(SGTT) - Tháng 7-2021 trong lúc dịch Covid-19 đang bùng phát, ứng dụng Tạp hoá số ra đời được kỳ vọng sẽ lan tỏa rộng rãi mang đến nguồn cung ứng hàng cần thiết, tiện lợi cho người dân cũng như tham vọng giúp "số hóa" 6.000 tiệm tạp hóa ở TPHCM trong năm 2021 rồi mở rộng ra cả nước. Tuy nhiên, sau gần 1 năm ra mắt, Tạp hoá số có vẻ như đã rơi vào quên lãng.
- Không dễ giao hàng tạp hóa
- Tiệm tạp hóa mất dần thị phần
- Khi “ông lớn” giành nhau bán tạp hóa trên mạng
Bước qua năm 2022 khi đại dịch dần được khống chế, người dân bắt đầu quay lại nhịp sống cũ, mọi sinh hoạt, kinh doanh, mua bán dần nhộn nhịp trở lại. Việc mua bán giao dịch không còn bị hạn chế nữa khiến người tiêu dùng quay trở lại mua sắm trực tiếp những món hàng thiết yếu đơn giản từ các cửa hàng tạp hóa, thay vì đặt hàng qua các app mua sắm online và ngồi chờ giao hàng như trước kia.
Tạp hóa số ra mắt vào ngày 30-7-2021, là dự án được tổ chức bởi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh chuyển đổi số (DTS), do Chuỗi Tạp hóa Cam và IM Group (Hệ thống Học viện Kinh doanh số) triển khai với mục tiêu gia tăng khả năng cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu bằng mạng lưới cửa hàng tạp hóa trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Ngay khi vừa ra mắt, Tạp hoá số đã nhanh chóng nhận được “cơn mưa lời khen” đến từ các doanh nghiệp, báo đài và người dân vì những tính năng vượt trội, cùng sự cam đoan về chất lượng từ các tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động kết quả thu về dường như không như kỳ vọng.
Chỉ tính riêng trên kho ứng dụng của hệ thống android (CH Play) và iPhone (App Store) đã cho thấy rõ sức ảnh hưởng của app chưa cao. Trong một năm, app Tạp hoá số chỉ nhận về vỏn vẹn 4 lượt đánh giá và duy nhất một nhận xét phản hồi.
Khi tìm kiếm kết quả “Tạp hoá số” trên google chỉ trong 1 giây đã cho ra 126 triệu kết quả liên quan khác nhau nhưng đa phần đều là các bài quảng cáo app, người tiêu dùng rất khó kiểm chứng thông tin về quy trình hoạt động cũng như tình hình khả thi của app ra sao.
Liên hệ với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh chuyển đổi số (DTS) để tìm hiểu về hiệu quả thực sự của ứng dụng này, phóng viên SGTT được hứa rằng đang tổng hợp số số liệu, và trong một tuần vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bán tạp hóa bỏ app được chị Thanh Thuỷ (40 tuổi), chủ tiệm tạp hoá ở chợ Tân Bình, chia sẻ "Với những tiệm tạp hoá nhỏ lẻ như tôi, việc buôn bán qua ứng dụng (app) là điều không khả thi. Tôi cũng không rành công nghệ nên việc cài đặt app, đăng bài bán phải có con cháu giúp, thao tác trên điện thoại cũng rắc rối nên hầu như các tiệm tạp hóa quanh đây không ai dùng app này”.
Chị Nguyễn Minh Châu (37 tuổi), chủ quầy tạp hoá tổng hợp trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức, cho biết hồi tháng 7,8 năm ngoái báo đài đưa tin liên tục về app Tạp hoá số, thấy thông tin quảng cáo của nhà tài trợ cùng chính sách hấp dẫn dành riêng cho hệ thống tạp hoá như hỗ trợ 2-3% cho mỗi đơn hàng chị cũng mạnh dạn cài đặt app và thử buôn bán. Tuy nhiên, sau một tuần chị quyết định gỡ app vì lượt mua chỉ lác đác một, hai đơn trong khi số lượng sản phẩm cho mỗi lần ship hàng quá ít. Có lần khách chỉ đặt 2 bịch snack, 1 chai nước rửa chén giao trong bán kính 1km. Tính ra thông qua app chị chỉ bán hàng cho những hộ dân trong khu mình ở, còn bán kính 5-10km thì không có ai đặt hàng, chị Châu nói.
