Mỹ Huyền-
Những năm gần đây, trên mạng xã hội Facebook tràn ngập các bài viết của các nhân viên văn phòng, những người rao bán đủ thứ, từ các sản phẩm theo kiểu “cây nhà lá vườn” đến quần áo và mỹ phẩm xách tay. Xung quanh việc dùng giờ công ty để làm chuyện riêng đang có ý kiến trái chiều. Ở góc độ quản lý, các doanh nghiệp sẽ làm gì khi nhân viên đưa “hàng xén” vào công sở?
Mỗi người mỗi kiểu
Thực tế cho thấy, kiểu bán hàng này được nhiều nhân viên văn phòng ưa chuộng vì họ tin vào nguồn gốc từ bó rau sạch đến mỹ phẩm ngoại nhập mà đồng nghiệp bán, mặc dù giá có thể cao hơn hàng bên ngoài một chút. Ngoài công việc, nhiều chị bán hàng xén mỗi buổi sáng còn bận bịu tay xách nách mang hàng hóa vào công ty bán. Có người bán vì thu nhập, có người đơn giản là do yêu thích công việc kinh doanh.
Một nhân viên văn phòng tên Duyên cho biết, công ty chị đang có một số thay đổi về nhân sự. Công việc của chị có thể sẽ bị ảnh hưởng, nên lúc này chị đang tìm hướng kinh doanh trái cây để phòng khi mất việc chị vẫn có chút thu nhập. Khách hàng của chị là những đồng nghiệp và người quen, nên sáng nào đi làm chị cũng mang theo trái cây để sau 3 giờ chiều chị đi giao hàng.
Còn chị Duy thì hơi khác. Chị bán hàng không hẳn là vì thu nhập, mà do chị thích công việc kinh doanh. Chị mua hàng giảm giá trên các trang web ở nước ngoài rồi về bán lại cho đồng nghiệp hay người quen. Giống như nhiều người khác, chị sử dụng Facebook để rao hàng, và hiện nay danh sách khách hàng của chị ngày càng dài ra.
Chị Duy cho biết, thu nhập của chị ở mức cao và gia đình cũng có điều kiện nên chị làm thêm cho vui. Do đặc thù công việc, chị thường xuyên đi công tác nên chị xem việc shopping (mua sắm) là phương tiện giải trí. Khi được hỏi về phản ứng của lãnh đạo công ty khi chị bán hàng qua mạng, chị Duy cho biết chị chưa thấy “sếp” than phiền gì về việc này.
Chị Nhân Trần thì không may mắn như vậy. Chị đang cùng chồng kiếm thêm tiền để đưa con ra ở riêng nên muốn làm thêm việc kinh doanh qua mạng. Bắt tay vào làm chị mới thấy, mua bán quần áo trẻ giảm giá trên các trang web nước ngoài không dễ như mọi người tưởng. Việc này mất nhiều giờ trong ngày, vì nhu cầu của khách đặt hàng đa dạng, nên chị phải bỏ nhiều thời gian để săn lùng hàng, quy đổi kích cỡ, tính toán việc chuyển hàng và tính toán lời lỗ qua việc thanh toán chuyển khoản quốc tế.
Chị Nhân Trần cho biết, công việc này khiến chị bị stress, vì về nhà không được chơi với con còn đi làm thì phải lo đối phó để sếp không biết chị mua bán trong giờ làm việc. Sau một thời gian, chị đã bỏ việc kinh doanh này để chuyên tâm vào công việc chính hơn.
Mạng xã hội đang là phương tiện kinh doanh cho những người muốn làm thêm nghề tay trái.
Nhà quản lý nói gì?
Có ý kiến cho rằng, việc nhân viên vừa làm công sở vừa kinh doanh là đang đổi lợi ích chung lấy lợi ích riêng, đang sử dụng giờ của công ty để làm việc của mình. Song cũng có người cho rằng, nhà quản lý nên có cái nhìn thoáng hơn, thậm chí xem đó như là dịp đánh giá khả năng quản lý của mình.
