(SGTT) – “Những khoảnh khắc sinh tử, chỉ cần một sai sót cũng có thể khiến tôi không quay về được. Tôi đã bị mất phương hướng đi lạc vào dòng sông băng, bị ảo giác, không đồ ăn, không nước uống, trong khoảnh khắc gần như kiệt sức…”, anh Phan Quốc nhớ lại kể.
- Blogger du lịch rủ bạn về Trà Vinh để quảng bá hình ảnh quê nhà
- Blogger Hà là lạ: hành trình từ kiến trúc sư đến người kể chuyện du lịch
- Mùa giãn cách, vòng quanh thế giới tìm hiểu bữa sáng tại 7 quốc gia
Đam mê “xê dịch” từ bên trong
Đang dừng chân ngay tâm bão chính trị ở Sri Lanka, anh Phan Quốc, 29 tuổi ở TPHCM, hiện tại đang là một lập trình viên cho công ty ở nước ngoài chia sẻ về hành trình vòng quanh thế giới của mình bắt đầu từ tám năm trước.
Được nhiều người biết đến với tên gọi “Kẻ Du Mục”, anh Quốc cho hay mình đang thực hiện niềm say mê với công việc một travel blogger về nhiều điểm đến xinh đẹp. Anh kể ngay từ nhỏ, anh đã mơ ước sẽ đặt chân tới tất cả những nơi đẹp đẽ trên thế giới, những đại kỳ quan và sau khi học xong đại học, ra trường, anh cố gắng kiếm tiền và bắt đầu thực hiện hành trình vòng quanh thế giới của mình.
Tính đến nay, anh Quốc đã khám phá khoảng 30 quốc gia và hơn 50 tỉnh thành, anh quan niệm những con số không nói lên được điều gì mà chỉ có trải nghiệm ở mỗi vùng đất mới đem đến định nghĩa của một “Kẻ Du Mục” thực thụ.
Anh tâm sự: “Tôi nghĩ "xê dịch" không chỉ là việc mình di chuyển từ nơi này đến nơi khác mà còn là "xê dịch" những thứ từ sâu bên trong con người mình, càng ngày mình càng học hỏi được nhiều điều hay và cải thiện bản thân hơn qua những chuyến đi.
Tôi học được những văn hoá mới, lan toả văn hoá của dân tộc mình đến với những bạn bè khắp nơi trên thế giới, lan toả sự yêu thương và gắn kết mọi người không phân biệt dân tộc, văn hoá, tôn giáo, những sự hiểu biết sẽ không ở yên một chỗ mà càng ngày càng đi xa hơi, càng biết nhiều hơn”.
Anh cho hay để thực hiện những chuyến đi dài và đầu tư nhiều thời gian công sức, anh phải làm nhiều việc cùng một lúc. Mỗi chuyến đi, anh Quốc thường đi dài ngày và du lịch theo kiểu tiết kiệm nhất có thể chi phí cho mỗi hành trình.
“Đến với mỗi vùng đất, tôi hiểu được con người, văn hoá và cả điều kiện cơ sở hạ tầng, cách vận hành mỗi nơi đều khách nhau. Tôi luôn cảm giác kinh ngạc và thích thú mỗi khi đặt chân đến quốc gia khác. Với lợi thế là đi một mình, là con trai nên việc ăn ở đối với tôi dễ dàng và thoải mái hơn một tý, nhiều lúc tôi ngủ tại nhà kho, hay trạm xe bus, tàu, sân bay, hay tôi có thể ngủ ở bất cứ nơi đâu”.
Ngoài ra, anh cũng cho biết xin thị thực luôn là vấn đề lớn với những ai đam mê xê dịch nước ngoài, anh Quốc cũng không ngoại lệ. Anh tiết lộ mỗi quốc gia luôn có những chính sách riêng và cực kỳ phức tạp.
Ngoài việc mình phải trang bị những kiến thức về việc nhập cảnh vào mỗi nước mình muốn đi, mỗi người cần chuẩn bị những giấy tờ "mạnh" và có lịch sử du lịch tốt để đại sứ quán các nước thấy rõ được mục đích của mình là du lịch, đảm bảo tài chính, chắc chắn mình sẽ không vi phạm chính sách nhập cảnh của nước họ.
