(SGTT) - Được xem là "nóc nhà Đông Bắc", đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.428m, nằm trên địa phận huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nơi đây nổi tiếng với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng, những thác nước đẹp, rừng rêu cổ thụ ma mị. Nếu du khách may mắn đi vào mùa đỗ quyên, mùa phong lá đỏ hoặc mùa lúa chín... thì cung leo núi Tây Côn Lĩnh càng trở nên cuốn hút.
Theo chia sẻ của travel blogger Ta Ba Lô, với tổng quãng đường trekking hơn 17km từ điểm xuất phát đến đỉnh, cung leo núi Tây Côn Lĩnh sẽ có khoảng 3km gần đỉnh là có một vài dốc đứng tốn sức, còn lại chủ yếu là hiking xuyên rừng với địa hình khá bằng phẳng.
“Có nhiều hướng tiếp cận đỉnh Tây Côn Lĩnh khác nhau, trong đó có ba cung chủ yếu là từ hướng bản Tùng Sán của huyện Hoàng Su Phì, hướng từ bản Lùng Tao hoặc bản Mào Phìn của huyện Vị Xuyên. Nếu đi vào giữa tháng 10 theo hướng từ bản Mào Phìn, du khách sẽ có dịp ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng rực”, travel blogger Ta Ba Lô chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị.
Nếu xuất phát từ Hà Nội hoặc các tỉnh thành khác, du khách nên di chuyển bằng xe giường nằm từ đêm hôm trước đến thành phố Hà Giang nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, du khách thuê xe máy xuất phát sớm để đến điểm leo núi.
Ngày 1: Thành phố Hà Giang - bản Mào Phìn - Khu cắm trại Tây Côn Lĩnh
Sau khi thức dậy, dùng bữa sáng và chuẩn bị đồ đạc, du khách bắt đầu xuất phát bằng xe máy đến bản Mào Phìn - là nơi bắt đầu của cung trekking Tây Côn Lĩnh. Du khách di chuyển theo hướng từ thành phố đến cửa khẩu Thanh Thuỷ, đi được khoảng 15km đến trung tâm xã Phương Tiến, sau đó rẽ trái theo đường bê tông lên khoảng 7km nữa là tới bản Mào Phìn.
Mất khoảng gần một tiếng di chuyển bằng xe máy thì đến bản Mào Phìn, tại đây, du khách sẽ được tận hưởng không gian bản làng xinh đẹp của đồng bào người Dao với những mái nhà rêu xanh phủ kín, những đồi chè shan tuyết cổ thụ và đặc biệt là không gian ruộng bậc thang đẹp.
Khám phá xong bản Mào Phìn, du khách gửi xe máy nhà dân và tiếp tục hiking 13km từ bìa rừng vào tới khu cắm trại Tây Côn Lĩnh. Đoạn này, du khách di chuyển vào rừng sâu dưới những tán rừng nguyên sinh với hệ thực vật độc đáo. Nổi bất trong đó là những rừng thảo quả tầng thấp, rừng chuối, rừng dương xỉ tầng trung và tầng cao là những tán rừng cổ thụ mát mẻ.
Đường hiking khá dễ dàng, bằng phẳng và quang đãng, vì đây là đoạn đường tuần rừng và phục vụ việc chăm sóc thu hoạch thảo quả nên được phát quang thường xuyên.
Hiking khoảng 6km, khách trekking sẽ dùng bữa trưa giữa khung cảnh rừng vầu, nghỉ ngơi và di chuyển khoảng tiếp khoảng hơn 6km nữa là sẽ đến hai lán gỗ nhỏ xinh nằm giữa một thung lũng trồng rất nhiều bạch đàn, sa mộc, lê, đào… Ngay cạnh lán gỗ có các bãi cỏ rất đẹp phù hợp để cắm trại ngoài trời. Dựng lều và chuẩn bị bữa tối xong, du khách có thể lên đỉnh 1.900m cách khu cắm trại không xa để ngắm hoàng hôn với những biển mây bồng bềnh.
Ngày 2 : Khu cắm trại - Chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh – thành phố Hà Giang
Sau khi thức dậy, du khách dùng bữa sáng và bắt đầu hiking 4km cuối cùng từ khu cắm trại lên đến đỉnh. Đoàn này thì bắt đầu xuất hiện nhiều con dốc khá gắt và tốn sức, chưa kể những ngày mưa sẽ khá bùn lầy và trơn trượt nhưng bù lại thì vẫn là thảm thực vật tầng cao nhiều bóng mát.
Càng gần đến đỉnh thì sự ma mị của núi rừng Tây Côn Lĩnh càng hiện rõ, độ ẩm cao tạo điều kiện cho rêu mọc khắp nơi, phủ kín các thân cây, dây leo. Đây cũng là đoạn nhiều rừng phong và đỗ quyên nhất nên sẽ đặc biệt đẹp nếu đi vào mùa lá phong đỏ (tháng 10-11) và mùa hoa đỗ quyên (tháng 3).
Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ trekking, du khách bắt đầu đến đỉnh Tây Côn Lĩnh. Đỉnh Tây Côn Lĩnh khá rậm rạp và nhiều cây cối xung quanh nên không có tầm nhìn thoáng để ngắm xung quanh.
Chụp vài tấm hình, nghỉ ngơi, du khách tiếp tục di chuyển quay lại khu cắm trại để kịp ăn trưa vào khoảng đầu giờ chiều và tiếp tục hiking 12km quay ngược lại bản Mào Phìn và trở về thành phố Hà Giang trước khi trời tối.
Lưu ý khi leo đỉnh Tây Côn Lĩnh
Không giống các đỉnh cao tại miền Bắc, đỉnh Tây Côn Lĩnh đặc trưng là rừng nhiệt đới ẩm với thảm thực vật đa tầng, phủ từ chân đến đỉnh núi. Đặc biệt, với độ ẩm cao, nơi đây là điều kiện để các sinh vật như vắt, muỗi, rắn… sinh sống, nên du khách nên mang theo lọ xịt chống côn trùng, vắt.
Cung đường trekking Tây Côn Lĩnh có nhiều đoạn dốc trơn trượt, nhất là vào những ngày mưa, nên du khách nên mang giày độ bám, có khả năng chống thấm và tránh đi giày chạy bộ hoặc dép sẽ gây nhiều khó khăn khi di chuyển.
Vì là cung trekking mới, có nhiều đoạn khá rậm rạp, nhiều đường nhánh dễ lạc, khuyến khích du khách trải nghiệm lần đầu nên có porter hoặc đi theo dạng tour để đảm bảo an toàn. Nếu có kế hoạch chinh phục Tây Côn Lĩnh du khách có thể liên hệ Pai Adventure – đơn vị chuyên tổ chức tour du lịch dã ngoại tại Hà Giang để được hỗ trợ.
Nguyên Phong