Sở Tài chính Hà Nội vừa có đề xuất UBND thành phố tăng giá nước sạch từ trung bình 8.300 đồng/m3 lên hơn 11.900 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm 2023 và 13.323 đồng/m3 năm 2024.
- Cuối tuần này sẽ cúp nước diện rộng ở TPHCM
- Hai nữ nhân viên văn phòng mở quán mì nước dùng đậu tương lạ miệng ở TPHCM
Cổng thông tin Chinhphu.vn cho biết, theo tờ trình phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt Sở Tài chính Hà Nội gửi UBND thành phố, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên của hộ gia đình/tháng sẽ từ 5.973 đồng/m3 hiện nay tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7-2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30 m3/hộ/tháng.
Như vậy, trung bình giá nước sạch ở Hà Nội từ 8.300 đồng/m3 sẽ tăng lên hơn 11.900 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm 2023 và 13.323 đồng/m3 năm 2024.
Các sở ngành được giao thẩm định phương án điều chỉnh giá nước đã tính toán nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội, khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/người, ngoại thành mức dùng 50-70 lít/ngày/người. Như vậy, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng/tháng khu vực nội đô. Tại nông thôn, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng, số tiền phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng/tháng.
Theo Sở Tài chính, mức tăng sẽ thiết kế theo lộ trình 2 đợt, cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân do chi phí sử dụng nước sạch sinh hoạt chỉ chiếm 0,72% tổng thu nhập và chi tiêu mỗi tháng của một hộ gia đình tại khu vực thành thị.
TTXVN dẫn nguồn Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, 10 năm qua thành phố chưa điều chỉnh giá nước sạch, trong khi chi phí cấu thành giá nước đã biến động. Thành phố Hà Nội cũng ban hành chính sách hạn chế nước ngầm, kêu gọi đầu tư nhà máy nước mặt, quy định chặt chẽ hệ thống tiêu chuẩn an toàn để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, chi phí đầu tư trang thiết bị lớn, giá sản xuất cao hơn nước ngầm.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng thông tin về tình hình cấp nước cho dịp hè năm 2023, theo đó tổng nhu cầu sử dụng hiện khoảng 1.150.000- 1.250.000 m3/ngày đêm. Cao điểm, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng 5-10%, tổng mức tiêu thụ nước sạch sẽ khoảng 1.250.000-1.350.000 m3/ngày đêm.
Trong khi đó, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy tập trung đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm; sản xuất nước ngầm 770.000 m3/ngày đêm, sản xuất nước mặt 750.000 m3/ngày đêm và mạng cấp nước nông thôn có công suất thiết kế của từng trạm 300-1.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình toàn thành phố giảm từ 24% xuống dưới 18%.
Đến năm 2025, nếu các dự án mở rộng, nâng cấp các nhà máy nước sạch không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, trong khi Hà Nội giảm mạnh khai thác nước ngầm, có thể không đảm bảo nguồn cung về nước sạch sinh hoạt cho thành phố.
Thế nên giá nước sạch được điều chỉnh tăng sẽ khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm cho các tổ chức, cá nhân; đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp cấp nước, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô, Sở Tài chính nhận định.
Thái Huy
Theo Kinh tế Sài Gòn Online