Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Hiểu cơ thể để được an toàn trên đường chạy

(SGTT) - Khi nói về chạy bộ, Marathon được nhắc đến nhiều nhất, nhưng câu hỏi được nhiều người đặt ra rằng môn thể thao này có phù hợp cho tất cả mọi người hay không và cần làm gì để luôn đảm bảo an toàn trên đường chạy?

Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ một hoạt động thể thao nào, nhất là ở những giải thể thao chuyên nghiệp như chạy Marathon, việc kiểm tra sức khỏe trước khi thi đấu là bắt buộc để tránh những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là nguy cơ gây tử vong. Và điều quan trọng hơn hết là vận động viên cần biết rõ sức chịu đựng của bản thân, từ đó mới chọn được những hoạt động thể chất thích hợp.

Kiểm tra toàn diện

Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, cơ thể chúng ta giống như một bộ máy thống nhất của các hệ tim mạch, hô hấp, hệ nội tiết… không phải vận động viên có cơ bắp mạnh là chạy được. Người có một trái tim khỏe cũng chưa đủ sức để chạy nếu như hệ cơ, xương khớp không tốt.

Những người đam mê bộ môn Marathon cần kiểm tra tình trạng sức khỏe một cách kỹ lưỡng. Ảnh: The Healthy

Các vận động viên trước khi tham gia các môn thể thao có cường độ cao, cụ thể là chạy bộ trên quãng đường dài (cự ly 10, 20, 42 km) phải đi kiểm tra sức khỏe của mình. Lý do, khi tham gia các môn thể thao có thử thách lớn, lúc đó những khiếm khuyết trong cơ thể mới bộc lộ ra.

Hiện nay, ở những khoa tim mạch của bệnh viện, các trung tâm khám sức khỏe có máy chuyên dụng giúp đo 24 giờ nhịp tim, dẫn truyền tim nhằm phát hiện các vấn đề bất thường của tim mạch. Bạn cũng được đo hô hấp ký xem liệu dung tích thở có đáp ứng được nhu cầu oxy trong cuộc thi lớn. Còn với hệ cơ xương khớp sẽ được kiểm tra bằng cách chạy thử trên máy chạy. Bác sĩ sẽ khám dây chằng, bao khớp, kể cả chụp phim X- quang, hoặc chụp MRI để kiểm tra để xem tình trạng của sụn.

Đặc biệt, các vận động viên phải được luyện tập và thử chạy bộ trên máy, chạy bộ ở ngoài để cơ thể thích nghi dần. Bởi nếu cơ thể có một khiếm khuyết nào đó, nhưng được tập luyện mỗi ngày thì những bộ phận khác sẽ hỗ trợ và bù trừ công năng cho bộ phận bị khiếm khuyết.

Ngoài ra, các bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát và kiểm tra thể lực chuyên sâu. Trong kiểm tra chuyên sâu sẽ bao gồm các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, đánh giá sự chịu đựng của hệ thống tim mạch, huyết áp, hô hấp, hệ thống vận động.

Khi kiểm tra tất cả những cơ quan chức năng người chạy bộ có thể yên tâm tập luyện nếu kết quả khám đáp ứng được tất cả các yếu tố: Không có tiền sử đau ngực, khó thở; Không có tiền sử cảm giác hụt hẫng ở ngực hay tim đập rối loạn không đều; Không có tiền sử mệt xỉu, choáng ngất; Trong gia đình không có ai tiền sử bệnh tim từ lúc trẻ hoặc đột tử trước 40 tuổi.

Bắt cơ thể luyện tập để chạy Marathon bất chấp những yếu tố kể trên có thể làm gia tăng cơ hội bị chấn thương hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Đó là lý do các vận động viên nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định chạy Marathon. Bên cạnh đó, khâu chuẩn bị về y tế của ban tổ chức các giải chạy là vô cùng quan trọng, cần được thực hiện một cách chu toàn.

Khi nào nên ngừng chạy?

Theo Tiến sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, ngất, đau nhức cơ xương… hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào báo hiệu cho thấy cơ thể đang quá sức, người tập cần ngưng tập. Nếu triệu chứng không giảm thì cần đến bác sĩ kiểm tra.

Cũng theo Tiến sĩ Kha, khi tham gia chạy đường dài sẽ mất nhiều năng lượng. Vì thế, các vận động viên cần phải bổ sung bằng cách mang theo nước khoáng bù điện giải, nước đường, bánh ăn liền hoặc thực phẩm tiêu hóa nhanh để bổ sung ngay khi cần thiết, tránh bị mất nước, tụt đường huyết.

Đặc biệt, khi đăng ký chạy cũng phải lựa chọn cự ly phù hợp với thể trạng cơ thể, khởi động kỹ trước khi chạy và không nên cố gắng sức khi thấy cơ thể quá tải để tránh trụy tim, đột quỵ.

Các bác sĩ chuyên khoa thể thao đồng thời khuyến cáo để có một cuộc thi chạy an toàn và thú vị, người mới bắt đầu cũng như vận động viên chuyên nghiệp cần tìm hiểu về địa hình chạy đua và chuẩn bị rất nhiều thời gian, công sức tập luyện và bồi bổ dinh dưỡng.

Các vận động viên nên chuẩn bị ít nhất từ 12 đến 30 tuần để tập luyện cho một cuộc chạy Marathon và mỗi tuần có ba đến năm buổi chạy. Tập chạy không cũng chưa đủ, người chạy phải xem lại chế độ dinh dưỡng, có một giấc ngủ đầy đủ, điều chỉnh trạng thái tinh thần, tránh cảm xúc căng thẳng tiêu cực trước khi tham gia cuộc đua.

Cần chụp MRI mạch máu nãoBác sĩ Trần Minh Thiệu, Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Trưng Vương, khuyến cáo những người trưởng thành hãy tiết kiệm khoảng hai triệu đồng để chụp cộng hưởng từ (MRI) khảo sát mạch máu não một lần trong đời.Người trẻ tuổi hay bị đột quỵ dạng xuất huyết do vỡ túi phình hay dị dạng mạch máu não. Tuy vậy, khi đang trẻ và khỏe mạnh, người ta rất ít khi nghĩ mình mang trong đầu mình các dị tật nguy hiểm như thế này.Trong lúc hoạt động thể thao cường độ cao, áp lực máu tăng, thành mạch máu đang yếu do túi phình hoặc phần dị dạng dễ vỡ, gây xuất huyết cấp và dẫn đến đột tử.Dị dạng mạch máu hay túi phình rất dễ phát hiện bằng chụp MRI sọ, có dùng thuốc tương phản. Vì vậy, mỗi người nên chụp cộng hưởng từ (MRI) và tốt hơn nữa là kết hợp thêm chụp cắt lớp vi tính (CT-scaner) để phát hiện sớm được và điều trị dứt điểm các nguy cơ này.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Yêu thể thao ở tuổi trung niên: cần nắm rõ tình...

0
(SGTT) - Cần tầm soát bệnh và có chế độ dinh dưỡng, vận động khoa học để tránh nguy cơ chấn thương, đột quỵ...

Kết nối