(SGTT) – Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chính thức trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tạo đà giúp phố cổ định vị thương hiệu là điểm đến phát triển văn hóa bản địa với nhiều sản phẩm thủ công sáng tạo, thân thiện môi trường.
Ngày 31-10, Ban thư ký mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là đại diện tiếp theo của Việt Nam trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập vào năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo. Đồng thời, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Tính đến tháng 10-2022, mạng lưới có 295 thành phố thành viên đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 59 thành phố trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Trong những năm qua, Hội An luôn được biết đến là thành phố bảo tồn, phát huy những giá trị của nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. Hiện nay, thành phố có năm làng nghề và gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động như nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng... Trong đó có ba làng nghề và một nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái các làng nghề, cộng đồng làng nghề cùng các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân bản địa đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú và đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như hát Bả trạo, hò khoan, hô hát Bài chòi… Trong đó, nghệ thuật Bài chòi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo thống kê, hiện thành phố Hội An có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp trong lĩnh vực này có thu nhập trung bình từ 3.500 – 4.000 đô la Mỹ mỗi năm.
Việc trở thành thành viên chính thức của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO giúp Hội An định vị thương hiệu, thu hút đầu tư. Thêm vào đó, đây là cơ hội để Hội An mở rộng mối quan hệ, hợp tác quốc tế, tiếp cận và tiếp thu kinh nghiệm, những giá trị từ các chuyên gia quốc tế để linh hoạt vận dụng vào mô hình phát triển riêng biệt của Hội An.
Từ đây, các nguồn lực, thế mạnh về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người Hội An cũng sẽ được phát huy tối đa và đúng hướng, là cơ sở để thành phố tập trung vào công tác giới thiệu hình ảnh, văn hoá địa phương, các chính sách bảo tồn, phát triển lĩnh vực văn hóa sâu rộng hơn.
Ngoài ra, để thực hiện cam kết đối với mạng lưới, thành phố Hội An sẽ cụ thể hóa kế hoạch hành động thực hiện sáng kiến như dự án Mộc Kim Bồng - Khơi nguồn sáng tạo, Ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, Sáng tạo Hội An trong Không gian Kỹ thuật số và các sáng kiến mang tính quốc tế như liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế, Lễ hội đèn lồng quốc tế, Ngôi nhà sáng tạo Hội An. Cùng với đó, thành phố cũng kết nối các chính sách nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa sáng tạo có liên quan.
Bên cạnh Hội An, vào ngày 31-10, Tổng Giám đốc UNESCO cũng đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Ngoài du lịch, tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc sẽ đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế của thành phố Đà Lạt, phát triển đô thị bền vững, gắn kết các nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Quỳnh Như