Ông Quản Hồng Đức, nhà sáng lập doanh nghiệp chuyên đào tạo các nhà lãnh đạo The Institute of Life Competencies, cho rằng từ góc độ tâm lý, đây là điểm tích cực mà ông có thể thấy từ nhân viên mang việc kinh doanh của mình vào công ty. Ông gọi những nhân viên này là những người có đầu óc kinh doanh (entrepreneurial mindset). Theo ông, đó là điều đáng mừng cho nhân viên và cả doanh nghiệp, bởi qua đó doanh nghiệp thấy được tinh thần cầu tiến của nhân viên.
Qua việc này, nhà quản lý có thể nhìn lại chức năng của mình. Trước tiên là chức năng lãnh đạo và quản trị, nhà quản lý có đưa được giá trị cốt lõi vào công việc của nhân viên chưa? Vì ngoài tiền lương ra, người nhân viên giỏi sẽ không chịu ngồi không và bỏ phí sức phát triển của mình, họ cũng muốn được chứng tỏ khả năng.
Ông Đức cho rằng, khi người nhân viên có thể hoàn tất trong thời gian ngắn công việc được giao, có hai yếu tố cần xét đến đó là hiệu suất làm việc và tính sáng tạo. Lúc tuyển dụng, nhà quản lý nào cũng đòi hỏi nhân viên có hiệu suất làm việc cao, có tính sáng tạo và có thể đương đầu với các thách thức trong công việc. Khi công việc trở nên quen thuộc, lúc này các nhà quản lý cần đưa thêm các thách thức mới, để nhân viên có thể tìm được giá trị của mình qua sự cống hiến cho công ty.
Bà Trâm Nguyễn đang làm việc tại một trường đại học quốc tế, cho biết bà quản lý nhân viên của mình chủ yếu dựa trên kết quả công việc. Nếu nhân viên đã hoàn thành, họ hoàn toàn có thể làm việc riêng, miễn là không ảnh hưởng đến tổ chức. Chỉ khi nhân viên không đạt được chỉ tiêu quy định mới phải xét lại thái độ làm việc của người này.
Tiến sĩ David Robinson, hiệu trưởng một học viện tại Úc, cho rằng việc dùng mạng xã hội trong giờ làm việc là điều không tránh khỏi. Trong thế giới hiện đại, nhà quản lý khuyến khích thời gian làm việc tự do. Tuy nhân viên có thể giải quyết việc riêng trong giờ làm việc, nhưng họ cũng phải bảo đảm giải quyết công việc khi cần bất cứ khi nào. Nhưng khi nhân viên sử dụng mạng xã hội để kinh doanh thì cần có biện pháp hướng dẫn họ sử dụng giờ làm việc đúng đắn hơn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng những trường hợp nhân viên kinh doanh riêng trong giờ làm việc là vi phạm đến nội quy và đạo đức nghề nghiệp. Không loại trừ khả năng nhân viên lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý để kinh doanh riêng trong giờ làm việc. Nhân viên bỏ ra ngoài làm việc riêng, hay sử dụng quá nhiều thời gian để buôn bán cho riêng mình thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại. Nghiêm trọng hơn, họ sẽ sử dụng nguồn lực của công ty để kinh doanh, thậm chí có thể sử dụng mối quan hệ có được khi làm việc để kinh doanh riêng.
Ông Klaus Stini, người làm trong ngành ẩm thực ở Áo, kể rằng khi sử dụng dịch vụ ở Viêt Nam, ông ngạc nhiên khi thấy nhân viên phục vụ hay bán hàng có thể chơi điện thoại hay xúm lại bàn việc riêng. Điều này không thể xảy ra ở nước ông vì những hành vi như thế này được xem là sử dụng sai giờ làm việc và sẽ bị phạt.