Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Hoảng sợ trước đủ chiêu chào mời khách của các phòng tập

(SGTT) – Hiện nay, nhất là sau thời kỳ dịch bệnh bùng phát, nhiều người bắt đầu quan tâm đến sức khỏe của mình. Tập thể dục tại các phòng tập được giớ văn phòng thu nhập trung bình ưa chuộng. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều phòng tập, đặc biệt là các chuỗi phòng tập lớn, luôn có chương trình cho người tập trải nghiệm thử một lần. Tuy nhiên, rất nhiều người cho biết bước chân vào tập thử thì rất khó để đi về tay không.
Nếu đã bước chân ra khỏi nơi tập thử mà không có phiếu tập dài hạn thì với thông tin đã để lại, chắc chắn sẽ được "hỏi thăm" liên tục trong thời gian dài, cho đến khi khách hàng cảm thấy quá mệt mỏi khóa luôn số của các nhân viên sale này.

Nhân viên sale cho khách mượn tiền mua gói

Chia sẻ câu chuyện trở thành hội viên bất đắc dĩ ở hệ thống phòng tập lớn C.T gym mới xuất hiện ở TPHCM, anh N.D kể anh biết đến chương trình tập ưu đãi 500.000 đồng/tháng tại hệ thống phòng tập gym lớn nhất nhì TPHCM này. Sau khi đem đủ số tiền trải nghiệm một tháng đến đây, anh đã được một nhân viên trò chuyện suốt 1,5 tiếng để thuyết phục đăng ký trở thành hội viên một năm bên phòng tập với ưu đãi hết sức hấp dẫn chỉ có trong ngày đầu tiên khách đến, giá 9.800.000 đồng/năm.

Anh N.D cho hay mình chưa từng nghĩ đến ý định sẽ đăng ký một năm tập luyện mà chỉ mong muốn thử dịch vụ cũng như tìm hiểu qua môi trường ở đây trước. Tuy vậy, anh nhân viên vẫn ra sức dẫn dụ, tìm đủ mọi cách để khách phải xuống tiền và ký hợp đồng, cho dù là khách chấp nhận vì quá mệt mỏi.

Khách tập luyện tại phòng gym. Ảnh: Minh Hạnh

Đầu tiên, nhân viên chỉ ra quyền lợi của khách tập gói một năm như được tặng kèm thêm hai tháng, thêm nhiều voucher ưu đãi khác chỉ có duy nhất trong lần đăng ký này. Mặc dù khách hàng đã từ chối và cho biết chỉ muốn trải nghiệm tháng đầu tiên với giá 500.000 đồng/tháng như quảng cáo rồi suy nghĩ tiếp, nhân viên sale vẫn bỏ ngoài tai, tiếp tục nói để có hợp đồng một năm với khách hàng.

Anh N.D đã tỏ thái độ cứng rắn và từ chối liên tục những lời đề nghị của anh chàng sale kia, cho biết mình không có tiền trả liền, thì được gợi ý chỉ cần đặt cọc trước một triệu đồng, kèm lời hứa sẽ chăm sóc riêng và quan tâm hơn đến hội viên. Cuối cùng, vì anh N.D kiên quyết không có tiền, nhân viên sale nọ nói chỉ cần cọc 1 triệu, anh ta sẽ quẹt thẻ tín dụng mua luôn gói tập 1 năm cho anh N.D.

Đó là đỉnh điểm của chiêu trò “chốt đơn” cuối tháng, anh N.D nhấn mạnh. Ngay lúc đó, anh N.D có hỏi lý do chàng nhân viên kia làm vậy, và không lẽ không sợ khách hàng quỵt tiền luôn. “Tôi bị sốc trước hành động đó và nhận lại câu trả lời đại ý là nếu tôi quỵt tôi sẽ mất một triệu đồng, nhưng anh ta sẽ mất hơn tám triệu. Dù vậy, anh ấy vẫn sẵn lòng làm giao dịch cá nhân bên ngoài vì tin tưởng tôi. Thế là tôi phải tham gia gói tập một năm tại trung tâm gym ở quận 4 và thu xếp tiền trả cho nhân viên sale”, anh N.D kể lại.

“Tháo chạy” sau buổi trải nghiệm thử

Cùng hoàn cảnh “khó thoát” như anh N.D, chị N.H.A cũng tỏ ra hãi hùng khi kể lại câu chuyện đi trải nghiệm hai buổi miễn phí của mình tại hệ thống phòng tập C.L lâu đời có hệ thống trải dài khắp cả nước, có sử dụng công nghệ đốt mỡ tự thân ở trung tâm quận 1.

