc các trang bán và giao hàng qua shipper như Grab, Gojek... Ban quản lý đã được triển khai về app bán hàng trực tuyến Utop (do FPT phát triển), tuy nhiên hiện hình thức này không phù hợp với chợ do chợ kinh doanh, giao dịch chủ yếu với khách du lịch, các ngành hàng thực phẩm thiết yếu như thủy hải sản, rau củ quả chỉ kinh doanh một buổi, nên không triển khai app bán online được.

Chị Hà Anh, chủ tiệm bán bánh kẹo chợ Long Thạnh Mỹ (TP. Thủ Đức), tâm sự “Mình bán hàng qua app và bán trực tiếp giá ngang nhau, nhưng nếu khách hàng đặt đơn cách chợ từ 2-5km tuỳ app thì khách phải trả thêm phí. Do vậy, khi cần đặt số lượng lớn khách mới chọn đặt online thay vì ra chợ mua”.

Anh Hùng, một tiểu thương bán rau củ lâu năm tại chợ Tân Bình, kể lại trong dịch anh bán hàng được rất đắt, mỗi ngày có thể bán được 30-40 đơn hàng rau củ các loại. Khách hàng dễ tính thì không sao nhưng đôi khi có những khách hàng khó tính, họ không được tự chọn dẫn tới khi nhận hàng không hài lòng, rồi sai sót đơn cho khách vì không thể kiểm soát hết. Nhiều vấn đề phát sinh qua các kênh bán hàng online nên sau dịch anh cũng ngừng hẳn. 

Bên cạnh các chợ truyền thống, hệ thống tạp hoá cũng tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng để làm giảm áp lực cho các siêu thị, chợ bị quá tải. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến tháng 7-2021, trên địa bàn TPHCM có khoảng 40.000 cửa hàng tạp hóa. Để tận dụng mạng lưới phủ sóng sâu rộng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh chuyển đổi số (DTS), do Chuỗi tạp hóa Cam và IM Group triển khai đã cho ra đời dự án Tạp hoá số. Tuy nhiên, quá trình hoạt động còn nhiều bất cập, kênh online Tạp hoá số chưa nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người kinh doanh.

Một góc quầy tạp hoá trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP.Thủ Đức). Ảnh: Lê Hằng

Anh Vũ Quốc Hùng (30 tuổi), chủ tiệm tạp hoá trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP. Thủ Đức, cho biết “Mình rất khó để nắm bắt tình hình chung cũng như có những bất cập trong khâu đăng ký kênh bán hàng qua app. Trong khi đó lượt khách qua app ít hơn rất nhiều so với khách đến mua trực tiếp tại cửa hàng”.

Chợ truyền thống đang hồi sinh

Theo số liệu thống kê của Ban quản lý chợ Bến Thành, mỗi ngày có khoảng 1.400 – 1.600 lượt khách đến tham quan và mua sắm. Trong đó, với tổng số sạp được thiết kế là 1.485 sạp thì có 1.282 sạp đang duy trì hoạt động, chiếm 86,33%.

Ông Nguyễn Vĩnh Hà, Đội trưởng Đội nghiệp vụ chợ Bến Thành cho biết thêm, tình hình kinh doanh khả quan bắt đầu từ dịp lễ 30/4 và kéo dài đến nay do Ban quản lý đã vận động thương nhân thực hiện "Tháng bán hàng khuyến mãi " (tháng 5), Chương trình Mùa mua sắm - Shopping Season (15-6 đến 15-7) giảm giá từ 5 -30%, bán hàng kèm quà tặng để kích cầu mua sắm; vận động thương nhân kéo dài thời gian bán hàng đến 21:00, cho phép hai bãi giữ xe khách nên lượng khách đến chợ tăng hơn quí 1 khoảng 40%. So với trước dịch đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Chợ truyền thống bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau dịch. Ảnh: Lê Hằng

Chị Thảo (38 tuổi), kinh doanh các loại trái cây đã hơn 10 năm tại chợ Xóm Chiếu (quận 4, TPHCM), không giấu được vẻ vui mừng “So với trước dịch tuy chưa bình thường được như cũ nhưng nhìn chung tình hình khả quan, lượng khách mua hàng tại quầy đông hơn hẳn”.

Dịch Covid-19 vừa qua làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mua ở các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Nhiều sạp, quầy hàng vẫn chưa mở lại đầy đủ như thời gian trước đây tuy nhiên cho đến nay thì tín hiệu phục hồi đã dần rõ nét hơn.

Nhiều sạp hàng phải đóng cửa vì dịch Covid vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại. Ảnh: Lê Hằng

Mặc dù giảm vị thế nhưng bán hàng online vẫn là một kênh bán hàng các tiểu thương vẫn tiếp tục duy trì để phần nào gia tăng doanh số trong thời đại công nghệ số và dịch bệnh vẫn chưa thực sự được kiểm soát hoàn toàn.

Lê Hằng 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân thận trọng...

0
(SGTT) - Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên thận trọng khi thực hiện giao...

Nhiều người Việt mua hàng online qua đề xuất của AI

0
(SGTT) - Có đến 88% người tham gia khảo sát ở Đông Nam Á gồm cả người Việt Nam đưa ra quyết định mua...

TPHCM: Tiểu thương dự báo hoa tươi sẽ tăng giá mạnh...

0
(SGTT) - Cận kề ngày rằm tháng Bảy âm lịch (Lễ Vu lan), hoa tươi tại các chợ đã có sự biến động về...

TPHCM: Giá rau củ về chợ ‘hạ nhiệt’ nhưng vẫn còn...

0
(SGTT) - Một số loại rau củ tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM) và các chợ truyền thống đã có xu...

TPHCM: Giá rau củ tăng mạnh vào đầu mùa mưa

0
(SGTT) - Trong những ngày gần đây, giá rau xanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM tăng nhanh so với cách...

Thương mại điện tử và nỗi lo 800.000 tấn rác thải...

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây và dự báo còn...

Kết nối