HOÀNG XUÂN PHƯƠNG -
Đã có một loạt các công ty mới được thành lập ở nhiều nước nhằm cung cấp côn trùng thực phẩm ở dạng nguyên liệu hay chế biến cho các cửa hàng, siêu thị, và cả phân phối qua mạng Internet. Công ty Tư vấn nhà hàng Baum & Whiteman dự báo côn trùng sẽ là loại thức ăn được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2015.
Thị trường tiềm năng
Người ta có thể tìm thấy những con nhộng tằm Đông Nam Á ở các siêu thị Hà Lan, và thậm chí vị cay cà cuống Việt Nam ở rất nhiều cửa hàng trên thế giới.
Trên trang thương mại điện tử Amazon, người ta dễ dàng tìm mua các thực phẩm côn trùng nguyên liệu như bột dế hay đã chế biến thành các loại bánh, và nhất là các thỏi sô cô la làm từ côn trùng rất được ưa chuộng.
All Things Bugs, công ty cung cấp bột dế lớn nhất ở Mỹ cho biết năm 2014 họ mới chỉ bán ra 10.000 kg loại bột thực phẩm cao cấp này cho các nhà chế biến thức ăn như Exo, Chapul hay Six Foods và thu về 250.000 đô la Mỹ, nhưng năm nay họ đã gần đạt đến mức 25.000 kg, dự kiến mang lại 600.000 đô la cho công tỵ
Christine Spliid, một doanh nhân người Đan Mạch cho tờ Newsweek Europe biết công ty của bà bán ra các thỏi protein làm bằng bột dế nghiền để làm thức ăn chính, chứ không chỉ là bánh kẹo ăn dặm. Newsweek Europe cũng dẫn nghiên cứu của New Nutrition Business cho biết thị trường thực phẩm côn trùng sẽ đạt đến mức 360 triệu đô la trong vòng năm năm tới.
Cơ quan Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cho rằng việc nuôi côn trùng làm thực phẩm sẽ thải ra ít khí nhà kính hơn nhiều so với việc chăn nuôi gia súc để lấy thịt, vả lại nuôi côn trùng không cần nhiều diện tích mặt đất, mặt nước để làm trang trại. Để tạo nên một khối lượng protein nhất định, các loài côn trùng tiêu thụ thức ăn ít hơn đến 12 lần so với các con trâu, con bò hay bầy heo, bầy gà.
Vị ngon của côn trùng
Nếu ai đã một lần thưởng thức thịt dế hay cào cào chế biến theo nhiều cách khác nhau sẽ thấy các hương vị rất hấp dẫn của nó. Nhưng điểm đáng lưu ý hơn hết là giá trị dinh dưỡng của nó không thua thịt bò bao nhiêu. Cứ 100 g thịt cào cào có đến 21 g protein, con số này ở thịt bò là 26 g. Những đặc trưng về hương vị, sở thích từng dân tộc cùng với giá trị dinh dưỡng cao và ít tác động xấu đến môi trường là cơ sở để FAO khuyến cáo đưa thực phẩm côn trùng vào thị trường thức ăn chính cho con người.
Khuyến cáo và những hướng dẫn của FAO giúp cho nhiều doanh nhân mạnh dạn đầu tư vào thị trường côn trùng thực phẩm. Tiến sĩ Aaron Dossey, người sáng lập All Things Bugs Dossey, khởi nghiệp bằng 100.000 đô la từ quỹ tài trợ của Melinda và
Bill Gates và rồi Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp thêm khoản tài trợ khác giúp công ty đưa thực phẩm côn trùng ra thị trường.
Ở Mỹ, nơi người ta vẫn sợ ăn côn trùng, sâu bọ hay ấu trùng của chúng thì nay đang có một làn sóng đầu tư thành lập các công ty sản xuất, chế biến và kinh doanh thịt côn trùng. Năm 2014, Exo kêu gọi vốn 55.000 đô la từ trang góp vốn cộng đồng Kickstarter để sản xuất loại thỏi protein côn trùng không chứa gluten, tinh bột, đậu nành và đường sữa, nhưng cuối cùng công ty nhận đến 1,2 triệu đô la từ những người đặt trước để được mua sản phẩm này ngay từ đầu.
Ở Canada, giải thưởng Hult của năm 2013 đáng giá 1 triệu đô la được trao cho một nhóm sinh viên thuộc trường Đại học McGill ở Montreal vì đưa ra sáng kiến sản xuất thực phẩm côn trùng ở dạng bột. Trưởng nhóm Mohammed Ashour cho hãng thông tấn ABC News biết họ đã khởi công nhà máy sản xuất với loại bột từ các loài châu chấu.
Ở Việt Nam, loại nhộng tằm được tiêu thụ rất mạnh ở nhiều chợ, trở thành thức ăn thay thế thịt của nhiều gia đình.
Trên thực tế, Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nên rất tốt cho việc chăn nuôi các loài côn trùng thực phẩm, nhất là đối với các giống bản địa mà một mặt vốn đã phong phú; mặt khác không sợ xâm lấn hệ sinh thái hiện hữu. Nắm bắt tốt cơ hội đưa thực phẩm côn trùng vào thị trường thế giới sẽ giúp cho nông dân và nông nghiệp nước ta có một ngành kinh tế mới, đầy triển vọng và hiệu suất cao.