Theo chị H.A, trước khi chấp nhận ngồi vào bàn tư vấn, chị đã nói trước với nhân viên sale nếu không cảm thấy phù hợp sẽ không thử dịch vụ và kết thúc trao đổi ngay tại đây. Nhân viên đồng ý và bắt đầu tư vấn, giải đáp thắc mắc kỹ càng của khách hàng về công nghệ và khuyến khích chị vào tập trải nghiệm không mất phí dù giá thành cho 30 phút sử dụng công nghệ ở đây vào khoảng 4.000.000 đồng/lượt.

Sau khi thử qua hai lượt tập thử, nhân viên hướng dẫn có ý “chê” hình thể của chị H.A.và gợi ý lộ trình tập luyện giá ưu đãi cũng chỉ có duy nhất trong buổi đầu tiên để khắc phục và cam kết giúp chị trở về vóc dáng như mong đợi. Chị H.A cho hay mình có ý rút lui và không cảm thấy phù hợp vì mức phí quá tầm của chị; gần 30.000.000 đồng/tháng. Tuy vậy, đã xuất hiện thêm một người khác có vẻ ở cấp cao hơn, hai người mời chị N.H.A ngồi xuống bàn để trao đổi, chốt hợp đồng, chị kể.

“Tham gia tư vấn ở nhiều nơi, câu hỏi đầu tiên họ hỏi luôn là chị muốn đăng ký gói tập nào? Nếu bạn trả lời mình muốn suy nghĩ thêm, họ sẽ bắt đầu các chiêu thức sau đưa bạn vào tình thế cực kỳ khó xử”, chị H.A nói.

Cụ thể, họ thao thao bất tuyệt về gói siêu lợi ích chỉ có trong hôm nay, ngay tại thời điểm khách thử xong buổi tập miễn phí đầu tiên. Nếu không đưa ra quyết định ngay tại lúc này, khách sẽ mất quyền lợi và không thể có mức giá cực hời giảm đến 50% so với giá thành tập luyện bình thường. Sau khi chị H.A nói rõ lý do cần cân nhắc thêm vì mức phí vượt khả năng, nhân viên sale bắt đầu tư vấn đặc cách nâng số lượng buổi tập lên nhưng vẫn không đổi giá thành.

“Từ 12 buổi lên 18 buổi, tôi từ chối. Rồi từ 12 buổi chia nhỏ thành 6 lần trả, để tôi không bị áp lực khi trả một lần khoản tiền gần ba mươi triệu đồng. Tôi vẫn một mực bảo sẽ liên hệ lại nếu muốn tập luyện và không ký kết gì lúc này. Hai nhân viên bỏ ngoài tai ý kiến của tôi, vẫn tiếp tục nói và không có ý cho tôi rời đi dù tôi đã nói mình có cuộc hẹn gấp vào giờ trưa”, chị H.A chia sẻ.

Ảnh minh họa: Người tập đang tập ở một phòng tập thể hình

Ngay khi thấy vị khách này quá khó tính, hai nhân viên tiếp tục xin thêm thời gian để tạo tài khoản, thông tin cá nhân gồm chứng minh nhân dân và dấu vân tay, chữ ký, giữ thông tin để liên lạc. Chị H.A cho biết mình liên tục từ chối để lại các thông tin cá nhân nhưng cuối cùng vẫn phải “cắn răng” làm theo vì “nếu không làm tôi nghĩ mình khó thoát khỏi tình thế đó”, chị nói.

“Thật ra lúc không thể rời đi, tôi đã nhờ người bạn của mình gọi điện như giải cứu, khi hoàn thành thủ tục cuối ký tên, tôi đã bước xuống cầu thang với tốc độ nhanh nhất có thể, và có thể nói là bỏ chạy đến thang máy với mong muốn rời khỏi đó ngay lập tức”, chị H.A nhấn mạnh.

Mặc dù có ý định đi tập gym và rất muốn đi nghe tư vấn nhưng chị T.T (Tân Phú, TPHCM) vẫn chưa dám đến bất kỳ phòng tập nào để tìm hiểu. "Tôi có nghe nhiều bạn bè kể về việc bị nhân viên kinh doanh chèo kéo, làm khó, bản thân cũng từng bị gọi điện năn nỉ đi tập thử nhiều lần, nên tôi đâm ra không muốn đi", chị T nói. Chị T cho biết mình quyết định đi tập ở những trung tâm nhỏ, không có nhân viên sale để không phải có những trải nghiệm bực mình khi nói chuyện với sale của các phòng tập.

