(SGTT) - Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tính đến chiều 22-7, khoảng 121.301 héc ta cây trồng bị ngập úng do ảnh hưởng của bão số 3.
- Chưa phát sinh sự cố hạ tầng đường sắt do bão số 3
- Không để khan hiếm hàng hóa thiết yếu trong và sau bão

TTXVN đưa tin, tỉnh Ninh Bình có hơn 74.700 héc ta cây trồng bị ngập úng, Bắc Giang hơn 170 héc ta, Hưng Yên hơn 39.200 héc ta lúa, Thanh Hóa hơn 7.200 héc ta. Những địa phương khác đang tiếp tục cập nhật thiệt hại.
Về thiệt hại về người, ở Lạng Sơn có một người tử vong do bị sét đánh trúng vào chiều 19-7, một người bị thương do bị ngói rơi vào đầu. Ngoài ra địa phương có 553 nhà bị hư hỏng; trong đó có 17 nhà bị sạt lở sau nhà, 333 nhà bị tốc mái và 178 công trình phụ bị bung, sập, tốc mái. Các địa phương và lực lượng chức năng đã di dời 10 hộ ở khu vực nguy cơ bị sạt lở sau nhà đến nơi an toàn. Trên địa bàn tỉnh có 104 héc ta hoa màu bị ảnh hưởng.
Các địa phương cũng đang vận hành 364 trạm bơm với 1.594 máy để tiêu thoát nước. Chẳng hạn ở Hà Nội vận hành 41 trạm/98 máy, Hưng Yên 43 trạm/ 235 máy, Hải Phòng 76 trạm/357 máy, Ninh Bình 98 trạm/396 máy.
Về tình hình các hồ chứa thủy lợi, lượng nước trữ trong các hồ thủy lợi khu vực Bắc bộ trung bình đạt khoảng từ 65 - 100% dung tích thiết kế, trong đó, ở Ninh Bình đạt 100%. Dung tích các hồ chứa bắc Trung bộ ở mức trung bình, dung tích bình quân của các hồ đạt từ 58 - 86% dung tích thiết kế.
Với các hồ chứa lớn như hồ Cửa Đạt, mực nước lúc 17 giờ ngày 22-7 đạt 64% dung tích thiết kế, tổng lưu lượng xả 171m3/s qua phát điện. Hồ Ngàn Trươi có mực nước đạt 31% dung tích thiết kế; hồ Tả Trạch đạt 94% dung tích thiết kế.
Về cung cấp điện, từ trưa 22-7, bão số 3 (Wipha) đã đổ bộ đất liền với những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp như Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa. Để đảm bảo an toàn, các công ty điện lực đã chủ động ngừng, giảm cung cấp điện có kiểm soát tại những nơi nguy hiểm, ảnh hưởng đến hơn 1,8 triệu khách hàng.
Ngay sau khi thời tiết cho phép, đơn vị đã cấp điện trở lại nhưng vẫn còn hơn 400.000 khách hàng ở tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình (tên gọi trước sáp nhập)... chưa thể khôi phục điện do còn mưa lớn, gió giật mạnh hoặc ngập úng gây chia cắt.