Xuất hiện ở Việt Nam hơn 10 năm nay, tuy nhiên loại hình nghệ thuật body painting (vẽ lên cơ thể) vẫn đang loay hoay bởi những rào cản vô hình cũng như không ít cái nhìn hoài nghi.
Body painting có mặt trên thế giới từ khá lâu và có hẳn lễ hội về loại hình nghệ thuật này để các họa sĩ từ nhiều nơi trên thế giới cùng tham gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì body painting còn khá mới mẻ và chủ yếu ứng dụng vào trong việc quảng cáo trò chơi trên mạng, sự kiện giải trí, giới thiệu sản phẩm… Và đặc biệt, giới nghệ sĩ thường sử dụng body painting để tạo ra những bộ ảnh độc đáo cho các nghệ sĩ tham gia vào các cuộc thi ảnh, người mẫu.
Body painting có thể hiểu là hình thức vẽ lên cơ thể người, thông qua đó thể hiện ý tưởng, thông điệp mà họa sĩ muốn truyền tải. Thông thường người mẫu được chọn vẽ body painting mặc lớp trang phục mỏng, bó sát cơ thể hay bikini, còn với những buổi vẽ ở xưởng vẽ (studio) thì người mẫu có thể bán khỏa thân. Khác với hình thức hội họa, thay vì vẽ lên tấm toan thì body painting vẽ trực tiếp lên cơ thể người mẫu. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, với việc vẽ trực tiếp lên cơ thể người, thì liệu những ai bất chấp tai tiếng để nổi tiếng sẽ dễ lợi dụng vào đó rồi nhân danh là “hy sinh vì nghệ thuật”? Hay “body (thân thể)” trong body painting có phải là tất cả?
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (họa sĩ body painting đầu tiên của Việt Nam tham dự lễ hội body painting trên thế giới vào năm 2009 tại Áo) nhận định: “Người mẫu trong body painting không phải là yếu tố quyết định tất cả, mà chính là sự sáng tạo, ý tưởng của người họa sĩ mới quyết định thành công của một tác phẩm. Bởi vì với cơ thể đó, người họa sĩ phải tư duy thế nào để tạo nên một tác phẩm có giá trị, một thông điệp có ý nghĩa hoặc đơn giản hơn là phải tạo ra được một mẫu body painting phù hợp với sản phẩm mà doanh nghiệp cần quảng cáo. Và với những sự kiện yêu cầu người mẫu body painting phải biết múa, hoặc đi catwalk (kiểu đi đánh hông uyển chuyển với chân sải dài, trong khi tư thế lưng thẳng, nâng cằm, vai mở… thường thấy ở các buổi trình diễn thời trang) nên chỉ cần người phù hợp với ý tưởng của họa sĩ, còn chuyện hình thể chuẩn ba vòng hay không thì không quan trọng”.
Trong body painting có thể hiểu cơ thể người mẫu như tấm toan để người họa sĩ thể hiện ý tưởng, cũng chính vì điều này nên có nhiều hoài nghi và những rào cản vô hình xoay quanh body painting. Liệu vẽ trực tiếp lên cơ thể người mẫu có phải là sự thiếu tôn trọng? Chia sẻ về điều này, họa sĩ Huỳnh Thanh Trung (Mực Tàu) nói: “Vì vẽ trực tiếp lên cơ thể người nên khi vẽ cần có sự tôn trọng nhau, chỉ có cọ vẽ mới được chạm lên cơ thể người mẫu. Các buổi vẽ chủ yếu là ở studio có cả ê kíp cùng làm việc, còn vẽ ở những sự kiện, triển lãm thì hoàn toàn công khai.”
“Trong lúc làm việc, tôn trọng và bảo vệ người mẫu thì cũng chính là tôn trọng và bảo vệ tác phẩm của mình. Bởi cơ thể người mẫu là nơi người họa sĩ thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo qua từng nét cọ,” chị Hạnh cho biết thêm.
Body painting có là một hình thức nghệ thuật hay không còn tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là có không ít những tác phẩm body painting được công nhận là những tác phẩm nghệ thuật và có giá trị thưởng lãm. Sự mới mẻ trong hình thức quảng cáo sản phẩm, sự kiện mà body painting mang lại đã tạo được một hiệu ứng thu hút sự quan tâm của công chúng, nên vài năm trở lại đây nhiều công ty tổ chức sự kiện đã ứng dụng loại hình nghệ thuật này rộng rãi hơn. Còn việc body paiting có được công nhận như những loại hình hội họa khác hay không thì đó vẫn là câu chuyện của tương lai và các cơ quan quản lý nghệ thuật. Tuy nhiên, cần có những cái nhìn đúng đắn và toàn cảnh hơn về hình thức vẽ mới mẻ này, đừng vì một chút những góc tối mà làm lu mờ cả một quá trình thành hình trước đó của body painting.
Thanh Dương