(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam tiếp nhận, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
- Nhật Bản sẵn sàng cung ứng vốn cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam
- Đại dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ có quy mô ra sao?
Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Việt Nam, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) và Bộ Giao thông Vận tải đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực giao thông trong từng lĩnh vực như đường sắt, đường bộ, hàng không, hàng hải. Trước mắt phía MOLIT đề nghị có thể ký MOU trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, theo Bacochinhphu.vn.
Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Hàn Quốc chia sẻ những kinh nghiệm về đầu tư phát triển, khai thác hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và hỗ trợ Việt Nam về tiếp nhận, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Phía Việt Nam cũng mong muốn Hàn Quốc quan tâm hợp tác đầu tư đối với những dự án lớn của ngành hàng không, hàng hải như dự án xây dựng sân bay Long Thành, dự án xây dựng các cảng biển của Việt Nam.
Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập Quỹ thúc đẩy phát triển kinh tế (EDPF) nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Đây được đánh giá là một nguồn huy động vốn ODA thế hệ mới với mức ưu đãi cao, linh hoạt về điều kiện vay và không ràng buộc điều kiện trong quá trình đấu thầu.
Trên cơ sở biên bản hợp tác đã ký kết giữa hai Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phía Hàn Quốc xem xét, tài trợ nguồn vốn EDPF nhằm triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời gian tới như dự án xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành; dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 12A, 12C, 15D và 49 kết nối với Lào.
Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào các dự án giao thông thông minh tại các đường cao tốc của Việt Nam, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện và các hạ tầng liên quan để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050.