TUỆ NHÃ -
Ở một đất nước thu nhập số đông còn thấp nhưng lại sính đồ ngoại như Việt Nam, Haute Couture – thời trang thiết kế cao cấp, vẫn loay hoay tìm kiếm khách hàng cho mình.
Mỗi năm, hàng trăm nhà thiết kế thời trang tốt nghiệp từ các trường học, thế nhưng những tên tuổi trụ được với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong phân khúc thời trang cao cấp, với số lượng khách hàng đã ít ỏi, lại thêm sự cạnh tranh với của nhiều nhà thiết kế và đặc biệt là các thương hiệu nước ngoài, một nhà thiết kế thực sự phải có bản lĩnh và hậu thuẫn mới có thể tồn tại. Việc tạo và giữ cho mình một lớp khách hàng giàu có và trung thành là điều hết sức quan trọng để giúp một thương hiệu tồn tại bên cạnh việc PR, quảng bá khéo léo và chuyên nghiệp.
Ở Paris, một bộ sưu tập (BST) Haute Couture chỉ được công nhận khi nó đáp ứng đủ các tiêu chí khắt khe của Hiệp hội Haute Couture do Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris quản lý. Theo đó, Haute Couture được thiết kế may đo riêng theo đơn đặt hàng của các khách hàng riêng biệt, thử trang phục nhiều lần; Trang phục phải là thiết kế nguyên bản do chính nhà thiết kế cố định của hãng sáng tạo nên; Các thiết kế phải được thực hiện tại xưởng may riêng của nhà mốt đặt tại Paris với ít nhất 20 thợ lành nghề làm việc hàng ngày toàn thời gian; Mỗi mùa phải cho ra mắt một bộ sưu tập với ít nhất 35 thiết kế nguyên bản bao gồm các trang phục ngày và đêm, vào tháng 1 và tháng 7 mỗi năm theo thời khóa biểu do hội đồng Chambre Syndicate de la Haute Couture đưa ra…
Ai mặc?
Ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa xuất hiện một hiệp hội như vậy. Trên thực tế, ngoại trừ nhà thiết kế (NTK) Hoàng Hải chỉ chuyên về dòng thời trang thiết kế cao cấp, dường như tất cả các nhà thiết kế Việt tạm gọi là “có tiếng” như NTK Công Trí, Phương My, Lê Thanh Hòa, Đỗ Mạnh Cường, Lý Quý Khánh, Chung Thanh Phong, Quỳnh Paris, Li Lam, Thủy Nguyễn, Adrian Anh Tuấn… đều phát triển song song hai dòng thời trang: một dòng thiết kế cao cấp dành cho các sự kiện quan trọng, và một dòng ready to wear (là thời trang ứng dụng, khác với thời trang trình diễn hoặc cao cấp) với khả năng sử dụng thuận tiện hơn.
Với thế mạnh về các thiết kế kết đính tinh xảo và lộng lẫy, một thiết kế của NTK Hoàng Hải có giá từ 1.000 đô la Mỹ trở lên, và có thể lên đến trên 10.000 đô la. Với mức giá này, mỗi khách hàng sẽ được lấy số đo riêng và tư vấn, chỉnh sửa đến khi có được tác phẩm hoàn hảo nhất. Tuy vậy, phong cách gợi cảm, lộng lẫy của các mẫu thiết kế Hoàng Hải lại khá kén dáng và kén không gian, trừ khi người mặc đến một không gian xa hoa, thảm đỏ sự kiện lớn hoặc… làm cô dâu. Dù khá tương đồng với phong cách của Elie Saab (nhà thiết kế thời trang cao cấp nổi tiếng ở Paris gốc Li Băng vốn được một số sao Việt đặt hàng), nhưng nếu so sánh giữa mức giá 20.000 đô la trở lên cộng với thời gian ba tháng chờ đợi, thì việc lựa chọn một thiết kế của Hoàng Hải vẫn được nhiều người lựa chọn.
Một nhà thiết kế cao cấp muốn tồn tại thì dĩ nhiên phải tạo được tiếng tăm cũng như “đặc điểm nhận dạng” cho trang phục của mình. Ở các thiết kế may đo riêng, nếu Công Trí mạnh về phom dáng và sự sáng tạo độc đáo thì Phương My lãng mạn, nữ tính với một chút trong trẻo, Quỳnh Paris cầu kỳ trong cắt cúp-thiết kế 3D và nhiều lớp, Chung Thanh Phong đầu tư cho sự kết đính và pha trộn chất liệu, Lê Thanh Hòa trẻ-nữ tính-thanh lịch, Li Lam với chất “đàn bà” lả lướt cùng lụa, ren… Các thiết kế đa số có mức giá 8-20 triệu đồng, còn các thiết kế riêng “limited” theo yêu cầu khách hàng với các chất liệu cao cấp như pha lê swarovski hay đá quý thì tất nhiên mức giá là… vô chừng, tùy khả năng hầu bao của khách hàng. Ngoài ra, còn có một mức giá khá đặc biệt, như bộ váy 350 triệu đồng của Lý Quý Khánh hay chiếc áo dài 5 tỉ đồng của Võ Việt Chung nhưng khó mà biết đó là giá thật hay giá “tự phong”.
