(SGTT) - Với 32 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cùng nền nông nghiệp trù phú, Thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã ấp ủ "khát vọng vươn xa" với những mô hình du lịch nông nghiệp. Để nhìn lại tiềm năng và đưa ra giải pháp phát triển mô hình du lịch này trên địa bàn Thị xã Long Mỹ, sáng ngày 3-12, toạ đàm "Vai trò của du lịch nông nghiệp và cơ hội cho Thị xã Long Mỹ" đã được tổ chức tại UBND Thị xã Long Mỹ với sự tham gia của các lãnh đạo địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu du lịch.
- Tiền Giang khai thác lợi thế, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp
- Chuyển đổi sang nông nghiệp carbon thấp: cuộc đua với thời gian
Theo ông Trần Tường Huy, Viện phó Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội, với 32 sản phẩm OCOP cùng 16 hợp tác xã các mô hình như đan lát lục bình, trồng dưa lưới trong nhà lồng... có thể thấy Long Mỹ là địa bàn có nền nông nghiệp trù phú và hoàn toàn có tiềm năng xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Mekong Delta Hưng Thịnh.
Vừa giới thiệu đến du khách sản phẩm dưa lưới đạt tiêu chuẩn OCOP, ông Trần Hoàng Nhã, Phó giám đốc Hợp tác xã Mekong Delta Hưng Thịnh, cho biết sau khi nghiên các sản phẩm nông nghiệp, HTX với 31 thành viên đã cùng nhau trồng sản phẩm dưa lưới để giới thiệu đến du khách khi đến với địa phương. Đây cũng là sản phẩm nông sản cho giá trị cao khi giá bán dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg (cao gấp 2-3 lần so các sản phẩm nông nghiệp khác). Hiện nay, dưa lưới còn làm nước ép để hướng đến xuất khẩu, sau khi thu hoạch, dây dưa còn có thể làm phân bón cho các cây trông khác. Đối với ngành du lịch, du khách đến các vườn dưa lưới tại địa phương sẽ vừa được tham quan tìm hiểu về mô hình trồng dưa lưới, vừa có thể tự tay hái các sản phẩm và thưởng thức ngay tại vườn…
Ngoài mô hình của HTX MeKong Delta Hưng Thịnh, Thị xã Long Mỹ còn có các mô hình nông nghiệp khác và trong tương lai sẽ khai thác để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để khai thác tốt nguồn tài nguyên sẵn có cần phải tạo ra sản phẩm du lịch và đầu tư cho những yếu tố hỗ trợ phát triển các sản phẩm đó. "Địa phương cần có những biện pháp về việc thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, cần có định hướng quy hoạch cụ thể, khu vực nào, xã phường nào có điều kiện, tiềm năng du lịch thì nên tập trung huy động nguồn lực để phát triển" - Ông Trần Tường Huy chia sẻ trong bài tham luận tại toạ đàm.
Ông Huy nói thêm, ngoài việc quy hoạch không gian, muốn phát triển du lịch nông nghiệp cần phải xây dựng mô hình du lịch gắn với nhu cầu của khách, thiết kế điểm du lịch có tính đặc thù theo điều kiện hiện có. Về phía lãnh đạo địa phương, cần có những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ mô hình kinh doanh cho người dân và các chủ đầu tư. Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức phát triển du lịch nông nghiệp cho bà con địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Theo ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch UBND Thị xã Long Mỹ, du lịch là một trong 4 trụ cột của tỉnh Hậu Giang, đối với du lịch, Thị xã Long Mỹ vẫn còn khiêm tốn về số lượng các dự án du lịch cũng như doanh thu về du lịch trong thời gian vừa qua. Trong định hướng sắp tới, lãnh đạo Thị xã cũng mong muốn phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp. Địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ vốn, tổ chức các lớp đào tạo tập huấn, các chương trình phát triển du lịch cho người dân địa phương...
Về khó khăn và hạn chế, ông Huy cho rằng, điều mà các địa phương đang làm du lịch nông nghiệp thường mắc phải là "tạo ra điểm đến nhưng không có sự đầu tư chuỗi giá trị, khách chỉ đến chơi ngắn hạn chứ không lưu trú lại". Việc phát triển cơ sở lưu trú chỉn chu, đáp ứng được nhu cầu của du khách là "câu chuyện" mà các nhà làm du lịch hay nói rộng hơn là các địa phương cần xem xét.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc đào tạo thạc sĩ du lịch ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ "Khó khăn trong việc phát triển du lịch ở Thị xã Long Mỹ là cần phải xây dựng câu chuyện cho từng sản phẩm OCOP, biến cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP thành điểm tham quan du lịch. Điều này, đòi hỏi rất nhiều yếu tố như nơi đón tiếp khách, đội ngũ phục vụ du lịch và tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Thị xã cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù riêng, khác biệt so với các tỉnh thành lân cận để thu hút du khách. Ngoài ra, việc liên kết tour tuyến, tìm kiếm thị trường khách tiềm năng hay nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng, lưu trú cũng là những yếu tố mà địa phương cần quan tâm".
Ông Hoàng nói thêm, nhiệm vụ cuối cùng của du lịch nông nghiệp là nhà vườn bán được nhiều nông sản, vì thế phải phát triển và bán được nông sản, làm sao để sản lượng nông sản tăng. 32 sản phẩm OCOP của Long Mỹ nên được phát huy, vấn đề địa phương phải làm là tôn tạo cảnh quan môi trường, không gian cho làng quê, biến nơi mình ở thành vùng quê đáng sống thì mới có thể thu hút được khách du lịch.
Các chuyên gia cho rằng "giá trị hồn quê" cũng là yếu tố mà khách du lịch quan tâm khi lựa chọn đến với một điểm du lịch kết hợp nông nghiệp. Vì thế, địa phương có thể tổ chức các hoạt động văn hoá giải trí, kể lại những giai thoại ở địa phương, tạo ra và "chăm bẵm" thương hiệu du lịch Thị xã Long Mỹ, thương hiệu nông sản "hồn quê, hồn đất, hồn người".
Theo chuyên gia du lịch Phan Yến Ly, việc phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng tại Thị xã Long Mỹ sẽ giúp tạo thêm cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương, tạo điều kiện để phát triển kinh tế địa phương thông qua việc bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm và dịch vụ của du lịch. Đồng thời, đóng góp để bảo tồn và phát triển văn hóa, truyền thống địa phương cũng như các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, là công cụ hiệu quả để thúc đẩy, tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo.
Trúc Nhã