Sau hơn hai tháng kể từ khi Việt Nam bắt đầu cấp hộ chiếu vắc-xin, hàng chục triệu người vẫn mòn mỏi chờ xác thực thông tin và không biết khi nào mới được cấp. Vấn đề là việc nhập thông tin sai không phải do lỗi người dân nhưng hậu quả thì họ phải chịu. Việc chưa được cấp hộ chiếu vắc-xin ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch học hành, làm ăn và du lịch của nhiều người.
- Người dân vẫn mòn mỏi chờ xác thực thông tin để được cấp hộ chiếu vắc-xin
- Bộ Y tế sắp cấp hộ chiếu vắc-xin toàn quốc
Theo thông tin trên trang web của Bộ Y tế, tính đến ngày 17-6, hệ thống công nghệ của Bộ này đã cấp hộ chiếu vắc-xin cho 36 triệu người. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 40 triệu hộ chiếu đang bị vướng không cấp được do thiếu thông tin(1).
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với những người có thông tin tiêm chủng sai, người dân chỉ cần phản ảnh trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia hoặc ứng dụng PC-Covid để xác thực lại và được cấp hộ chiếu. Tuy nhiên, trên thực tế mọi việc lại không dễ dàng như vậy. Sau hơn hai tháng thực hiện cấp hộ chiếu vắc-xin, nhiều người vẫn chưa có hộ chiếu hoặc chưa được cập nhật đầy đủ số mũi tiêm dù đã nhiều lần khai báo, hệ thống vẫn chưa cập nhật(2).
Ngược dòng thời gian về vấn đề này có thể thấy, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia đi vào hoạt động từ giữa tháng 7-2021 nhưng trong ba tháng đầu tiên, hệ thống kỹ thuật liên tục bị sự cố, phát sinh nhiều lỗi khiến dữ liệu mũi tiêm bị sai sót khá nhiều(3).
Trong bối cảnh chống dịch nước sôi lửa bỏng tại TPHCM giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9-2021, hàng trăm điểm tiêm chủng lưu động được tổ chức với mục tiêu phủ vắc-xin càng nhiều càng tốt, việc nhập thông tin mũi tiêm bị thiếu hay sai sót cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng nhìn tổng thể thì nguồn cơn vấn đề vẫn nằm ở chỗ hệ thống của Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia giai đoạn đầu quá tệ về mặt kỹ thuật. Do không có một hệ thống nhập liệu tốt, các đội tiêm chủng lưu động phải nhập tạm vào file Excel hay Google Drive. Định dạng chuẩn của form nhập liệu cũng không thống nhất nên có những trường hợp dữ liệu bị lỗi khi import vào. Tình trạng này khiến cho không ít trường hợp người dân đã tiêm chủng đầy đủ hai mũi nhưng dữ liệu cập nhật chỉ một mũi hay thậm chí không được cập nhật lên hệ thống.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc sai sót thông tin không phải do lỗi người dân mà chủ yếu do khâu nhập liệu trước đây mà ra. Giờ đây, việc yêu cầu người dân chứng minh là bất khả thi vì dữ liệu từ đầu vào đã bị thiếu và có thể bị mất không thể tìm được.
Nếu dành nguồn nhân lực để kiểm tra thì với 40 triệu trường hợp bị thiếu thông tin cũng là một việc hết sức tốn kém nhân lực và thời gian. Thử làm một phép tính đơn giản: mỗi trường hợp cần 2 phút để kiểm tra thì cần 80 triệu phút, tương đương 55.000 ngày.
Cũng theo Bộ Y tế, đến ngày 11-6-2022, cả nước đã tiêm được hơn 223 triệu liều với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỷ lệ tiêm mũi 3 ở người từ 18 tuổi trở lên đạt 63,9%.
Như vậy, với tỷ lệ tiêm chủng mũi 2 – điều kiện để được cấp hộ chiếu vắc-xin – gần như 100% thì người dân đâu có lý do gì để khai báo gian dối về mũi tiêm. Vậy tại sao lại bắt người dân chờ “làm sạch” dữ liệu, như cách nói của ngành y tế, mà không có cơ chế giải quyết linh hoạt hơn? Người dân còn phải chờ đến bao giờ do sai sót về thông tin mũi tiêm không phải do lỗi của họ?
Long Châu
Theo KTSG Online
————-
(1) https://covid19.gov.vn/sang-17-6-hon-36-trieu-nguoi-viet-da-co-ho-chieu-vaccine-bien-the-phu-ba4-ba5-co-the-lam-tang-ca-mac-covid-19-171220617105634741.htm
(2) https://thesaigontimes.vn/nguoi-dan-van-mon-moi-cho-xac-thuc-thong-tin-de-duoc-cap-ho-chieu-vaccine/
(3) https://thesaigontimes.vn/thong-hanh-vaccine-dung-danh-do-nguoi-trong-cuoc/