Thứ sáu, Tháng năm 16, 2025

“Hát bội hành tội người ta”

BẢO HƯỚNG -  

“Tại sao ngày càng có ít các buổi biểu diễn nghệ thuật cổ truyền? Nếu công chúng không mặn mà đón nhận nữa, nghệ thuật cổ truyền như hát bội sẽ trôi vào dĩ vãng hay có cách nào để người trẻ chú ý đến hát bội không… Các câu hỏi như vậy cứ bám lấy tâm trí cô sinh viên năm cuối Nguyễn Thị Kiều Diễm, ngành thiết kế đồ họa, trường Đại học Hoa Sen, TPHCM.

201609022221_0001

Trong những lần xuôi ngược miền Tây Nam bộ, trò chuyện với những người mê văn hóa, sục sạo các nhà sách, cô sinh viên bắt gặp ba cuốn kinh điển Mặt tuồng của Nguyễn Vĩnh Huế, Hát bội của Lý Tuần Huỳnh Khắc Dụng và Nghệ thuật hát bội Việt Nam của Nguyễn Lộc-Võ Văn Tường, đi cùng câu ca ngân nga “Hát bội hành tội người ta/Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”. Một loại hình nghệ thuật làm say mê biết bao người thuở xưa, ám ảnh từng gia đình, vậy mà giờ đã dần mai một.

Nhấc lên, đặt xuống, trăn trở suy nghĩ về hát bội, một loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, cô sinh viên này quyết định “liều”, chọn hát bội là đề tài gửi gắm cho khóa luận tốt nghiệp. Liều là vì hầu hết bạn bè cùng khóa chọn đề tài thiết kế sản phẩm hiện đại để dễ lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng, còn Kiều Diễm chọn đề tài vốn dĩ nhắc đến đã rất ít người hiểu sâu, hiểu rõ và chỉ còn lại 2,5 tháng để hoàn thành. Một khoảng thời gian rất ngắn để vừa tìm hiểu hát bội, vừa suy nghĩ cách làm sao đưa hát bội đến với giới trẻ thời nay trong khi đây là một môn nghệ thuật “hàn lâm” mang nhiều tính ước lệ, cách điệu, đòi hỏi khán giả phải có hiểu biết về nó hay có kiến thức âm nhạc nhất định.

Lấy câu ca ngày xưa làm tựa đề, cô sinh viên đã cho ra đời quyển sách gấp hình 3D “Hát bội hành tội người ta”, một quyển sách vừa học vừa chơi thú vị.

Sách chia làm hai phần. Phần đầu giới thiệu về nghệ thuật hát bội, các thể loại tuồng, lịch sử hát bội Việt Nam; các nhạc cụ, đạo cụ sử dụng trong một vở diễn. Tỉ mỉ và chi tiết, Kiều Diễm phác họa loại nét đặc trưng của từng kiểu râu tượng trưng cho từng nhân vật chính diện hay phản diện; kỹ nghệ hia đặc trưng cho mỗi vùng miền, nhà hát; mũ phục truyền thống dành cho vua, quan, hoàng hậu, tiểu thư, nho sinh, lão nông... Bên cạnh đó, còn là nghệ thuật vẽ mặt và sắc màu hóa trang trên khuôn mặt nhân vật.

Phần thứ hai sách hướng dẫn gấp mô hình 3D các nhân vật của một vở tuồng. Kiều Diễm giới thiệu đến giới trẻ hai trong ba thể loại tuồng: tuồng đồ và tuồng hài với 7 mô hình gấp giấy. Tuồng đồ đặc trưng cho các tác phẩm tưởng tượng hư cấu, trong khi đó tuồng hài là dòng tuồng dân gian, gắn bó hiện thực cuộc sống.

Điển hình của tuồng đồ là Sơn Hậu, một vở hát bội khuyết danh của Việt Nam, được coi là vở tuồng cung đình kinh điển thường được trình diễn trong Lễ Kỳ yên của các đình làng miền quê ngày trước. Nổi bật là nhân vật Khương Linh Tá, một kép xanh tiêu biểu cho hình tượng nhân vật anh hùng trung nghĩa. Đổng Kim Lân – người bạn khắng khít, cũng là một nhân vật anh hùng và Tạ Ôn Đình, tiêu biểu cho tuyến nhân vật phản diện.