PT cũng bị áp lực doanh số

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, người trong cuộc từng có hơn sáu năm kinh nghiệm làm việc trong vai trò huấn luyện viên cá nhân (PT) tại các hệ thống phòng gym lớn nhỏ, anh V.T tiết lộ mình đã xin nghỉ việc vì chịu không nổi môi trường làm việc. Hiện anh đã trở thành huấn luyện viên cá nhân tự do. Thay vì tập trung chuyên môn của một PT, anh V.T cho biết khi làm P.T tại các hệ thống phòng tập, anh phải chịu áp lực doanh số như số lượng hợp đồng hội viên, cũng như có nghĩa vụ mời chào khách dùng thêm cách dịch vụ khác như thuê PT riêng, gia hạn gói tập trong mỗi tháng…

“Tôi muốn phát triển bản thân và tập trung cho kế hoạch của mình nhiều hơn là lao vào chào mời, giới thiệu khách. Nhưng nếu không đủ chỉ tiêu thì cuối tháng tiền thưởng sẽ bị cắt giảm, hoa hồng ít lại và ảnh hưởng đến thu nhập cũng như vị trí công việc của tôi. Vậy nên tôi đã quyết định nghỉ việc để làm tự do, chủ động bên ngoài”, anh V.T nói.

Anh Đ.N.T, ngụ TP Thủ Đức, cũng cho hay mình đã gắn bó với công việc PT tự do sau khi nghỉ việc tại các phòng tập. Ngoài những quy định về doanh số, anh Đ.N.T ngầm hiểu mình phải cạnh tranh với các PT ở cả hệ thống cũng như tại chính phòng tập đang làm việc. Điều này khiến anh không còn thời gian tập trung cho chuyên môn cũng như không thể chăm sóc khách hàng hiện tại của mình.

Không ít người cũng phàn nàn rằng, sau khi chốt hạ thành công gói tập, họ cảm nhận dịch vụ giảm đi chất lượng và bản thân không còn được “săn đón” như trước, cho đến khi hợp đồng chuẩn bị tái ký.

Anh N.D nói thêm khi ký kết thành công hợp đồng hội viên một năm, anh thường xuyên bị đội ngũ huấn luyện viên làm phiền, tiếp tục câu dẫn gói tập cùng PT và hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày để tư vấn dịch vụ kèm theo.

Dẫu biết đi tập để cải thiện sức khỏe, tuy nhiên với kiểu mời chào đeo bán thái quá, đặc biệt là ở những phòng tập lớn có đội ngũ bán hàng đông đảo, thì phòng tập sẽ không còn thành nơi thư giãn của khách hàng sau ngày làm việc mệt mỏi mà trở thành gánh nặng họ phải sợ hãi mỗi khi nhắc đến.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Các phòng tập chạy hết công suất khi nhu cầu ‘đốt...

0
(SGTT) – Sau kì nghỉ Tết với những bữa tiệc liên tục, rất nhiều người lo ngại cơ thể sẽ tăng cân và tìm...

Tập gym với công nghệ xung điện EMS có gì khác...

0
(SGTT) – Những năm gần đây, các phòng tập sử dụng công nghệ EMS hay còn gọi là gym công nghệ EMS dần trở...

Ngày càng nhiều người đầu tư phòng gym mini tại gia

0
(SGTT) – Sau dịch Covid-19, xu hướng tập gym cá nhân đang dần được ưa chuộng vì tính riêng tư, ít tiếp xúc với...

Phòng gym quy mô nhỏ: xu hướng được ưa chuộng sau...

0
(SGTT) – Sau thời điểm dịch bệnh, private gym hay còn được hiểu là mô hình phòng gym cung cấp duy nhất một dịch...

Phòng gym phục hồi sau dịch Covid-19, tung nhiều khuyến mãi...

0
(SGTT) – Sau hai năm chịu đòn từ dịch Covid-19, nhiều chủ phòng gym ở TPHCM cho biết tình hình kinh doanh đang dần...

Phòng gym bình dân tìm đường “sống lại” hậu Covid-19

0
(SGTT) - Sau khi được cho phép mở cửa hoạt động trở lại sau đợt giãn cách thứ 4, đến nay một số phòng...

Kết nối