(SGTTO) - Tại Việt Nam, sự nhận thức và sự hỗ trợ của xã hội dành cho trẻ em bị tự kỷ còn rất hạn chế.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2018, cả nước đang có khoảng 200.000 đến 500.000 người mắc chứng tự kỷ. Trong đó số trẻ em được chẩn đoán tự kỷ đang tăng rất nhanh. Tuy nhiên, rất ít người trong xã hội hiểu biết về bệnh tự kỷ, kể cả cha mẹ có con mắc bệnh tự kỷ. Câu hỏi thường gặp và nhức nhối là làm sao để hiểu trẻ tự kỷ và dành thời gian yêu thương, dạy dỗ con hòa nhập cộng đồng.
Cuộc “đấu trí” đặc biệt
Tại buổi tọa đàm “Chung tay trao niềm hy vọng” do Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Foundation - STF) và Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương (VAPEC) tổ chức vào tuần qua, các chuyên gia về bệnh tự kỷ trong nước và trên thế giới đã giúp đọc giả và các bậc cha mẹ hiểu, thông cảm và biết được những phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ thành công.
Trong buổi tọa đàm, chị Nguyễn Thị Thanh Lê có con trai 13 tuổi đang mắc chứng tự kỷ bùi ngùi kể lại câu chuyện nhà mình. Chị Lê cho biết, từ “nó” vốn là từ cháu rất ghét, rất dễ nổi nóng khi nghe thấy. Nhưng rồi một hôm vô tình ba nói chuyện đã dùng từ “nó” với con và một cuộc ẩu đả nảy lửa đã xảy ra ngay trong nhà. Cậu con trai to lớn, cao hơn 1,7m, nặng hơn 70kg, đã đập phá nhiều đồ đạc trong nhà. Cậu còn đánh cả ba mình trong sự bất lực của mẹ ruột.
Từ đó, việc con mất kiểm soát tái diễn thường xuyên, có lúc ngăn con không nổi, chồng chị lên tránh trong phòng, con trai chị tìm đến tận cửa đập phá. Mỗi tuần, cậu động tay chân với cha mẹ không dưới hai lần. Chị Lê không biết phải làm sao với con mình.
Bên cạnh câu chuyện đau lòng của chị Lê, các bậc phụ huynh có con bị tự kỷ cũng nói lên những hoàn cảnh của gia đình mình. Họ đau đáu câu hỏi là phải giáo dục con theo phương pháp nào. Bà Lê Thị Phương Hoa, chuyên gia tư vấn và trị liệu hành vi tại TPHCM, cho rằng khi trẻ có hành vi thường xuyên bùng nổ thì cần dành thời gian chơi và trò chuyện với con thì sự bùng nổ của con sẽ giảm đi. Khi trẻ có những hành vi lệch lạc, đòi hỏi những việc không thể đáp ứng, cha mẹ cũng không nên đe dọa con, không làm bất cứ điều gì để con dễ phẫn nộ và đòi hỏi gay gắt thêm.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, thành viên Hội đồng quản trị Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, quận Bình Thạnh, chia sẻ gia đình cần phải thống nhất dạy trẻ. Khi trẻ đòi hỏi những điều không thể đáp ứng, cả nhà phải dứt khoát. Sau một vài ngày khóc lóc, đập phá cũng không được gì trẻ sẽ thấy thất bại và chấp nhận, lần sau không đòi nữa. Cha mẹ cũng cần học thêm để hiểu biết về phương pháp dạy con và những kinh nghiệm để “đấu trí” với trẻ trong những lúc con mất kiểm soát hành vi.
Chấp nhận và đồng hành với con
Bà Vũ Thị Dung, chuyên gia Công tác xã hội ở Ottawa Canada, cho rằng vẫn còn rất nhiều cha mẹ thiếu kỹ năng hiểu biết về bệnh này, do thiếu sự đào tạo để dạy con. Nhiều người còn nóng ruột, xấu hổ khi thấy con có những hành vi khác lạ, dẫn đến la mắng, cấm cản con, áp đặt vụng về. Đôi khi lại chiều chuộng quá mức hay bỏ bê trẻ.
Bà Dung cho biết, trẻ tự kỷ trải nghiệm thế giới khác với người thường và bị rối loạn hành vi, quan hệ xã hội. Do đó, cần tiếp cận với trẻ bằng cách thấu hiểu, chấp nhận, tôn trọng các hành vi của trẻ, giúp trẻ ổn định cảm giác an toàn.
Bà Lê Thị Phương Hoa, chuyên gia tư vấn và trị liệu hành vi, cho rằng khi trẻ càng lớn cha mẹ cần phải kết nối với con nhiều hơn, dạy con nhiều hơn về kỹ năng tự phục vụ bản thân như: giúp bé tự tắm, tự đánh răng, tự nấu cơm… Tuy nhiên, cha mẹ phải là người hiểu được trẻ có làm được việc đó hay không. Đặc biệt, cha mẹ cần bình tĩnh ngồi cạnh con khi con bị đau, khó chịu, làm cho con an toàn. Nhiều người ngày nay vẫn còn sai lầm khi coi thường người tự kỷ, nhưng nhiều người trong số những người mắc bệnh tự kỷ đã đóng góp tốt cho xã hội. Có những vĩ nhân không ai ngờ là người mắc bệnh tự kỷ.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm nhấn mạnh, tất cả trẻ tự kỷ đều cần phải học được. Tuy nhiên, cần chú ý tạo điều kiện cho bé được học tập theo sở thích, dù là thích bơi hay thích âm nhạc. Do đó, cha mẹ cần phải học cách để đánh thức tài năng của con, để con vẫn có thể đem công sức của mình cống hiến cho gia đình, xã hội.
Biểu hiện của trẻ mắc chứng tự kỷTrẻ tự kỷ rất ít tiếp xúc với mọi người xung quanh. Thường thì các bé sẽ né tránh, không nhìn thẳng vào người đối diện hoặc nhìn họ như thể không có họ ở đó. Trẻ thường chống đối lại những thay đổi của môi trường xung quanh, bị khiếm khuyết về ngôn ngữ giao tiếp. Trẻ hay lặp lại những hành vi quen thuộc, thường gắn bó với những đồ vật vô tri vô giác trong không gian của riêng chúng. Các bé cũng thường có những hành vi kỳ lạ như đi trên các ngón chân, chạy vòng tròn, lắc lư. Đôi khi, trẻ có những hành vi tự gây thương tích như đánh vào đầu, tự cắn, cào cấu bản thân, nhổ tóc…
Bình An