Y Nguyên -
Mẹ sớm góa bụa, đem con về nương náu với ngoại. Tuổi thơ tôi gắn bó nhiều cùng quê ngoại. Ký ức trong tôi về ngôi nhà cũ của ngoại dưới quê luôn thấp thoáng bóng vườn cau trước cửa. Cau do chính tay ngoại trồng, đứng hàng thẳng tắp như duyệt binh, như tấm bình phong án ngữ trước nhà, tạo thành cái thế phong thủy “trước cau sau chuối” giữ yên lành cho ngôi nhà ngói cổ năm gian, cho các thế hệ cháu con nối tiếp sinh ra và lớn lên dưới mái nhà của ngoại.
Trời sinh dáng dấp những cây cau thật kỳ lạ. Cùng họ với dừa nhưng cây dừa có thể “nghiêng nghiêng soi bóng” còn cau thì không! Nhỏ có bẻ vẹo thì lớn lên cau vẫn cứ vươn mình thẳng tắp, trực chỉ trời xanh. Chênh vênh cạnh bờ ao, bờ hồ cau vẫn cứ luôn thẳng tắp. Thế đứng khí khái, hiên ngang như người thẳng ngay không chịu vào luồn ra cúi; nhẫn nại, nghiêm trang như người lính đứng trong hàng ngũ, toàn ý toàn tâm cho việc giữ yên bờ cõi nước nhà. Nghiêm trang; vậy nhưng không cứng nhắc: dáng cau dịu dàng nhờ chiếc thân mảnh mai cao vọi, nhờ tán lá rủ mềm hệt chòm tóc xanh rũ rượi, xùm xòa.
Ngày nhỏ tôi mê leo cau. Thân cau nhỏ, vừa vòng ôm với trẻ con. Đốt thân ngắn, đều đặn, dễ dàng cho tay đu chân bám. Bắt chước người lớn tay ôm chân đạp, cứ vậy phong phóc trèo lên; mệt thì từ từ tụt xuống nghỉ lấy hơi. Nhẫn nại ngày qua ngày rồi cũng đến lúc đủ sức leo một hơi thẳng tới đọt cau mà không cần nghỉ. Sung sướng hệt như người leo núi chinh phục được đỉnh núi cao. Vậy nhưng chỉ dám reo thầm, cho kẹo cũng không dám công bố “chiến tích” vì mẹ mà nghe được chỉ có… chết đòn!
Mỗi bận cau trổ buồng nhiều đến cữ dầy dầy (không non không già), ngoại lại kêu người buôn cau vào bán. Cây cau “bán đứng”, tức ngã giá xong, người mua tự leo bẻ buồng; người bán chỉ đứng coi và đếm. Nhìn những người mua cau thoăn thoắt trèo lên đọt cau, nhún mình “bay” từ ngọn cau này sang ngọn cau khác, thú thật, tôi khoái mê tơi. Tôi ước chi mai mốt lớn lên mình cũng làm nghề… buôn cau, có dịp thi thố “ngón nghề” trèo cau vừa học lén xong cho đã. Chao ôi là dễ thương cái ngây ngô của tuổi thơ; cái ngây ngô sẽ không bao giờ còn cơ may tìm lại, bởi ấu thơ ai cũng chỉ có một thời.
Đất lành, cau liên tục trổ buồng, quanh năm kết trái. Ngoại bán phần lớn, còn dành lại ít, bổ lấy ruột phơi khô để ăn trầu. Mùa hè, những chiếc mo cau được mẹ cắt, ép, phơi khô làm quạt mát. Bà dùng mo cau tươi gói cơm, dỡ cơm ra đồng cho ông những hôm ông lỡ buổi cày bừa. Chiếc mo sạch sẽ, thoang thoảng mùi hương cây hương lá khiến vắt cơm dỡ ép chặt dường thơm ngon hơn. Chẳng vậy mà tôi luôn nằng nặc đòi theo ra đồng để được cùng ông “ăn cơm dỡ”. Tàu cau khô rớt xuống, mẹ lượm, đem bó thành chiếc chổi cau xinh xinh dùng quét sân, quét ngõ. Nhiều hơn thì làm củi đốt. Quanh năm không cần chăm bón, tưới tắm vườn cau vẫn nhẫn nại cho trái, cho mo, cho củi đốt đều đều.
Vậy nhưng, cái ám ảnh nhất với tôi nơi vườn cau quê ngoại chính là hương. Nồng nàn hương mỗi độ xuân hè hoa cau nở rộ. Đẫm hương mỗi sáng tinh mơ cũng như mỗi hoàng hôn buông xuống. Hương cau vương nhẹ cả ngày dài trong từng sợi nắng hè gay gắt. Và đêm xuống, trăng lên, dường như ánh trăng xanh cũng ngọt lịm hương cau. Tinh tế, chừng mực, bí ẩn là hương cau. Một buồng hoa cau nở đã đủ nghe thoang thoảng mùi hương; nhưng cả một vườn hoa cau đua nở dẫu cho có nồng nàn hơn thì vẫn cái nồng nàn dịu nhẹ, thanh lịch, kiềm chế, không “gây sốc” giác quan người!
Những đêm hè ấu thơ nằm ôm ngoại trên chiếc chõng tre đặt mé sân, ngửa người ngắm ánh trăng xanh, nghe hương cau dịu thoảng, len theo từng hơi gió nhẹ và thiếp đi trong lời kể chuyện trầm trầm hay tiếng hát ru đằm thắm – đã âm thầm nuôi lớn hồn tôi để mai sau dù có đi đâu về đâu tôi vẫn không quên vườn cau quê ngoại, khôn nguôi nỗi ám ảnh một đời ngan ngát hương cau.