Tuần tới, đại diện của khoảng 300 hãng hàng không sẽ quy tụ về Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Chương trình nghị sự trọng tâm của hội nghị là tình trạng thiếu máy bay và chuỗi cung ứng ách tắc do đà phục hồi bùng nổ của du lịch hàng không cũng như phương án hành động để thực hiện các cam kết khí hậu.
- Hàng không sẽ thực hiện định danh và xác thực điện tử
- Giá vé máy bay đắt hơn khi ngành hàng không chuyển sang nhiên liệu bền vững
Sau khi các hãng hàng không toàn cầu chịu khoản lỗ lũy kế 190 tỉ đô la Mỹ và các khoản nợ gia tăng trong đại dịch Covid-19, hội nghị của IATA ở Istanbul đánh dấu một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp trị giá 800 tỉ đô la, dự kiến sẽ có lãi trở lại trong năm nay.
Căng thẳng toàn cầu bao gồm chiến tranh ở Ukraine và bất ổn kinh tế cho đến nay tác động rất ít đến cơn sốt vé máy bay ở nhiều thị trường. Các chuyên gia nhận định, đà phục hồi nhu cầu đi lại hàng không kéo dài hơn dự kiến do với nhu cầu “du lịch trả thù” sau thời kỳ phong tỏa Covid-19.
“Nhu cầu du lịch đang bùng nổ không chỉ vì mọi người giải tỏa nhu cầu bị dồn nén sau ba năm đại dịch mà còn xem du lịch và trải nghiệm là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, giá vé máy bay tiếp tục cao ngất ngưỡng”, chuyên gia du lịch Paul Charles, người sáng lập hãng tư vấn The PC Agency nói.
IATA dự báo ngành hàng không toàn cầu sẽ lãi 4,7 tỉ đô la trong năm 2023 so với mức khoản lỗ 6,9 tỉ đô la năm ngoái.
Tổ chức này ghi nhận nhu cầu du lịch hàng không nội địa trên toàn cầu đã phục hồi trở về mức trước đại dịch. Tổng lưu lượng hành khách đi máy bay tuyến nội địa trên toàn cầu tăng trong tháng 4 tăng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 2,9% so với tháng 4-2019.
Cũng trong tháng 4, nhu cầu hành khách đi máy bay toàn cầu tăng gần 46% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức 90,5% so với trước đại dịch, với hệ số sử dụng ghế của ngành là khoảng 81,3%, chỉ thấp hơn 1,8 điểm phần trăm so với con số trước đại dịch.
Dù nhu cầu du lịch mùa hè đang mạnh mẽ nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng rủi ro vẫn còn. Trao đổi với Reuters, Aengus Kelly, CEO của AerCap, công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, cho rằng những hạn chế về nguồn cung máy bay và linh kiện máy bay có thể kéo dài trong nhiều năm.
Trong khi đó, giá dầu vẫn cao hơn 20% so với mức trước khủng hoảng và vẫn chưa rõ người tiêu dùng có thể chịu đựng giá vé máy bay cao trong bao lâu.
Chiếm 2,5% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, vận tải hàng không đang hứng sự chỉ trích của các tổ chức bảo vệ môi trường và một số nhà chính trị, đặc biệt là ở châu Âu. Các hãng hàng không cũng đối mặt với áp lực trong việc đặt ra phương hướng hành động trong dài hạn để giúp ngành hàng không đạt mục tiêu phát thải zero ròng vào năm 2050.
Akbar Al Baker, CEO của Qatar Airways, bày tỏ hoài nghi về mục tiêu này với lý do thiếu nguồn cung nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) nhưng nhấn mạnh rằng các máy bay thế hệ mới sạch hơn những máy bay trước đó.
Cũng có rất ít sự đồng thuận về việc ai sẽ trả tiền để tăng sản lượng SAF. Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng các kế hoạch về SAF còn thiếu sót.
Hội nghị của các hãng hàng không ở Istanbul cũng sẽ lần đầu tiên thảo luận về các loại khí thải không phải CO2 chẳng hạn như “vệt khói trắng” từ máy bay.
Vệt khói này thực chất là hơi nước ngưng tụ dưới dạng băng trên các hạt bồ hóng thải ra từ động cơ máy bay. Các vệt này chỉ xuất hiện trong một số điều kiện nhất định chẳng hạn như không khí phải rất lạnh và ẩm để băng hình thành. Những vệt khói này bẫy và hấp thụ nhiệt rồi phản xạ trở lại trái đất thay vì thoát ra ngoài không gian, đặc biệt là vào ban đêm khi trời lạnh hơn. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng các vệt này góp lần làm nhiệt độ trái đất nóng lên.
Tổ chức môi trường T&E, có trụ sở tại Brussels (Bỉ), chỉ trích các hãng hàng không đã trì hoãn hành động đối với các vệt ngưng tụ này. Các hãng hàng không giải thích rằng để tránh các vệt ngưng tụ như vậy, máy bay có thể cần phải đốt cháy nhiều nhiên liệu hơn và thải ra nhiều khí CO2 hơn.
Các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về giao dịch khí thải của ngành hàng không có hiệu lực vào năm 2025 sẽ buộc các hãng hàng không phải theo dõi và báo cáo lượng khí thải phi CO2.
Chánh Tài
Theo Reuters, KTSG Online