“Tuy vậy cũng rất nhiều lần tôi bị từ chối thị thực nhập cảnh với những lý do không thật sự rõ ràng, tôi cũng coi đấy là những kinh nghiệm quý báu cho việc xin thị thực các nước mình muốn đi sau này”, anh nói thêm.
Hành trình sinh mạng ở Everest
Mỗi quốc gia, anh Quốc cho hay mình thường ở lại khoảng hai tuần đến một tháng để khám phá. Mỗi địa điểm cụ thể sẽ không có tiêu chuẩn thời gian nào mà chỉ phụ thuộc vào cảm nhận của anh về nơi đó.
Anh nhấn mạnh nếu mình thấy đủ thì sẽ di chuyển đến nơi khác, còn nếu chưa đủ hoặc muốn cảm thụ nhiều hơn anh sẽ ở lại, có quốc gia anh đã ở đến tận ba tháng chỉ để thỏa mãn mọi giác quan của mình.
“Tuỳ vào thời gian công việc, nếu trong những ngày làm việc tôi sẽ chọn ban đêm để di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Vì múi giờ mỗi nơi khác nhau nên việc trải nghiệm của tôi cũng thoải mái hơn, tuy vậy thì thời gian ngủ sẽ hơi bị xáo trộn, nhưng may mắn hiện tại tôi đã thích nghi được với cách di chuyển và sinh hoạt như thế này”, anh bộc bạch.
Mỗi lần gặp gỡ một chặng đường mới, anh Phan Quốc luôn khắc ghi những kỷ niệm không thể nào quên ở hiện trường. Là người hiếm hoi chinh phục đỉnh Everest trong mùa “off-session”, anh Quốc vẫn nhớ như in một ngày mùa đông anh tự leo và đi một mình, giữa thời điểm tuyết phủ trắng xóa và xung quanh không có một ai.
“Giữa không gian rộng lớn toàn tuyết và núi đá trên độ cao hơn 5.000m, nhiệt độ -20 độ C, những khoảnh khắc sinh tử, chỉ cần một sai sót cũng có thể khiến tôi không quay về được, tôi đã bị mất phương hướng đi lạc vào dòng sông băng, bị ảo giác, không đồ ăn, không nước uống, trong khoảnh khắc gần như kiệt sức tôi đã thấy trạm dừng chân và vắt cạn hết sức còn lại để cố đến nhưng đến gần mới biết đấy là ảo giác”, anh bồi hồi kể lại.
Theo anh Quốc, đó là giây phút sóng điện thoại và định vị lúc có lúc không, vì là người Việt Nam, sống ở vùng nhiệt đới núi thấp nên khi lên độ cao 3.000-5.000m thì thể lực của anh Quốc chỉ còn khoảng 10% so với lúc ở đồng bằng. Cái lạnh lên đến -25 độ kèm theo gió và bão tuyết thất thường. “Tôi đã bị ốm nặng, không ăn, không ngủ dược làm cho hành trình leo thêm gian nan và may mắn cùng với sự kiên trì, tôi đã an toàn vượt qua và trở về”, anh xúc động kể.
Nhìn lại hành trình vòng quanh thế giới của mình khi tuổi đời còn khá trẻ, anh vui vẻ kể: “Đã nhiều năm trôi qua, những tháng ngày "lênh đênh" ở khắp mọi nơi trên thế giới, tôi đã gặp rất nhiều người bạn từ mọi quốc gia, mình hiểu thêm nhiều văn hoá, nhiều điều hay ho, càng đi mình thấy cuộc sống này thật sự thú vị, cuộc đời của mình càng trở nên ý nghĩa và mình đang tận hưởng cuộc sống vui vẻ mỗi ngày”.
Hiện tại, anh đang tập trung phát triển kênh Youtube Kẻ Du Mục, trong tương lai anh có dự định sẽ phát hành sách “Kẻ Du Mục” để giới thiệu đến mọi người về thế giới, những điều hay ho, hiểu biết của mình về các quốc gia qua cuốn sách mang dấu ấn riêng này.
An Phú