(SGTT) - Nhiều ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài tại các tỉnh thành ở Đông Nam bộ, đặc biệt tại TPHCM, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Chỉ số tia cực tím khi cao điểm ở mức 12, vượt ngưỡng cao nhất so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Đây là mức có thể gây ung thư da và các bệnh nguy hiểm khác, vì vậy các bác sĩ chuyên khoa da liễu và hồi sức đã tăng cường khuyến cáo những tác hại của tia UV lên sức khỏe của mọi người.
Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời gồm UVA, UVB, UVC
Khi ánh nắng mặt trời xuyên qua khí quyển, tất cả tia UVC và khoảng 90% tia UVB bị hấp thu bởi tầng Ozone, hơi nước, khí oxy và CO2.
Trong khi đó, tia UVA ít bị tầng khí quyển hấp thu. Khi xuống đến mặt đất, tia cực tím gồm chủ yếu là tia UVA và một lượng nhỏ tia UVB.
Cường độ tia cực tím phụ thuộc và các yếu tố:
- Vị trí của mặt trời: mặt trời lên càng cao thì cường độ tia cực tím càng mạnh. Cường độ tia cực tím thay đổi theo thời điểm trong ngày và thời gian trong năm, đạt cao nhất vào giữa trưa trong các tháng mùa hè.
- Vĩ tuyến: càng gần xích đạo, cường độ tia cực tím càng cao.
- Lượng mây: cường độ tia cực tím cao nhất khi bầu trời không mây. Tuy nhiên, khi có mây, lượng tia cực tím vẫn cao vì 90% tia có thể xuyên qua mây.
- Độ cao so với mặt nước biển càng cao thì bầu khí quyển càng mỏng nên hấp thu ít tia cực tím. Với mỗi 1.000m cao hơn so với mặt nước biển, cường độ tia cực tím tăng 10-12%.
- Bề mặt tiếp xúc: mức độ phản xạ và tán xạ tia cực tím thay đổi tùy thuộc bề mặt tiếp xúc: tuyết trắng phản xạ 80%, cát biển trắng phản xạ 15%, nước biển 25%.
(Nguồn: TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM)
Để mô tả lượng bức xạ cực tím từ mặt trời chiếu xuống mặt đất, người ta sử dụng chỉ số cực tím – UV Index (UVI). Chỉ số UVI càng cao càng có khả năng gây tổn thương cho da và mắt, và thời gian xảy ra tác hại càng sớm.
Bình An