(SGTT) - Chọn hoa ngày Tết là một nét đẹp, một tập tục văn hóa ý nghĩa đối với các gia đình Việt cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
- 6 địa điểm lưu trú tuyệt vời dành cho kỳ nghỉ staycation dịp Tết
- Lễ dựng nêu ngày Tết trong Đại Nội Huế
Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt và một số quốc gia khác. Dù ở thời điểm nào, giá trị văn hóa Tết vẫn luôn được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ. Quá trình tiếp thu những văn hóa mới, việc thu nhận những chuẩn mực của thời đại mới vẫn không thể nào làm phai nhòa được sự trang nghiêm, hoài cổ trong phong tục truyền thống bao đời của cha ông ta.
Tết không chỉ là sum vầy hay san sẻ yêu thương, mà Tết còn là những ngày tất bật viếng thăm mộ tổ tiên, gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, cúng giao thừa… và cả việc chọn hoa Tết.
Thật vậy, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, sắc hoa tràn ngập mọi nhà, thậm chí là cả con phố hay cả xóm được trang hoàng bởi đủ cam, vàng, đỏ, tía,…từ cúc, mai, thọ, mồng gà (mào gà) đến lan, hướng dương, cẩm chướng…
Không biết từ bao giờ, những chậu hay bình hoa đã trở thành cái hồn không thể thiếu của ngày Tết. Bất kể đến thăm gia đình nào chăng nữa, bạn sẽ luôn thấy những chậu hoa cam rồi lại vàng, cúc rồi lại thọ, đâu đâu cũng ngập sắc hoa đầy tươi tắn.
Những bông hoa đa dạng về màu sắc, chủng loại chính là biểu tượng đẹp đẽ nhất của mùa xuân, vì đó khởi đầu của một năm tràn trề nhựa sống.
Và hơn hết, người ta còn quan niệm, việc chọn và cắm đúng loại hoa sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tài lộc cho gia chủ. Do đó mà việc chọn hoa ngày Tết đã trở thành một nét đẹp, một tập tục không thể thiếu đối với bất cứ ai.
Song, hoa Tết không giản đơn là màu sắc hay linh hồn của Tết, mà nó còn là tình yêu của những người nông dân chăm chỉ, miệt mài với cái nghề “ươm mầm xuân sắc”. Từ những hạt mầm, người nông dân đã dầm mưa dãi nắng để chăm bón và chau chuốt từ cành đến nụ, rồi phân đến nước. Họ đem cả yêu thương đặt vào sản vật mà mình gieo trồng, để rồi đến tay người tiêu dùng thứ sản vật ấy không đơn thuần là hoa nữa, mà là đôi lời chúc sức khỏe, lời gửi gắm một năm may mắn, tài lộc giữa người nông dân đến với gia chủ, giữa người mua và kẻ bán.
Ngoài ra, hoa Tết không những chỉ để chưng hay cầu tiền tài, mà còn là chứng nhân cho bao lần sum vầy, đoàn tụ của gia đình. Hoa Tết là cầu nối giữa người với người, giữa người sống với người đã khuất, hay là sợi dây gắn kết tình thân, là sự huyên náo cười đùa khi phân vân chọn màu sắc. Hoa Tết không những đẹp mà còn nó còn mang tính chuyển giao thời khắc giữa ngày và đêm, giữa năm cũ với năm mới…
Tuy chóng nở mau tàn, nhưng bản thân mỗi loài hoa là cả câu chuyện về văn hóa và con người, về lòng biết ơn, trân trọng đến tổ tiên và nguyện cầu một năm mới an lành, sung túc.
Lê Thanh Lượng