(SGTT) - Các trạm y tế phường, xã, trung tâm y tế quận, huyện và bệnh viện quận trực thuộc Sở Y tế vừa được UBND TPHCM quyết định phê duyệt tổ chức lại.
- Từ 15-3, đồng loạt các bệnh viện TPHCM tiến hành khai báo y tế điện tử
- Hơn 30.000 thẻ BHYT ở Bệnh viện Thống Nhất phải đổi nơi khác
Bệnh viện quận 2 được đổi tên thành Bệnh viện Lê Văn Thịnh trực thuộc Sở Y tế. Đây là bệnh viện hạng I, có quy mô 500 giường bệnh, 9 phòng chức năng, 30 khoa và một phòng khám đa khoa.
Theo baochinhphu.vn, Bệnh viện quận 9 được tổ chức thành Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt trực thuộc Sở Y tế. Đây là bệnh viện hạng II với quy mô 100 giường bệnh, bốn phòng chức năng và 15 khoa.
Bệnh viện quận Thủ Đức được tổ chức thành Bệnh viện thành phố Thủ Đức, trực thuộc Sở Y tế. Bệnh viện thành phố Thủ Đức là bệnh viện hạng I với quy mô 800 giường bệnh, 10 phòng chức năng, 40 khoa và 5 phòng khám đa khoa.
Ngoài ba bệnh viện trên, thành phố Thủ Đức còn có các bệnh viện công lập tuyến thành phố gồm Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cùng Bệnh viện Quân dân y miền Đông do quân đội quản lý.
UBND TPHCM cũng quyết định tổ chức lại, sáp nhập Trung tâm Y tế Quận 2, Trung tâm Y tế Quận 9 và Trung tâm Y tế quận Thủ Đức thành Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức trực thuộc Sở Y tế. Cơ sở vật chất của ba trung tâm này sau khi sáp nhập vẫn giữ nguyên trạng.
Ngoài ra, TPHCM cũng quyết định thành lập các trạm y tế mới trên cơ sở sáp nhập các trạm y tế cũ thuộc thành phố Thủ Đức, các quận 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận.
Theo plo.vn, việc tổ chức lại bộ máy các đơn vị trực thuộc Sở Y tế sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức trên nguyên tắc đảm bảo duy trì các hoạt động chuyên môn, đảm bảo ổn định và tổ chức triển khai hoạt động có hiệu quả ngay sau khi tổ chức lại, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động.
Dung Trần tổng hợp