Với các thiết kế đa phần đơn sắc, phom xòe quá gối hoặc dáng suôn giấu được mỡ bụng và các nhược điểm cơ thể khác, thiết kế của Đỗ Mạnh Cường cũng được nhiều doanh nhân, đặc biệt là khách hàng ở phía Bắc lựa chọn.
Chất liệu, thương hiệu và dịch vụ
Với một mức giá cao, các nhà thiết kế cũng phải đầu tư rất cao ở tất cả các khâu. Ngoài chất liệu cao cấp thường là nhập từ nước ngoài như tuyn, ren Ý, tơ tằm Pháp, lụa Pháp…, các thợ may tay nghề cao, họ còn phải mở mặt bằng trung tâm quận 1 – các đường Lê Thánh Tôn, Mạc Thị Bưởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… với giá thuê vài ngàn đô la/tháng.
Tổ chức ra mắt bộ sưu tập hàng năm theo mùa là tiêu chí cơ bản tạo nên đẳng cấp của thương hiệu. Để tổ chức sô riêng như NTK Công Trí ở Park Hyaat, Đỗ Mạnh Cường ở SECC, Chung Thanh Phong ở GEM… chi phí tối thiểu cũng lên đến hàng tỉ đồng. Tham dự tuần lễ thời trang trong nước như Vietnam International Fashion Week cũng tốn 150 triệu đồng tiền phí còn Style Fashion Week (như Quỳnh Paris), London Fashion Week (Như Việt Tino), New York Fashion Week (như Phương My, Lý Quý Khánh..) thì phải chi ra con số gấp nhiều lần. Chính vì thế, con đường thiết kế thời trang cao cấp thực sự không phải là cuộc chơi vừa sức với các nhà thiết kế nghèo!
Nhưng chất liệu, thương hiệu chưa phải là yếu tố quan trọng nhất để níu chân những khách hàng sành điệu và giàu có. Yếu tố quan trọng nhất là dịch vụ. Doanh nhân-Hoa hậu Phu nhân Thu Hoài, một người đẹp chuyên dùng hàng hiệu của các NTK Việt cho biết, lý do chị yêu thích đồ thiết kế cao cấp của NTK Công Trí là vì khi giao trang phục đến tay khách hàng, ngoài chuyện đóng gói đẹp đẽ thì váy áo đã được giặt hấp sạch sẽ, ủi phẳng phiu và thơm tho.
Từ việc thiết kế không gian showroom, đặt chiếc ghế, cắm bình hoa, lựa chọn nhạc nền hay loại thức uống, huấn luyện nhân viên, bản thân cách ăn mặc của NTK… đều phải đủ đẹp và tinh tế để khách hàng có lòng tin rằng nhà thiết kế có thể làm cho họ đẹp lên. Theo một số người am hiểu thì quan trọng nhất, nhà thiết kế phải hiểu và định hướng phong cách cho khách hàng phù hợp với ngoại hình và sở thích của họ. Một nhà thiết kế khi định hướng cho nhiều khách hàng, phải giúp họ tạo được vẻ đẹp của riêng họ, dù nhìn bộ trang phục đã biết ngay là phong cách của NTK nào.
Dịch vụ hậu mãi cũng rất quan trọng với các NTK hiện nay. Với khách hàng thân thiết mua sắm nhiều trong năm, những dịp đặc biệt hoặc sinh nhật, nhà thiết kế sẽ tặng họ một bộ trang phục “độc bản” thiết kế riêng phù hợp với phong cách của họ hoặc những món quà tinh tế và giá trị. Bên cạnh đó, khách hàng “ruột” kiểu như Thu Hoài còn được ưu ái dịch vụ chỉnh sửa, biến tấu trang phục cũ thành trang phục mới để tái sử dụng, đó là điều khách hàng không có được khi mua trang phục nước ngoài. Với những khách hàng nổi tiếng, nhiều NTK sẵn sàng cho mượn đồ hoặc bán với giá tượng trưng để họ giúp quảng bá tại các sự kiện và trên truyền thông.