(SGTT) - Kể từ giữa tháng 3-2022, hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Hữu Đức bắt đầu bận rộn hơn với những đoàn khách đến từ Anh và Đức. Tình hình tài chính cá nhân được cải thiện, nụ cười của người đàn ông sinh năm 1974 rạng rỡ sau hơn hai năm Covid-19 đầy khắc nghiệt.
- Du khách Việt Nam có thể du lịch Malaysia và Singapore từ tháng 4-2022
- Hội An: Hình thành ngôi làng hạnh phúc theo hướng di sản gắn với du lịch
Gia đình đồng lòng vượt khó
Anh Đức chia tay đoàn khách inbound cuối cùng trước khi Covid-19 bùng phát vào giữa tháng 4-2020. Thời mới bùng phát dịch, anh và vợ quyết định chuyển hướng bán cà phê và nước ép trên xe máy dọc vỉa hè ở phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Sau nhiều lần bị lực lượng đô thị nhắc nhở, vợ chồng anh chuyển sang bán rau củ quả.
“Thu nhập thấp, chỉ dưới 200.000 đồng/ngày, khoản tiền này không đủ bù qua các chi phí sinh hoạt khác của gia đình trong khi tiền trọ mỗi tháng phải đóng là tầm sáu triệu”, anh thở dài nhớ lại giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Bị phong tỏa do dịch, rất ít người ra đường nên việc buôn bán bị bế tắc, hai vợ chồng nghĩ cách "lập chợ online" trên facebook để kiếm thêm thu nhập.
Sau hết đợt dịch thứ tư, anh Đức cùng vợ tiếp tục bán dừa, sinh tố ở cổng sau Đại học Ngân hàng để trang trải cuộc sống. Tuy xã hội đã bắt đầu mở cửa, nhưng ai nấy suy kiệt kinh tế. Gia đình anh cũng không ngoại lệ. Thậm chí một ngày hai vợ chồng không có nỗi 100.000 đồng. Anh quyết định đi phụ chăm sóc và chở cây kiểng dịp Tết để kiếm thêm thu nhập.
“Thay vì đợi chờ tiền trợ cấp cho hướng dẫn viên, tôi chỉ nghĩ mình còn làm được gì thì cứ làm để vợ con bớt khổ”, anh tâm sự.
Trong quá trình giãn cách xã hội, các con học online. Lúc này, cả nhà tiết kiệm được đôi chút nhưng khi hết giãn cách, anh phải cầm hai chiếc xe máy để có tiền trang trải.
Đầu tháng 3, nhiều trường cho phép học trực tiếp, anh cầm tiếp hai điện thoại của con để có tiền đóng học phí. Không có điện thoại để học tập, con trai và con gái của anh đi ra đi vào mặt tiu nghỉu nhưng cắn răng không dám hỏi ba mẹ khi nào điện thoại được chuộc về.
Chung tay vượt qua đại dịch
Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần "người có ít giúp ít", trước sự căng thẳng của đợt dịch thứ tư, hai vợ chồng anh bảo nhau nấu cơm từ thiện cho các chốt kiểm dịch ở phường.
Thấy được tấm lòng nhân ái của cả hai, đại diện phường có hỗ trợ gia đình anh nhu yếu phẩm và tiền để tiếp tục công việc ý nghĩa này cho đến khi hết giãn cách. Trong khi anh cùng vợ hướng đến những người bị cách ly, đội ngũ dân quân và y tế đang chống dịch, một số người cho rằng đó là việc bao đồng, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
"Trong hoàn cảnh ấy, ai cũng lo sợ cho tính mạng, sức khỏe vì chưa đến lượt tiêm vắc-xin nên tôi rất hiểu. Tuy nhiên, dầu khó khăn nhưng tôi và vợ vẫn cố gắng giúp một phần nhỏ để đất nước sớm vượt qua đại dịch", anh Đức nhớ lại.
Đều đặn mỗi ngày, hai vợ chồng thức dậy sớm, nấu 60 phần cơm cho mọi người. Thực phẩm và gạo được phường cung cấp.
Vất vả là thế, nhưng cả hai không sợ bị lây nhiễm. Anh còn mua giúp thuốc, dầu, sả, mì tôm, cháo gói… gửi vào cho những người bị F0 đang cách ly trong Đại học Quốc gia, Đại học Ngân hàng và Bệnh viện dã chiến số 6.
“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ họ là người thân của mình nên không do dự. Trong suốt giai đoạn dịch bắt đầu và bùng phát, cả gia đình tôi may mắn không ai bị F0. Bởi vậy, tôi nghĩ mình không có lý do để than thở và bảo vợ phụ giúp mọi người trong khả năng có thể", anh nói.
Luôn tin vào "nhân - quả"
Khi gia đình chị gái anh bị F0 và cách ly ở làng đại học, họ được người khác giúp đỡ theo cùng một cách. Anh nghiệm ra sự giúp đỡ tận tâm đến từ nhiều hình thức chứ không chỉ là cho tiền. Người đàn ông đã hơn tứ tuần ấy luôn tin vào nhân quả. “Tôi may mắn vì có một người vợ đồng cam cộng khổ. Nhìn vợ vất vả chặt từng trái dừa hay pha từng ly cà phê, tôi xót lắm", anh kể.
Đầu năm 2000, từ Nha Trang, anh vào Sài Gòn lập nghiệp bằng chiếc cúp “cánh én” kèm một ít tiền lận lưng làm lộ phí. Anh trải qua rất nhiều nghề. Có giai đoạn anh làm bồi bàn ở một bar nhỏ tại khu phố Tây, nhờ lanh lẹ chăm chỉ, anh được chủ quán cất nhắc lên làm quản lý.
Thời gian này, có cơ hội tiếp xúc với những người làm du lịch, cộng với vốn ngoại ngữ từ đại học, anh bắt đầu đọc sách tìm hiểu nhiều hơn về các tuyến tour, điểm tham quan. Từ đó đến nay đã 15 năm, anh Nguyễn Hữu Đức vẫn miệt mài say sưa với những bài thuyết minh cho các đoàn khách đến từ nhiều quốc gia.
Từ giữa tháng 3-2022, anh bận rộn hơn với những đoàn khách lẻ đến từ Anh và Đức. Tình hình tài chính được cải thiện, anh cảm thấy lạc quan hơn vì luôn có niềm tin với nghề mình đã chọn. Không ít lần, anh nhấn mạnh mình đang được "hồi sinh".
Qua lời của một hướng dẫn viên 15 năm kinh nghiệm, nhiều khách nước ngoài khá ngạc nhiên vì Việt Nam vẫn tươi đẹp sau dịch bệnh, ăn uống đi lại bình thường, quá trình kiểm soát dịch tốt hơn họ nghĩ.
Du khách trong đoàn của anh thoải mái tham quan dinh Độc Lập khi không có yêu cầu đo nhiệt độ và quét mã QR PC-Covid. Tuy nhiên, khi đến các điểm du lịch địa phương thì đây là yêu cầu bắt buộc với người nước ngoài.
Hiện tại, bên cạnh niềm vui được hành nghề trở lại là hai con ngoan ngoãn, học giỏi. Ngoài giờ học, con anh còn nhận giữ trẻ để kiếm thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ. So với những ngày lao đao vì dịch bệnh, cả gia đình anh Đức nay được ăn những bữa cơm ngon, đầy đủ hơn. Trong lòng anh chỉ mong có thêm nhiều tour, được trở lại với nghề và cải thiện thu nhập.
Thanh Thu