Điển hình của tuồng hài là Nghêu Sò Ốc Hến với nội dung mang tính châm biếm, đả kích quan lại địa phương, giàu chất hài hước. Nhiều nhân vật, điển tích trong vở trở thành những thành ngữ thông dụng trong dân gian. Tuyến nhân vật nổi bật là Huyện Trìa, thầy bói Nghêu, Thị Hến, Trùm Sò.

Làm thế nào để thực hiện một mô hình giấy? Kiều Diễm đã đưa ra các chỉ dẫn từng bước gồm cắt, gấp, dán, lặp lại, cũng như hướng dẫn các vật dụng cơ bản cần phải có. Vì đây là sách gấp hình hướng đến đối tượng trên 16 tuổi nên mỗi mô hình rất nhiều chi tiết nhỏ, đòi hỏi sự kiên trì, và mất khoảng 3 giờ cho một mô hình ra đời.

Đây là một cuốn sách lạ, độc đáo từ ý tưởng đến nội dung và cách thức quảng bá văn hóa Việt hoàn toàn mới mẻ. Cuốn sách không chỉ mang lại cho cô sinh viên vị trí thủ khoa vào tháng 7 vừa qua, mà còn hứa hẹn là một loại hình vừa học vừa chơi giá trị.

[box] Hát bội là tên gọi phổ biến ở miền Nam, còn miền Bắc quen gọi là hát tuồng. Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu có truyền thống lâu đời và độc đáo, ra đời vào khoảng đời Trần thế kỷ 14, cách đây trên 600 năm. Trước kia mỗi vở diễn chỉ từ một đến ba hồi, mỗi hồi diễn một đêm, sau này xuất hiện những vở “kỳ vĩ trường thiên” như Học lâm gồm 20 hồi hay “vạn bửu trình tường” tới 216 hồi... Hầu hết các địa phương, mỗi lần hội hè, tế lễ, thảy đều dựng rạp, mời nghệ nhân đến hát.

Ngày nay, các vở diễn hát bội ít xuất hiện trước công chúng, một phần vì đặc tính của nó khá hàn lâm, đòi hỏi trình độ thưởng thức của khán giả, một phần do văn hóa giải trí hiện đại với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú đang lấn át dẩn. Hiện hát bội chỉ còn xuất hiện ở các đình làng một năm được đôi lần và các làng biển trong các lễ hội cúng Cá Ông (Lễ Nghinh Ông) hàng năm.[/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngôi chùa được tôn trí xá lợi Phật tại Hà Nam

0
(SGTT) – Sau khi kết thúc thời gian chiêm bái tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, xá lợi Đức Phật sẽ được cung thỉnh...

TPHCM: Sẽ cấm xe khung giờ đêm ở nhiều tuyến đường...

0
(SGTT) - Nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TPHCM sẽ bị cấm xe và hạn chế lưu thông một số khung giờ...

Muồng hoa đào khoe sắc hồng ở Lâm Đồng

0
(SGTT) - Tháng 5, những cây muồng hoa đào đồng loạt bung nở, nhuộm sắc hồng nhạt lên đoạn quốc lộ 20 đi qua...

Festival Hoa lan TPHCM lần 3: Chuyến tàu “Đa Sắc”

0
(SGTT) - Từ ngày 16 đến 20-5,  Festival Hoa lan TPHCM lần thứ 3 chính thức diễn ra với chủ đề Chuyến tàu "Đa...

Bữa trưa quốc tế thử vị Gukbap

0
(SGTT) - Gukbap, trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là “canh và cơm”, là món ăn đơn giản nhưng có chiều sâu văn hóa,...

‘Bà đỡ’ của du lịch Cồn Sơn

0
(SGTT) – Không bảng hiệu rình rang, không quảng bá rầm rộ, Cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ vẫn đều...

Kết nối