Chị Mai (45 tuổi), chủ tiệm tạp hoá Xuân Mai mở hơn 10 năm trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TP HCM), cho biết “Trong đợt dịch vừa qua, mình có buôn bán qua Zalo, Facebook tại nó dễ sử dụng, không rườm rà trong công đoạn cài đặt, lên bài. Ngày cũng đi được 10-15 đơn sản phẩm các loại. Mình ngại bán hàng trên app tại nó không tiện lợi, khách hàng chủ yếu là người quen, hàng xóm, giờ bán hàng trên app thì phải bắt họ phải cài app trên điện thoại rồi đăng ký thông tin này nọ. Nên hầu như ai cũng sẽ từ chối”.
Về phía người mua hàng, chị Nguyễn Minh Anh (23 tuổi), sinh sống tại phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, chia sẻ chị thường mua hàng tại các tiệm tạp hoá lớn nhỏ gần nhà bởi tính tiện lợi, nhanh gọn. Sử dụng app mua hàng tạp hóa online chỉ phù hợp trong mùa dịch, chưa kể nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân khi cài đặt quá nhiều app khiến nhiều người lo lắng. Tính bất cập của app tạp hóa online nằm ở chỗ thời gian giao hàng và lượng hàng cung ứng không nhiều. Đôi khi tiệm tạp hoá chỉ cách 6-7km nhưng phải đợi đến ngày hôm sau mới nhận được hàng và mất khoản phí giao từ 10.000 -15.000 đồng/trên 5km, chị nói.
Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều mối lo, chị Dung (43 tuổi), chủ tiệm tạp hoá Nhật Dung phường Tân Phú, TP Thủ Đức, cho hay "Trong thời gian tới, mình vẫn duy trì bán hàng trực tiếp tại tiệm và bán online trên app Foody phòng trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại".
Đứng trước sức ép của các loại hình bán lẻ hiện đại, tạp hoá truyền thống không hề lép vế ngược lại có phần phát triển mạnh hơn. Theo số liệu của Nielsen được đăng tải trên báo điện tử VOV ngày 16-10-2020, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hoá và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75% doanh thu trên dưới 10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Trong đó, có đến 92% người Việt khi được hỏi đã cho biết họ thích mua nhu yếu phẩm tại các cửa hàng tạp hoá hơn. Bên cạnh đó, theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hoá vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người Việt.
Chị Phương (34 tuổi), chủ tiệm tạp hoá trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP HCM) chia sẻ “Với mặt bằng buôn bán tận dụng khoảng sân trước của gia đình, quy mô nhỏ lẻ nên chi phí vận hành cửa hàng thấp, chỉ tốn kém công đoạn chọn hàng, nhập hàng 2 ngày/ lần”.
Do đặc tính dễ len lỏi vào từng ngõ ngách, hẻm dân cư, tiện lợi lại đầy đủ các mặt hàng thiết yếu biến tạp hóa thành “siêu thị di động” từ thôn quê đến thành thị vẫn được ưa chuộng trong mắt người tiêu dùng.
Anh Văn Trường (47 tuổi), sinh sống tại phường An Phú, TP Thủ Đức, thường xuyên chọn lựa mua hàng tại các tiệm tạp hoá chứ không phải trong siêu thị hay cửa hàng tiện lợi vì yếu tố nhanh, tiện, rẻ. Giá cả thấp hơn từ 2.000 – 10.000 đồng tuỳ sản phẩm so với siêu thị, không cần xếp hàng, thanh toán dễ dàng, lại có thể linh hoạt thời gian mua bán, anh nói.
Cửa hàng tạp hoá từ lâu đã dần trở thành nét văn hoá lâu đời không thể thiếu của người Việt. Với những đặc điểm rất riêng của mình, các cửa hàng tạp hoá truyền thống vẫn đang thu hút đông đảo sức mua từ người tiêu dùng.
Mặc dù app Tạp hóa số vẫn chưa thành công trong việc xây dựng chỗ đứng trong cộng đồng những người bán tạp hóa lẫn người mua hàng, nhưng không có nghĩa kênh bán hàng online không hiệu quả. Vẫn đang còn nhiều ứng dụng cung cấp thêm nhiều sự lựa chọn cho cả người mua và người bán. Đơn cử mục Grab Mart trên ứng dụng Grab vẫn đang được duy trì hoạt động, một phần vì ứng dụng này khá quen thuộc với số đông người dân và một phần vì ứng dụng có nhiều khuyến mại, giảm giá cho người mua hàng.
Các tiệm tạp hoá vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong thị trường truyền thống. Tuy nhiên, trong tương lai với những rủi ro không thể lường trước mà Covid-19 là minh chứng hùng hồn nhất cũng như xu hướng "số hóa" không thể cưỡng lại được, thì các tiệm tạp hoá cũng cần kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại để tồn tại và phát triển.
Lê Hằng